Chuyện về những bức ảnh Bác

Trong những căn nhà dẫu đơn sơ hay khang trang, hình ảnh Bác luôn được gia chủ treo ở những vị trí trang trọng.

Với lòng yêu kính Bác, có những người dân xứ Bắc trong cuộc di cư vào sinh sống tại ấp 1, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, hành trang mang theo luôn có ảnh Bác. Trong những căn nhà dẫu đơn sơ hay khang trang, hình ảnh Bác luôn được gia chủ treo ở những vị trí trang trọng. Những người này cho biết, có ảnh Bác trong nhà căn nhà thêm ấm áp, không có ảnh Bác sẽ thấy trống rỗng.

Chị Hợp và ông Tung chia sẻ niềm vui về bức ảnh Bác.

Chị Hợp và ông Tung chia sẻ niềm vui về bức ảnh Bác.

Một lòng yêu kính Bác

Từ năm 1990, trong chuyến di cư từ Bắc Ninh vào sinh sống tại xã Suối Dây, hành trang của bà Trần Thị Bình (69 tuổi) luôn có ảnh Bác. Bà Bình cho biết, mình vốn sinh ra trong một gia đình cách mạng, rất nhiều người thân của bà đã đóng góp máu xương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có người đã hy sinh trên đất bạn Campuchia.

Với truyền thống đó của gia đình, bà Bình lớn lên với niềm tin vào Đảng, lòng kính yêu Bác Hồ. Trong cuộc sống của mình, bức ảnh Bác là vật không thể thiếu trong căn nhà của bà. Bà Bình vẫn luôn nhớ về những ký ức tốt đẹp những ngày ở quê, nhà nhà đều treo ảnh Bác như một nét đẹp truyền thống của người dân quê bà. “Lúc còn ở ngoài quê, những đợt chạy lũ, bên cạnh tài sản của gia đình, ảnh Bác luôn là vật được ưu tiên mang theo”- bà Bình nói.

Truyền thống đó được bà, những người cùng quê mang theo đến cả vùng đất mới như Suối Dây. Đầy lòng biết ơn, bà nói: “Có Đảng, có Bác, mình mới có hiện tại, phát triển nông thôn mới, đời sống tiến lên nhờ Bác dẫn đường. Treo ảnh Bác trong nhà như là một truyền thống trong gia đình, nếu sau này tôi không còn các con vẫn tiếp tục, bức ảnh này cũ thì thay vào bức ảnh mới”.

Theo dấu thời gian những bức ảnh cũng mờ phai đi, mỗi lần như vậy bà Bình lại tranh thủ dịp về quê để tìm mua một ảnh khác. Hiện tại bức ảnh Bác trong nhà bà đã mờ do thời gian. Bà đang dự định năm nay về quê sẽ lại mua một bức ảnh khác để thay mới.

Không chỉ treo ảnh Bác trong nhà, những ngày lễ, tết, sinh nhật Bác bà đều mua hoa, quả và thắp hương để tưởng nhớ Bác. Những ngày chuẩn bị sinh hoạt tại Văn phòng ấp, hay gần đến sinh nhật Bác, bà Bình lại cùng những chị em đến thắp hương, chưng hoa tươi cho thêm trang trọng.

Với lòng tôn quý Bác, không chỉ treo bức ảnh Bác trong nhà, bà Bình còn tranh thủ những dịp về quê để vào thăm Lăng Bác. Đó là việc người phụ nữ này đã duy trì hàng chục năm qua, khi chỉ một mình, khi đi cùng con cháu. Bà vui và hạnh phúc khi giải thích những thắc mắc hay kể lại những câu chuyện về Bác cho con cháu mình nghe.

Bà Bình nói vui rằng: “Tôi bây giờ trí nhớ đã bắt đầu kém khi nhớ khi quên nhưng những vần thơ về Bác vẫn trong đầu, có lúc lại rõ ràng lắm”. Có cháu nhỏ, thay vì hát ru, bà Bình thường đọc thơ về Bác, Nhật ký trong tù để ru cháu ngủ. Bà nói rằng, nhớ về Bác là để trân quý những giá trị mà Bác mang đến cho chúng ta.

Cách nhà bà Bình không xa là nhà ông Bùi Văn Tung (67 tuổi) người cùng quê Bắc Ninh với bà. Trong căn nhà khang trang của mình, ông Tung không chỉ treo một bức ảnh chân dung Bác mà thêm vài bức ảnh Bác Hồ với những sinh hoạt thường ngày khác. Trong ngăn tủ trưng bày, ông Tung cũng lấy ra một bức ảnh của Bác in lên đá được ông mua về từ một chuyến du lịch Đà Nẵng.

“Tôi treo ảnh Bác trong nhà với ý nghĩa mang niềm tự hào về Bác, có Bác mới có được hiện tại này. Chúng ta được sống trong cảnh hòa bình, thống nhất là nhờ Đảng, nhờ Bác dẫn đường cho đất nước phát triển đi lên, bền vững”- ông Tung tự hào nói.

Những bức ảnh Bác được ông Tung mua từ ngoài quê mang vào vì độ sắc nét và đa dạng. Khoảng 4-5 năm ông Tung về quê một lần, những lúc ấy ông lại tìm thêm những bộ ảnh về Bác để sưu tầm. “Có dịp tôi sẽ đưa con, cháu đi viếng Lăng Bác, thăm Bảo tàng quốc gia. Con cháu mình có người sinh ra trong Nam nên tôi muốn các con, cháu được tìm hiểu để thêm yêu quý Bác, yêu quý những giá trị truyền thống của dân tộc mình”- ông Tung chia sẻ.

Cùng ngồi nói chuyện với ông Tung kể về những kỷ niệm, dấu ấn khi được đến thăm Lăng Bác là chị Nguyễn Thị Hợp (54 tuổi). Chị Hợp quê ở Hải Dương, theo gia đình vào Suối Dây sinh sống gần 40 năm nay. Như nhiều gia đình gốc Bắc khác, gần 10 năm nay, chị Hợp cũng treo ảnh Bác ở một góc trang trọng trong nhà. Bức ảnh được ép nhựa để bảo quản lâu bền và luôn đẹp.

Khi được hỏi về lý do treo ảnh Bác, chị Hợp lại ngâm nga những câu thơ: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà…” (Ảnh Bác-Trần Đăng Khoa). Đó là những vần thơ được in sâu trong trí nhớ chị từ những ngày còn cắp sách đến trường cho đến hiện tại. Những ký ức tuổi thơ đó đi cùng chị theo năm tháng, theo cả cuộc hành trình vào Nam và luôn mang theo bức ảnh Bác. Chị Hợp chia sẻ: “Bức ảnh Bác này tôi treo cũng được gần 10 năm. Trước đây, gia đình tôi cũng mang theo ảnh Bác nhưng đó là một bức ảnh đen trắng, sau này mới được ảnh màu nên vui lắm. Treo ảnh Bác chính là thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ, ghi nhớ công ơn của Người”.

Chị Hợp xem Bác là tấm gương để học theo mỗi ngày.

Chị Hợp xem Bác là tấm gương để học theo mỗi ngày.

Nhìn Bác, soi mình

Bức ảnh Bác được những người dân treo trong nhà không chỉ với tấm lòng tôn kính Bác. Những bức ảnh Bác cũng để nhắc nhở, là gương soi cho họ phấn đấu mỗi ngày.

Bà Bình 10 năm nay luôn tích cực với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, bà cũng là tổ trưởng tổ dân cư tự quản. Bà Bình nói rằng, khi vào đây sinh sống gia đình cho đến hiện tại kinh tế không khá giả, bà dù đã ngót nghét 70 vẫn bận bịu trông cháu nhưng khi địa phương cần bà sẵn sàng tham gia làm công tác xã hội. Bà cho biết mình luôn phấn đấu, học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất. Bà Bình nói: “Nhìn tấm gương Bác để nhắc mình luôn cố gắng, làm gương cho con, cháu noi theo. Được làm gì đó giúp tôi thấy tinh thần vui vẻ, thoải mái hơn”.

Chị Hợp khi vào Suối Dây sinh sống cũng luôn cố gắng làm việc. Chị từng làm công nhân Nông trường cao su Suối Dây, làm nhân viên trường mầm non. Trong thời gian làm việc chị cũng được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện tại, chị Hợp là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 1. Chị Hợp chia sẻ: “Bác là một tấm gương để tôi phấn đấu học tập mỗi ngày như trau dồi đạo đức, học tính cần kiệm, liêm chính”.

Với công việc của Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, chị Hợp tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế. Để tuyên truyền, vận động tốt chị Hợp luôn phải gương mẫu, đi đầu. Theo chị, là người đảng viên cần luôn có tinh thần sẵn sàng, tiên phong để nêu gương cho người dân. “Khi về công tác tại ấp, giúp được nhiều việc cho người dân tôi cảm thấy rất vui, đó là động lực để tiếp sức cho tôi tham gia tiếp các hoạt động”- chị Hợp chia sẻ.

Ông Tung cho biết thêm, khi vào đây sinh sống ông cũng tham gia công tác tại UBND xã Suối Dây nhiều năm. Sau khi về hưu, ông là Bí thư Chi bộ ấp một nhiệm kỳ, hiện tại ông là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tại ấp. Với ông Tung, dù đã nghỉ hưu nhưng khi xã hội cần, với trách nhiệm người đảng viên ông luôn mong muốn tham gia đóng góp sức mình. Gần 30 năm qua, những nỗ lực của ông Tung được các cấp, ngành, địa phương, trung ương ghi nhận khen thưởng; đó là niềm vui, vinh dự, là động lực để ông tiếp tục phấn đấu.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-ve-nhung-buc-anh-bac-a172984.html