Tươi nắng Cơ Tu

Tết Nguyên đán Giáp Thìn với bà con Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, thôn Tà Lang của xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là cái Tết vui nhiều nhất bởi sẽ có nhiều khách du lịch đến chung vui. Những ngày gần Tết, nhà nào cũng chộn rộn chuẩn bị các món đặc sản bản địa, dọn dẹp sân vườn chờ đón khách.

Du khách tham quan thôn Giàn Bí. Ảnh: A Lăng Hồng.

Rộn ràng đón Tết

Những ngày cuối năm, nhà Gươl thôn Giàn Bí luôn rộn ràng tiếng cười nói của các chàng trai, cô gái Cơ Tu. Mọi gia đình trong thôn đều có con, cháu đến sân nhà Gươl tập luyện “Tung Tung, Da Dá” (vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu) dưới sự chỉ dẫn của già A Lăng Siêng.

“Tung Tung, Da Dá” nhịp nhàng trong tiếng chiêng âm vang, dìu dặt cùng với những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt của già trẻ, gái trai, biến sân nhà Gươl thành điểm “check-in” lý tưởng của du khách trong hành trình về với thiên nhiên, khám phá nét đẹp văn hóa Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Cách đó không xa, vườn cây trái cùng ngôi nhà sàn của Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí A Lăng Như, cũng là nơi du khách được say sưa nghe điệu hát, điệu nói lý (hát, kể, đối đáp, mượn hình ảnh thiên nhiên vạn vật để chuyển tải suy nghĩ của mình đến người nghe). “Mình có núi rừng, sông suối, có văn hóa từ bao đời do cha ông để lại, mình không thể chịu nghèo mãi”, ông A Lăng Như nói.

Từ suy nghĩ này mà A Lăng Như đã quyết tâm biến khu vườn và ngôi nhà sàn của gia đình thành mô hình homestay đón khách du lịch. Sau A Lăng Như, vợ chồng Zơ Răm Thị Hồng cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư homestay. Những hộ chưa có điều kiện kinh tế trong thôn cũng noi theo, cải tạo ngôi nhà của mình thành các phòng lưu trú cho khách tham quan. Lan tỏa, truyền cảm hứng cho du khách trong những cuộc vui mang đậm sắc thái văn hóa, tinh thần dân tộc Cơ Tu là A Lăng Hồng, em gái A Lăng Như.

Bận rộn với công việc ở Trạm y tế xã Hòa Liên nhưng cứ có thời gian rảnh rỗi là A Lăng Hồng trong trang phục truyền thống Cơ Tu lại tranh thủ làm cầu nối để du khách tiếp cận văn hóa, phong tục đẹp của người Cơ Tu.

Rất nhiều nam, nữ thanh niên ở Giàn Bí cũng siêng năng tiếp thu kiến thức về văn hóa truyền thống, trở thành hướng dẫn viên cho các đoàn khách đông đảo đến Giàn Bí vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết.

Nam thanh nữ tú người Cơ Tu trong trang phục truyền thống. Ảnh: A Lăng Hồng.

Năm mới đón nhiều khách hơn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết, du lịch cộng đồng, homestay ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc là mô hình thí điểm được hình thành từ năm 2019 nhưng do mấy năm liên tục vướng dịch Covid-19 nên hiệu quả kinh tế vẫn còn khiêm tốn.

Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang cùng chính quyền, đoàn thể vẫn đang khuyến khích người dân Hòa Bắc, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, thôn Tà Lang nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy văn hóa truyền thống và lợi thế vườn, rừng.

Theo lời Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí A Lăng Như, Huyện ủy và UBND huyện Hòa Vang đã thống nhất kế hoạch xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng thôn Giàn Bí với khoản kinh phí 20 tỷ đồng. Nhà văn hóa cộng đồng là nơi sinh hoạt, họp hành của 156 hộ dân và cũng là bảo tàng lưu giữ các hiện vật, giá trị văn hóa tinh thần của người Cơ Tu để phục vụ du khách.

Năm 2024 Chi bộ cùng Ban Cán sự thôn cũng đã có kế hoạch tổ chức “Chợ phiên Cơ Tu” vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để phục vụ du khách và tiêu thụ nông, lâm sản và sản vật truyền thống của bà con.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Tổ hợp tác Du lịch Hòa Bắc Đỗ Thị Huyền Trâm cho biết, Tổ hợp tác Du lịch Hòa Bắc thành lập từ tháng 3/2023, với 4 mục tiêu lớn là giữ rừng bền vững; phát triển nông nghiệp sạch; duy trì, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu; tạo sinh kế cho người dân. Đến thời điểm này, Tổ hợp tác Du lịch Hòa Bắc đã quy tụ 19 thành viên chính thức, khoảng 150 thành viên liên kết là các hộ làm du lịch trên địa bàn, trong đó có các hộ đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí. Từ những hộ nông dân sản xuất manh mún, thành viên Tổ hợp tác Du lịch Hòa Bắc đã có thu nhập cao nhất khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Từng là nơi xa xôi, cách trở nhất của xã miền núi Hòa Bắc, thôn Giàn Bí, thôn Tà Lang - nơi có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống đã trở thành địa chỉ du lịch dã ngoại, thăm thú, hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu bản sắc văn hóa có sức hấp dẫn cao không chỉ với người dân Đà Nẵng mà với du khách khắp nơi.

Đã qua gần 75 mùa rẫy trên các núi cao, rừng thấp của Trường Sơn, già làng thôn Giàn Bí A Lăng Siêng nói với tôi rằng, Tết Giáp Thìn này là Tết vui nhất trong đời già khi thấy con cháu Cơ Tu mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới, hỏi và đón khách du lịch. Vải thổ cẩm do người trong thôn dệt bằng khung cửi được khách du lịch mua nhiều, là nguồn thu nhập đáng kể, giúp bà con phát huy nghề truyền thống. Nắng hắt lên từ dòng sông Nam - sông Bắc chảy qua Giàn Bí, như reo trong đáy mắt già làng A Lăng Siêng về một cái Tết tươi mới, rộn ràng.

THANH TÙNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuoi-nang-co-tu-10273141.html