Âm nhạc dẫn lối…

Nương tựa vào nhau để giúp bù đắp phần nào khuyết thiếu, những hội viên ở Hội Người mù thị xã Ninh Hòa không chỉ biết làm cây chổi, que tăm, bó nhang để bán, mà còn sẻ chia với nhau qua từng con chữ nổi Braille và từng nốt nhạc. Trong đó, âm nhạc đã dẫn lối cho họ vượt qua bóng tối, hướng tới ánh sáng lạc quan.

Buổi văn nghệ nhiều cảm xúc

Hội viên Hội Người mù thị xã Ninh Hòa tham gia đoàn nghệ thuật quần chúng người khuyết tật của thị xã biểu diễn tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” năm 2023. Ảnh: N.T

Hội viên Hội Người mù thị xã Ninh Hòa tham gia đoàn nghệ thuật quần chúng người khuyết tật của thị xã biểu diễn tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” năm 2023. Ảnh: N.T

Một chiều tháng 5, thị xã Ninh Hòa nắng cháy da, nóng hầm hập. Tại khoảng sân trụ sở Hội Người mù thị xã Ninh Hòa, những người làm chổi đót nhịp nhàng phối hợp thực hiện dây chuyền. Người thoăn thoắt tuốt bông đót, người bó thành bó nhỏ, rồi chuyển sang người bện, bó cán chổi. Trong mấy căn phòng nhỏ, vài hội viên "múa ngón tay" trên lưng khách hàng được massage. Ở phòng lớn, hơn chục học viên tập trung "viết" chính tả bằng chữ nổi Braille theo sự hướng dẫn của "thầy" Bùi Văn Lộc - Chủ tịch Hội.

Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn nhạc cụ tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” năm 2023. Ảnh: N.T

Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn nhạc cụ tại Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” năm 2023. Ảnh: N.T

Trong khuôn viên chồng chất bông đót, chổi, tre, công cụ lao động ấy, bỗng ngân lên những thanh âm réo rắt từ cây đàn organ do Bùi Ngọc Thịnh (24 tuổi, con ông Lộc) và Nguyễn Quốc Bảo (13 tuổi) thực hiện. Giai điệu du dương của tác phẩm Donna Donna, bản nhạc country nổi tiếng vài thập kỷ trước, với những tổ hợp âm luyến láy, những đoạn ngắt âm liên tục, nối tiếp là bản hit nổi tiếng Croatian Rhapsody và những nốt nhạc tươi trẻ của "bản tình ca" Mariage d’Amour ào ạt thấm vào tâm trí mọi người, làm không khí nóng bức như dịu mát lại. Mọi người gật gù theo nhịp nhạc, hoạt động phấn chấn hẳn.

Giờ lao động, học chữ nổi vừa kết thúc, các hội viên di chuyển vào phòng sinh hoạt chung. Bàn học được dẹp gọn; ghế bày thành hàng; đàn organ và guitar phím lõm đã sẵn sàng ở bàn trên cùng. Ngồi lên chiếc ghế nhựa ọp ẹp, Thịnh lướt khúc dạo đầu trên phím đàn organ, rồi cất giọng trầm ấm hát bài Tình cha (Ngọc Sơn). Tất cả im lặng chăm chú nghe; nhiều hội viên nghiêng hẳn đầu sang bên (cách mà người khiếm thị thường làm) như để nghe cho rõ hơn. Bài hát vừa dứt, tất cả ào ào vỗ tay. Rồi mọi người lại nhanh chóng trật tự để tiếp tục đắm chìm trong tiếng lòng da diết của bài Nỗi nhớ phương xa (Hà Ngọc Yến), hoặc thẫn thờ cố mường tượng khung cảnh thanh bình trong bài Mẹ yêu ơi (Quách Beem): "Mẹ là dòng sông, để con tắm mát trưa hè… Mẹ là bờ đê, để con vui với cánh diều"…

Anh Thịnh hướng dẫn em Bảo tập đàn.

Anh Thịnh hướng dẫn em Bảo tập đàn.

Mấy chục hội viên ngồi sát nhau trong căn phòng chật chội, giữa không khí oi ả, nhưng không ai thấy nóng. Nở nụ cười tươi, bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi, phường Ninh Đa) kể, sau khi bị mù, bà hầu như chỉ nằm một chỗ, bi quan nghĩ về đời mình. Từ khi tham gia hội và chuyển tới đây ăn ở, làm việc, bà mới thấy vui vì có người bầu bạn, được nghe nhạc hàng ngày. Bà Phan Thị Liên (76 tuổi), một người khiếm thị đơn thân thì tự hào khoe: "Hội còn có hẳn ban văn nghệ đi biểu diễn!".

Hòa nhịp cuộc sống

Ông Lộc trầm tư nhớ về những năm tháng còn là học sinh lớp 11, khi ông phát bệnh teo gai thị, mắt mờ dần rồi không nhìn thấy nữa. Trải qua nhiều tháng ngày hụt hẫng bi quan, ông được bạn giới thiệu tới sinh hoạt ở hội, từ đó tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia trong lao động thủ công và nhận ra còn nhiều người bất hạnh hơn mình. Sau khi đi học chữ nổi Braille, cộng với kiến thức từ khi còn sáng mắt, ông Lộc tích cực tham gia dạy chữ, vận động hướng dẫn hội viên làm quen với máy vi tính qua phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói.

Ông Bùi Văn Lộc dạy viết chính tả bằng chữ nổi cho các học viên.

Ông Bùi Văn Lộc dạy viết chính tả bằng chữ nổi cho các học viên.

Nhưng âm nhạc mới là chất xúc tác giúp các hội viên nơi đây phấn chấn lao động, học tập và gắn kết với nhau. Ngoài lao động, các hội viên thường xuyên tập văn nghệ và tham gia biểu diễn ở các xã, phường. Cũng từ không khí sôi nổi ấy, năm 1999, ông Lộc và một nữ hội viên nên duyên vợ chồng. Năm 2000, họ đã trải qua từ niềm vui vô bờ đón bé Thịnh chào đời đến nỗi buồn tận cùng khi biết con bị mù bẩm sinh. Bù lại, khi mới 3 tuổi, Thịnh đã biết hát và tự tin lên sân khấu trình diễn. 5 tuổi, Thịnh được nhận giải thưởng Giọng hát hay toàn tỉnh của Đài FM Khánh Hòa. Thịnh còn mày mò thể hiện chính xác nhiều giai điệu trên chiếc trống cũ của hội. 7 tuổi, Thịnh xin học guitar phím lõm. Trải qua nhiều ngày luyện tập đến ứa máu ngón tay, sau 2 tháng, Thịnh đã chơi thành thục 36 điệu nhạc cổ; rồi em tiếp tục chinh phục những nhạc cụ mới; mày mò học vi tính, tiến tới sáng tác. Năm 2011, Thịnh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất (5 nhạc cụ). Năm 2012, Thịnh lại xác lập kỷ lục châu Á là người khiếm thị chơi được nhiều nhạc cụ nhất (7 nhạc cụ). Sau đó, Thịnh trở thành sinh viên khiếm thị của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa). Sau 7 năm miệt mài nhờ bạn đọc giùm bài trên bảng để chép bằng chữ nổi Braille; nhờ thầy đánh đàn để tự ký âm và học, Thịnh đã hoàn thành chương trình sơ, trung và cao đẳng mà lẽ ra phải học 10 năm.

Những giờ luyện đàn, luyện hát của Thịnh đã góp phần thổi bùng tình yêu âm nhạc ở hội. Hội viên hào hứng luyện hát, nhờ Thịnh dạy chơi đàn. Ban văn nghệ của hội đã biểu diễn ở nhiều xã, phường, giúp hội viên hòa nhịp cuộc sống, thêm thu nhập; qua đó cũng góp phần tuyên truyền và vận động ủng hộ cho hoạt động của hội và phát hiện, kết nạp thêm hội viên mới. Từ một em nhỏ chưa từng biết phím đàn, đến nay, Bảo đã chơi thành thạo 3 bản nhạc trên đàn organ. Sau 2 năm sinh hoạt ở hội, Tô Thị Tiểu Thảo (15 tuổi) cũng đã đánh được 3 bản nhạc, tham gia hát đơn ca, tốp ca, giành nhiều giải thưởng cấp thị xã và tỉnh. Dù không thấy khán giả và sân khấu lấp lánh đèn, nhưng những lời động viên, những tràng pháo tay kéo dài không ngớt của người nghe đã khiến Thảo thêm yêu âm nhạc. Từ một cô bé sống thu mình, dễ hoảng loạn, Thảo đã tự tin hơn, nuôi ước mơ trở thành ca sĩ.

Biết ơn và chia sẻ

Vượt qua mọi trở ngại, năm 2020, sau khi hoàn thành phòng thu âm tại nhà, Thịnh đã nhận hòa âm, phối khí cho nhiều nghệ sĩ, chương trình nghệ thuật. Hiện tại, Thịnh chơi thành thạo 14 nhạc cụ (trống, tiêu và các loại đàn: organ, piano, guitar phím lõm, guitar, guitar bass, violin, mandolin, sến, cò, tranh, kìm, bầu); hòa âm phối khí được hơn 1.000 tác phẩm các thể loại; sáng tác 5 tác phẩm và đang tiếp tục học chơi nhiều nhạc cụ khác như đàn hồ, trống cajon… Kỷ lục châu Á của Thịnh hiện vẫn chưa có người phá.

Thịnh nói, anh được như ngày nay là nhờ nhiều thầy cô, mạnh thường quân giúp đỡ. Vì thế, Thịnh mong muốn dạy lại cho các em khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung để giúp các em có cái nghề kiếm sống, dù việc dạy không dễ dàng. Năm 2019 - 2020, Thịnh còn tham gia dạy khóa sử dụng phần mềm kỹ thuật phòng thu tại một trung tâm hướng nghiệp cho người mù tại TP. Đà Nẵng. Thịnh và Ban Chấp hành Hội Người mù thị xã Ninh Hòa còn vận động được 150 triệu đồng để mua 4 cây đàn organ và mở 3 khóa dạy đàn organ miễn phí, lo chi phí ăn, ở, đi lại cho hội viên tham gia học từ năm 2022.

Hội viên Hội Người mù thị xã Ninh Hòa làm chổi đót.

Hội viên Hội Người mù thị xã Ninh Hòa làm chổi đót.

Tuy vậy, khó khăn của hội còn bộn bề. Cơ sở vật chất, nguồn kinh phí vận động của hội còn hạn chế trong khi nhu cầu học nhạc, nhu cầu được ăn ở tại trụ sở và nhu cầu mở rộng sản xuất, lớp đào tạo nghề ngày càng tăng. Ông Lộc tâm sự: "Cả nhà tôi đều không thấy đường. Chúng tôi nuôi con trưởng thành nhờ vào tình thương của mọi người. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn dặn Thịnh phải giúp các em như trước đây con từng được mọi người giúp". Thịnh chia sẻ: "Với người khiếm thị, hòa nhập cuộc sống không dễ dàng. Nhưng âm nhạc đã giúp em không thấy lạc lõng, không còn là gánh nặng của xã hội, phát huy được khả năng cống hiến cho cộng đồng. Điều đó khiến em vui hơn, có động lực tích cực để tiếp tục hỗ trợ người khác và sống có ích".

Ra về, chúng tôi vẫn nghe vọng lại tiếng hát ấm áp của Thịnh: "Cuộc sống là bao/Vì đâu không mến thương nhau… Giúp người sa cơ nào muốn trả ơn..." (Thua một người dưng - Võ Hoàng Lâm). Câu hát như thông điệp nhắn nhủ cần thương yêu, giúp đỡ nhiều hơn để những người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

Hội Người mù thị xã Ninh Hòa thành lập năm 1993, đến nay có 210 hội viên, trong đó có 30 hội viên được ăn, ở, làm việc tại trụ sở; 90% hội viên biết đọc, biết viết; nhiều hội viên được tạo việc làm, thu nhập 300.000 - 600.000 đồng/tháng. Nhiều năm liền, hội được Hội Người Khuyết tật Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác hội; hội cũng nhiều lần đạt giải thưởng trong các cuộc liên hoan, biểu diễn văn nghệ các cấp. Năm 2023, hội vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà, hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng; vận động tổ chức 1 lớp dạy nghề xoa bóp, 2 khóa học chữ nổi Braille, 1 khóa học đàn và tặng 10 suất học bổng cho trẻ em mù, con em hội viên mù; duy trì nguồn vốn 85 triệu đồng cho 10 chị em hội viên vay luân phiên… Hội cũng đại diện cho đoàn nghệ thuật quần chúng thị xã Ninh Hòa tham gia liên hoan Tiếng hát từ trái tim dành cho người khuyết tật tỉnh và đạt 4 giải nhất, 1 giải nhì tiết mục; tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng dành cho người khuyết tật lần thứ IX, đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì tiết mục và giải nhất toàn đoàn.

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/am-nhac-dan-loi-bee1cf5/