Tước giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Tuấn Thiện

Công ty Tuấn Thiện bị tước quyền sử dụng giấy phép KTKS 4,5 tháng và đình chỉ hoạt động KTKS 5 tháng, sau khi bị Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt VPHC số tiền 1,367 tỉ đồng trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai.

Ngày 15/4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thông báo, số 102/TB-STNMT, về việc tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) và đình chỉ hoạt động KTKS đối với Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt (TM&TT) Tuấn Thiện, QL 20, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông báo, thời gian tước quyền sử dụng Giấy phép KTKS (số 345/GP-BTNMT, ngày 10/2/2015 của Bộ TN&MT) 4,5 tháng, kể từ ngày 9/4; thời gian đình chỉ hoạt động KTKS 5 tháng, kể từ ngày 15/3.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) số 448/QĐ-XPHC, ngày 15/3, xử phạt VPHC trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai đối với Công ty TM&TT Tuấn Thiện, số tiền 1,367 tỉ đồng, về 11 hành vi VPHC của công ty này.

Khai thác cao lanh tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: daibieunhandan

Văn bản của Sở TN&MT Lâm Đồng yêu cầu Công ty TM&TT Tuấn Thiện chấp hành nghiêm Quyết định xử phạt VPHC số 448/QĐ-XPHC của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng;

Nộp đầy đủ số tiền cấp quyền khai thác còn nợ, thời hạn chậm nhất là 90 ngày. Quá thời hạn mà không thực hiện, Sở TN&MT sẽ tham mưu, đề xuất Bộ TN&MT thu hồi giấy phép KTKS theo quy định.

Văn bản lưu ý, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động giấy phép, nếu Công ty vẫn tiến hành KTKS thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép.

Sở TN&MT đề nghị UBND và Công an TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và các xã liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành của TM&TT Tuấn Thiện.

11 hành vi VPHC của Công ty TM&TT Tuấn Thiện (trích QĐ xử phạt VPHC số 448/QĐ-XPHC):

1/ Đã quá thời hạn trong thông báo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, nhưng Công ty TM&TT Tuấn Thiện thực hiện không đầy đủ các biện pháp khắc phục và không có báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không thuộc trường hợp bất khả kháng;

2/ Cắm mốc các điểm khép góc ranh giới khu vực được cấp phép khai thác, nhưng không đúng quy cách theo quy định;

3/ Khai thác không đúng các thông số của hệ thống khai thác;

4/ Lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm;

5/ Không nộp báo cáo kết quả thăm dò cao lanh tại thôn 2, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc vào Trung tâm Thông tin lưu trữ địa chất theo quy định;

6/ Sau thời hạn kỳ cuối cùng của năm, không nộp đủ tiền cấp quyền KTKS của năm đó (chưa nộp tiền cấp quyền KTKS kỳ 2/2023, còn nợ hơn 1,3 tỉ đồng);

7/ Không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản theo quy định;

8/ Sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong giấy phép KTKS khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép (đã xuất bán toàn bộ cao lanh thô, không thực hiện chế biến đối với toàn bộ khối lượng đã khai thác theo dự án đầu tư được duyệt); thời gian từ năm 2017 đến tháng 8/2023;

9/ Sử dụng gần 3,06ha đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, nhưng không được sự đồng ý của chủ sử dụng đất, gọi là hành vi chiếm đất, thời điểm từ tháng 5/2021 đến ngày lập biên bản VPHC 26/2.

10/ Sử dụng diện tích 10,91ha đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản;

11/ Sử dụng 6,2ha đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn vào mục đích hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp), nhưng không thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không được cấp thẩm quyền cho phép, thời điểm bắt đầu sử dụng đất từ năm 2019 đến ngày lập biên bản VPHC 26/2.

PV

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/tuoc-giay-phep-khai-thac-khoang-san-cua-cong-ty-tuan-thien-156424.html