Niềm hi vọng về một công viên từ bãi rác Nam Sơn

Rác thải là vấn đề lớn lâu nay với Hà Nội. Với khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày, riêng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom, xử lý đã lên tới khoảng 7.000 tấn. Việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt rất lớn này hiện chủ yếu được thu gom về 2 khu liên hợp xử lý rác thải là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).

Một góc bãi rác Nam Sơn. Ảnh: P.V

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) là khu xử lý rác thải lớn nhất ở Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ năm 1996, chủ yếu rác ở đây được chôn lấp. Quan sát từ bên ngoài sẽ thấy những ngọn núi rác cao hàng chục mét. Mùi từ bãi rác, nước rỉ rác đã khiến cuộc sống người dân xung quanh bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề.

Chiều 24/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Trả lời về chế độ cho người dân sinh sống quanh khu vực xử lý rác Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Lê Thanh Nam khẳng định TP luôn áp dụng cơ chế đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân, bao gồm cả cơ chế về khám chữa bệnh, hỗ trợ…

Với việc xử lý ô nhiễm môi trường, ông Nam nhấn mạnh giải pháp căn cơ là sớm đưa các nhà máy đốt rác vào hoạt động. Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết rác chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn sẽ được xử lý bằng cách đốt, sau đó khu vực này thành công viên. Hà Nội kỳ vọng tương lai, đây sẽ là điểm “check-in” mới của giới trẻ, cũng như quảng bá công nghệ xử lý môi trường. Với kiến nghị trồng cây xanh ở khu vực bán kính 500m của khu xử lý rác Nam Sơn, ông Nam cho biết vẫn còn vướng mắc ở diện tích đất lúa và sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới khi Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho TP.

Khẳng định TP quan tâm tới việc xử lý rác, lắng nghe ý kiến cử tri để có quyết sách phù hợp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị với vùng bán kính 500m quanh khu xử lý rác Nam Sơn, Sở TN&MT cùng huyện Sóc Sơn cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai thêm một nhà máy xử lý rác tại khu vực này. Cùng với đó, Sở TN&MT sớm lên phương án “móc rác” ở khu vực này để tiến hành đấu thầu theo Luật Đấu thầu, mục tiêu rác cũ phải được xử lý hết trong vòng 5-7 năm tới.

Theo chuyên gia, ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên công cộng hoàn toàn có thể thực hiện được, kết quả của nó không những mang lại giá trị cho cộng đồng, kinh tế. Các chuyên gia cũng nêu ví dụ về mô hình đã thực hiện rất thành công tại bãi rác - công viên Sodokwon (Hàn Quốc). Đây là bãi chôn lấp lớn nhất tại Hàn Quốc khởi công xây dựng từ năm 1989 và hoàn thành vào năm 1992, nơi đây thu nhận mỗi ngày hơn 20.000 tấn rác từ thủ đô Seoul, TP Incheon và các tỉnh lân cận. Ở đây có quy trình xử lý rác khép kín, liên hoàn từ loại bỏ nước ngầm, thu gom khí CH4 để phát điện. Nhờ xử lý tốt, quy hoạch bài bản, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng công viên chủ đề “Dream Park” ngay tại bãi rác rộng lớn đem lại không gian vui chơi cho cộng đồng, không hề phát sinh mùi rác.

Mỗi người dân Hà Nội và người dân xung quanh khu vực bãi rác Nam Sơn hi vọng, với sự quyết tâm lớn, quy hoạch rõ ràng và triển khai quyết liệt, đồng bộ, Hà Nội sẽ làm được công viên trên bãi rác Nam Sơn.

Ban Mai

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/niem-hi-vong-ve-mot-cong-vien-tu-bai-rac-nam-son-378568.html