Tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng

Ngoài được tiếp cận các dịch vụ điều trị phù hợp, tại Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, người nghiện còn tham gia sinh hoạt nhóm, tư vấn việc làm, có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Điểm tư vấn tại xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một trong 4 xã, phường thí điểm mô hình của tỉnh, đang phát huy hiệu quả tích cực.

Năm 2020, xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân) và phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) là 2 địa phương đầu tiên được chọn triển khai thí điểm mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Địa điểm hoạt động được đặt tại điểm sinh hoạt văn hóa thể thao - học tập cộng đồng của xã. Mô hình được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hỗ trợ kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, phục vụ hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh Nhan Thị Bích Ngọc thông tin, địa phương đã thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và vận động người nghiện, người sau cai nghiện tham gia tư vấn và điều trị nghiện; phòng, chống tái nghiện; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Bình quân 2 lượt/tuần, các nội dung quan trọng được tuyên truyền rộng rãi, như: Tác hại của ma túy, trích các văn bản, quy định về phòng, chống tác hại của ma túy, các chất gây nghiện, chế độ hỗ trợ cho các đối tượng tại cơ sở cai nghiện… Điểm tư vấn sinh hoạt định kỳ vào chiều thứ 3 hàng tuần, đã tổ chức 127 buổi sinh hoạt, có 2.540 lượt người tham dự. Xã còn thực hiện truyền thông tại cộng đồng ở 6 ấp và xây dựng 6 bảng thông tin tuyên truyền.

Ban chủ nhiệm phân công các thành viên của điểm tư vấn, xây dựng chương trình, kế hoạch và lịch hoạt động cụ thể để tiến hành tổ chức tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, họp vận động cộng đồng. Các ngành có liên quan tham gia hỗ trợ các đối tượng là người nghiện và người sau cai nghiện, nói chuyện chuyên đề và sinh hoạt nhóm tự lực...

Qua thống kê, trên địa bàn xã Phú Thạnh có 21 người nghiện ma túy (7 người còn ở địa phương, 11 người đi khỏi địa phương, 3 người đang ở cơ sở cai nghiện). Thanh niên sau cai nghiện trở về địa phương được tổ chức gặp gỡ, tư vấn, vận động đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời tư vấn cho người nghiện đăng ký tham gia điều trị nghiện bằng các chất dạng thuốc, tư vấn học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn cho người hoàn lương.

Điểm tư vấn là loại hình hỗ trợ điều trị hoàn toàn tự giác và tự nguyện, không phân biệt thành phần, hoàn cảnh của người nghiện. Họ đến và đi, quay trở lại mà không có sự ép buộc hoặc kỳ thị. Do đó, điểm tư vấn đã thành lập nhóm tự lực để tập hợp và tạo sân chơi cho họ, tổ chức các hoạt động truyền thông, tiếp cận hỗ trợ từng thành viên để họ tốt hơn, sử dụng họ làm cầu nối để tiếp cận những đối tượng khác, từng bước phát triển nhóm và hướng họ đến các hoạt động lành mạnh, có ích cho cộng đồng.

Các ngành, đoàn thể có nhiều hoạt động phối hợp thiết thực bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đặc biệt, 2 người nghiện có những tiến bộ đáng kể, sau khi tham gia sinh hoạt đã từ bỏ, không sử dụng lại chất gây nghiện. Hiện nay, 2 người này có việc làm ổn định và được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình với số tiền 100 triệu đồng (chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cưa cây).

Theo bà Nhan Thị Bích Ngọc, mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đối với người nghiện ma túy. Hoạt động của mô hình bước đầu đã gắn kết trách nhiệm của đoàn thể, gia đình, cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện và sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy, hiệu quả hoạt động của điểm tư vấn còn nhiều hạn chế.

“Công tác quản lý, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn... Nguồn kinh phí còn khó khăn dẫn đến người nghiện không có việc làm, nảy sinh tâm lý chán nản và dễ quay lại với ma túy” - bà Ngọc chia sẻ.

Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội An Giang (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Đạt cho biết, tuy còn một số khó khăn, nhưng mô hình được đánh giá có kết quả tích cực, cần nhân rộng. Điểm tư vấn thí điểm tại TP. Long Xuyên và huyện Phú Tân được nhiều người trong và ngoài địa phương biết đến. Sở LĐ-TB&XH An Giang đã kiến nghị gắn hoạt động điểm tư vấn vào hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường để phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn đối với người sau cai nghiện.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tu-van-ho-tro-cai-nghien-tai-cong-dong-a381495.html