Tư liệu 'sống' về Hoàng Sa

Những tư liệu của nhân chứng sẽ nhắc nhở các thế hệ rằng Hoàng Sa là của Việt Nam nhưng đang bị chiếm đóng trái phép

Cuốn tư liệu Hoàng Sa vừa được UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng phát hành, dịp 50 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa (19-1-1974 - 19-1-2024). Với 68 trang in màu, có tổng quan về Hoàng Sa, tư liệu Hoàng Sa, đặc biệt, trong đó còn có lý lịch, hồi ký của 33 nhân chứng lịch sử - những người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa.

Nhắc nhở và tự hào

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, dịp 19-1-2023, đến thăm hỏi gia đình những nhân chứng lịch sử Hoàng Sa, ông đã đề nghị các nhân chứng hiến tặng một số kỷ vật, hình ảnh và hồi ký còn lưu giữ trong thời gian ở lại Hoàng Sa cho huyện để tập hợp thành một cuốn tư liệu nhằm trao tặng lại cho các gia đình. Từ đó, UBND huyện Hoàng Sa bắt tay vào sưu tầm tài liệu và hoàn thành sau gần 1 năm.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (bìa phải) và ông Lê Tiến Công (bìa trái), Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, trao cuốn “Tư liệu Hoàng Sa” cho nhân chứng Phạm Sô (SN 1934, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

"Trong chuyến thăm 25 nhân chứng và gia đình nhân chứng ở các tỉnh, thành: TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế từ ngày 11 đến 13-1 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện và Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã trao tặng tận tay mỗi nhân chứng lịch sử và gia đình 1 cuốn tư liệu. Đây là món quà đặc biệt mà chúng tôi ấp ủ, dành nhiều tâm huyết để thực hiện cũng một phần nhằm tri ân các nhân chứng. " - ông Đồng nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cuốn tư liệu là những tài liệu, bút ký về Hoàng Sa của các "nhân chứng sống". Việc thực hiện cuốn tư liệu là để gia đình nhân chứng lưu giữ lại những hồi ký của người thân. "Từ đó, mỗi gia đình là mỗi nhân chứng sống giới thiệu lại cho con cháu và nhiều người khác, nhắc nhở với thế hệ mai sau rằng Hoàng Sa là của Việt Nam và đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép" - ông Đồng nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa - đơn vị chịu trách nhiệm chính thực hiện cuốn tư liệu trên, cho hay khi nhận cuốn tư liệu tất cả các nhân chứng, đại diện gia đình đều có cảm xúc chung là tự hào. Nhiều nhân chứng lật từng trang, đọc kỹ từng dòng chữ như để nhắc nhớ về kỷ niệm một thời ở Hoàng Sa.

Ông Trần Hóa (SN 1954; trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam) - người từng nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa chăm sóc sức khỏe cho Trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng đã xúc động khi nhận được cuốn tư liệu. "Sắp tới tôi sẽ ra Đà Nẵng để gặp gỡ các nhân chứng, ôn lại những kỷ niệm thời còn ở Hoàng Sa" - ông Hóa chia sẻ.

Những câu chuyện bình dị

Theo ông Lê Tiến Công, quá trình thực hiện, nhà trưng bày đã nghiên cứu, bổ sung các tư liệu mới. Về mặt xử lý thông tin, tất cả những tài liệu đều được làm rất cẩn trọng. Mới đầu, UBND huyện chỉ tính làm để lưu hành nội bộ. Nhưng về sau, vì muốn cuốn tư liệu được lan tỏa, góp phần tuyên truyền những vốn quý về Hoàng Sa và giới thiệu với công chúng nên lãnh đạo huyện đã xin giấy phép xuất bản.

Cuốn tư liệu có 3 phần chính, trong đó mở đầu là tổng quan về Hoàng Sa. Phần 2 là tư liệu Hoàng Sa với hàng loạt bản đồ, hình ảnh chứng thực Hoàng Sa là của Việt Nam. Ở phần này có cả tư liệu hình ảnh về sự kiện ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Phần 3 cũng là cốt lõi của cuốn tư liệu là lý lịch trích ngang của 33 nhân chứng lịch sử Hoàng Sa. Một số nhân chứng có hồi ký những ngày ở Hoàng Sa.

Ông Công cho rằng mỗi nhân chứng có một công việc không giống nhau nên đa dạng câu chuyện. Có người là lính, nhân viên khí tượng, kỹ thuật... đã ra Hoàng Sa từ 1 - 10 lần. "Các câu chuyện nhân chứng mang lại như: bắt cá, bắt chim, đánh điện về nhà hay một bài thơ... Mỗi người có một ấn tượng riêng về Hoàng Sa nhưng tất cả đều rất hay và ý nghĩa" - ông Công nhận xét.

Nhiều nhân chứng có thời gian sống và làm việc tại Hoàng Sa từ năm 1950 đến trước tháng 1-1974. Như ông Trần Thanh Kim (SN 1920; trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - hiện đã mất) - là người từng có mặt ở Hoàng Sa vào tháng 8-1950, khi ông được nhà cầm quyền Pháp chuyển ra đảo làm khuân vác, bốc đá xây dựng cầu cảng Hoàng Sa.

Hay ông Võ Như Dân (SN 1937, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - đã mất năm 2021) - là nhân viên trạm quan trắc Hoàng Sa từ năm 1956 - 1969. Trong cuốn tư liệu này, UBND huyện Hoàng Sa đã trích lại phần hồi ký có tên "Nhớ Hoàng Sa" được ông Dân viết khi còn sống.

Trong những dòng hồi ký, ông kể lại những câu chuyện ngắn, bình dị trong thời gian sống trên đảo. Ông Dân miêu tả về Hoàng Sa khi đó có "4 cái lô cốt và một miếu Bà xây hướng về TP Đà Nẵng"; có căn nhà ở gồm gian thờ, gian bếp và nhiều cây cối. Ngoài thời gian làm việc, ông hay đi bắt cá, ốc phơi khô, dành mang về đất liền cho vợ con.

"Qua đó, cho thấy những nhân chứng có nhiều hoạt động phong phú ở Hoàng Sa và được thể hiện bằng những câu chuyện hết sức bình thường. Bởi thời gian trên, Hoàng Sa không phải thường xuyên đối mặt với các thách thức tranh chấp" - Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa đánh giá.

Khẳng định chủ quyền Việt Nam

Ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì phản đối sự chiếm giữ trái phép của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn duy trì hoạt động quản lý nhà nước đối với Hoàng Sa. Ngày 11-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo Nghị định 07/1997 về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc TP Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa là một trong những quận, huyện của TP Đà Nẵng.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-lieu-song-ve-hoang-sa-196240118215308316.htm