Miền Trung nở rộ du lịch làng quê

Dọc các tỉnh miền Trung đang sở hữu nhiều ngôi làng, vùng quê có khung cảnh rất đẹp, với những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan sinh thái và đặc trưng cộng đồng. Lâu nay, bên cạnh làm nông nghiệp, một số ngôi làng đã kết hợp làm du lịch cộng đồng để cải thiện thu nhập. Nhiều ngôi làng trở nên nổi tiếng, lọt vào tốp những điểm đến mới được du khách trong nước và thế giới quan tâm, tìm kiếm.

Về quê du lịch

Cũng như các ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, cộng đồng ở miền Thanh - Nghệ - Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), hệ thống du lịch làng cao nguyên đá, đồng rừng với hệ thống hang động kỳ vĩ, đẹp nhất hành tinh… tại tỉnh Quảng Bình cũng ghi dấu ấn khác biệt.

Tại Đà Nẵng, Quảng Nam vài năm trở lại đây phát triển rất nhiều không gian du lịch sinh thái hướng đến khai phá những bản sắc cộng đồng. Ở thượng nguồn sông Cu Đê, 2 ngôi làng Giàn Bí, Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang trở thành điểm đến mới, hút khách.

 Tái hiện thực cảnh lễ hội ngày mùa “Sắc quê cây gạo” bên Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGỌC OAI

Tái hiện thực cảnh lễ hội ngày mùa “Sắc quê cây gạo” bên Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: NGỌC OAI

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng làng Giàn Bí (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng), cho biết, làng phát triển mạnh du lịch cũng nhờ suối Vũng Bọt thu hút du khách. Sau đó, làng phát triển thêm các dịch vụ, như: nghề dệt thổ cẩm, đan lát và các lễ hội, tín ngưỡng, làn điệu, ẩm thực. Đặc biệt, đến làng, du khách được thưởng thức cồng chiêng và tiếng hát cao vút của người con gái Cơ Tu trong điệu múa “Tung Tung Da Dá” và hoạt động nhảy sạp cổ truyền.

“Nhờ làm du lịch nên cả làng rất quan tâm bảo vệ cây cối, môi trường và bản sắc văn hóa, mà lại có thu nhập để cải thiện đời sống”, ông Trung nói.

Ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng đang phát triển rất nhiều ngôi làng du lịch kết hợp giữa văn hóa, sinh thái và cộng đồng. Mỗi ngôi làng đều gắn với 1 câu chuyện du lịch rất đặc trưng, độc đáo. Như ở Quảng Ngãi, làng cổ Gò Cỏ, làng gốm và muối Sa Huỳnh đang tái hiện một vùng trầm tích, không gian văn hóa cổ xưa của người Sa Huỳnh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều ngôi làng tiềm năng du lịch văn hóa, cộng đồng, như: cộng đồng Xóm Cây Gạo ở bên Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng; điểm đến làng thảm sát Sơn Mỹ hoặc các làng biển cổ nằm trong “công viên địa chất núi lửa” Lý Sơn - Sa Huỳnh…

Tại tỉnh Bình Định có các điểm “du lịch làng” nổi tiếng miền biển, đảo: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Bãi Xếp, Hoài Hải. Ở miền rừng có các buôn làng An Toàn, làng Hà Ri, Vĩnh Sơn… Ở Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), buôn làng người Ba Na và một ít người Dao đang gìn giữ, bảo tồn quần thể cây rừng k’súa (hoa trang nước) ven suối Tà Má để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Tương tự, tại tỉnh Phú Yên có nhiều làng du lịch mới, như làng Yến, làng chài Xuân Hải, làng du lịch cộng đồng An Mỹ và các ngôi làng cao nguyên Sơn Hòa, Sông Hinh.

Bản sắc là linh hồn

Hơn 1 năm qua, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm mô hình “Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Bana Rita Glamping Farm”. Mô hình được xây dựng trên khu đất đồi cằn cỗi 5ha. Dù mới hoạt động, song mô hình này đã phát huy hiệu quả, mỗi tháng đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm chăm sóc vật nuôi, trồng cây ăn quả, cắm trại hay tổ chức lễ cưới.

“Hiện, nông trại đã giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập 7-12 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm tại nông trại đạt 6-7 tỷ đồng từ kinh doanh du lịch và bán sản phẩm nông nghiệp”, ông Lê Thanh Tuấn (quản lý điểm du lịch Bana Rita Glamping Farm) chia sẻ.

“Cần câu cơm” cho người nghèo

Để duy trì, phát huy du lịch cộng đồng tại 2 điểm “du lịch làng” ở Mũi Gành, suối Tà Má - Hà Ri (tỉnh Bình Định), chính quyền địa phương đang quy hoạch, bố trí 106 mô hình kiốt, nhà sàn bằng các vật liệu thân thiện, ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo mở dịch vụ đón tiếp khách du lịch nhằm cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), thông tin: Địa phương xác định những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế, duy trì ngành nghề truyền thống, đào tạo nghề dịch vụ mới; nâng cao nhận thức quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Qua đó, cộng đồng được hướng dẫn để dần dần trở thành những giáo viên, hướng dẫn viên không chuyên giảng dạy về cách trồng trọt, làng nghề.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp xã hội giúp tư vấn, xây dựng 4 mô hình du lịch cộng đồng, gồm: làng Gò Cỏ, làng gốm Sa Huỳnh, làng muối Sa Huỳnh và du lịch cộng đồng yêu chuộng hòa bình Khê Thuận gắn với cuộc thảm sát Sơn Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (đại diện doanh nghiệp xã hội ở Quảng Ngãi) nêu ý kiến: “Phát triển mạnh du lịch cộng đồng hướng đến các làng quê nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích kép, vừa thúc đẩy kinh tế nông nghiệp vừa phát triển được ngành mũi nhọn du lịch. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những chính sách, hướng dẫn và có những gói hỗ trợ lồng ghép nhiều mục tiêu, như tư vấn, đào tạo nhân lực, truyền thông, giáo dục cộng đồng, cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ… nhằm xây dựng mô hình thí điểm du lịch cộng đồng cho địa phương, quốc gia. Ngoài ra, du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của các nhà khoa học, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp lớn”.

XUÂN QUỲNH - NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-no-ro-du-lich-lang-que-post740659.html