Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là chủ đề của tọa đàm nhân Ngày thơ Việt Nam

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, ngày 24/2, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ' tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Hội).

Tọa đàm "Từ bản lĩnh tới bản sắc nhà thơ" được tổ chức trong ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Những sáng tác của nhà thơ chính là diện mạo tâm hồn, bản sắc của nhà thơ. Một bài thơ là kết quả, sự hội tụ của sự thăng hoa cảm xúc ngôn ngữ, nhịp điệu… Để hình thành một bài thơ, một nhà thơ là một chặng đường dài, khởi đầu từ bản lĩnh, từ đó có thể đi đến bản sắc, nhưng không phải cứ có bản lĩnh là có thể đi đến được bản sắc. Rất nhiều người thừa bản lĩnh, quyết tâm nhưng chưa chắc đã tạo được nét riêng giữa bể thơ ca đầy cá tính này. Như thế để thấy rằng, sáng tạo thi ca là khó, thậm chí là nghiệt ngã.

Bản lĩnh là tự biết mình, tự tin lựa chọn con đường của mình, từ đó mới can đảm bước đi những con đường chưa ai đi. Với nhà thơ, bản lĩnh có thể là khả năng biết khước từ cái cũ, lối mòn, những gì mình thấy không phù hợp. Ở một khía cạnh khác, bản lĩnh cũng là khả năng biết chấp nhận cái khác để kéo theo trường nhận thức sáng tác cũng mở ra. Điều này rất cần cho những ai chọn con đường sáng tác chuyên nghiệp…

Ở khía cạnh nội dung, bản lĩnh là cất lên được tiếng nói trung thực. Nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng phục vụ con người và có nghĩa vụ, trách nhiệm sứ mệnh riêng. Trong kho tàng văn chương, nhiều tác phẩm dũng cảm vẫn tồn tại, nó hình thành từ bản lĩnh của người viết. Bản lĩnh không phải sự mù quáng, cố chấp, bảo thủ. Đó là sự tự tin vào tính thiện lương của mình, từ đó, tạo ra bản sắc, những cái riêng của nhà thơ. Khi một người sáng tác có bản sắc, nghĩa là người ấy đã có những đóng góp vào đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như nghệ thuật thơ ca nói riêng…

Tại tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn học… đã đóng góp những góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều về bản lĩnh, bản sắc của nhà thơ hiện nay.

Nhà thơ Đặng Huy Giang chia sẻ, đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Có bản lĩnh cùng với tài năng, các nhà thơ sẽ tạo nên sự khác biệt, độc đáo cho mình.

Ở góc độ người trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhận thấy, không dễ để lọc ra gương mặt và bản lĩnh nhà thơ trong bình diện sáng tác văn học hiện nay. Bản lĩnh nhà thơ nằm ở sự kiên định, bền bỉ với những sáng tác tiếp theo, thể nghiệm để tạo ra cách diễn đạt khác, làm nên sự phong phú trong cách hình dung, truyền tải tinh thần của sự vật, con người, diễn biến trong đời sống…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, có bản lĩnh mới có bản sắc, người làm thơ không có bản sắc thì chỉ là người làm thơ chứ chưa phải là nhà thơ. Bản sắc phải do rèn luyện mới có…

Tổng kết tọa đàm, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho biết, tọa đàm đã bàn đến hai lĩnh vực then chốt của sáng tạo thi ca là bản lĩnh và bản sắc, đặc biệt là trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo tham dự vào sáng tác hiện nay. Theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, dù siêu việt đến đâu, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ không thể thay thế được sự thổn thức, viết bằng máu huyết của nhà thơ... Đó cũng chính là bản lĩnh, bản sắc của người cầm bút.

Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/tu-ban-linh-den-ban-sac-nha-tho-la-chu-de-cua-toa-dam-nhan-ngay-tho-viet-nam-20240224154609712.htm