Truy xuất nguồn gốc: Nâng cao giá trị nông sản

Thái Nguyên đã và đang chủ trì thực hiện áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản theo Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Các đại biểu quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè tại Hội nghị giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý Tân Cương. (Ảnh: T.L)

Trước đây, khi sử dụng thiết bị thông minh quét tem truy xuất nguồn gốc mã QR, người tiêu dùng chỉ nhận được một số thông tin đơn giản về đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm mà không hiển thị thông tin chi tiết về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, mã QR này chỉ là “truy xuất thông tin” chứ chưa phải là “truy xuất nguồn gốc”. Mặt khác, các tem truy xuất nguồn gốc có nội dung và hình thức khác nhau, không được chuẩn hóa nên dẫn đến tình trạng “loạn tem”.

Ngoài ra, do các văn bản pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn ít, mới chỉ là các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn chung, chưa cụ thể hóa cho từng nhóm sản phẩm nên đã gây ra không ít khó khăn trong việc quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ: Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc, theo dõi việc quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Một số nhiệm vụ chính bao gồm: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động truy xuất nguồn gốc; xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật và triển khai áp dụng; tăng cường quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ...

Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên (chè; các loại quả: na, nhãn, bưởi; thịt lợn; thịt gà và trứng gà; gỗ; quế).

Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, quy định và hướng dẫn của các bộ, ngành về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai áp dụng thí điểm cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu của 3 hợp tác xã (Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã trà Sơn Dung, Hợp tác xã Tâm Trà Thái).

Đây cũng là bộ tài liệu hướng dẫn cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.

Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý Tân Cương và hỗ trợ áp dụng cho 6 hợp tác xã đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Tân Cương (Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã trà Sơn Dung, Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã Hương Vân Trà, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Bắc Thái).

Theo đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc này đã chuẩn hóa về hình thức, nội dung tem để truy xuất nguồn gốc; cách thức quản lý việc áp dụng truy xuất nguồn gốc; mã truy vết; thông tin truy xuất nguồn gốc. Các thông tin truy xuất nguồn gốc được xây dựng đã đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả năng định danh đơn nhất cho từng đối tượng truy xuất.

Sang đến năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với nhận diện thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Đặc biệt, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP và đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Việc xây dựng và triển khai áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc góp phần thống nhất và chuẩn hóa việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh. Qua đó góp phần đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường; tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Cùng với đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã minh bạch hóa thông tin của từng công đoạn tạo ra sản phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, giúp truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác; kịp thời phát hiện những điểm chưa hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng. Từ đó góp phần giúp nông sản Thái Nguyên thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202306/truy-xuat-nguon-gocnang-cao-gia-tri-nong-san-f3d435b/