Trưởng trạm y tế hết lòng vì sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Suốt 27 năm qua, bằng tình yêu nghề, bác sĩ Hồ Văn Nghênh luôn nỗ lực, hết lòng vì công việc để góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thượng Quảng là xã miền núi thuộc huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) có 589 hộ dân, 2.247 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với điều kiện xã miền núi khó khăn, trước đây mỗi lần mắc bệnh, người dân thường có phong tục cúng bái với hy vọng sẽ khỏi bệnh. Đây là những trở ngại rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân với mỗi cán bộ y tế địa phương.

Sinh ra từ bản làng, cống hiến vì sức khỏe bà con bản làng

Sinh ra trên quê hương Thượng Quảng, với mong muốn đóng góp sức mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào, tiến tới đẩy lùi các hủ tục, năm 1996, Hồ Văn Nghênh (SN 1974) quyết tâm theo học ngành y. Ba năm sau, anh được nhận về làm việc tại Trạm Y tế xã Thượng Quảng, với điều kiện cơ sở vật chất của Trạm thời điểm đó hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Bằng tình yêu nghề, anh luôn tận tâm với công việc, cùng đồng nghiệp khắc phục khó khăn, hết lòng chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc. Năm 2004, anh học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y dược, Đại học Huế. Bốn năm sau, anh ra trường và được điều chuyển về làm việc tại Trạm Y tế xã Hương Hữu (huyện Nam Đông).

Với những nỗ lực, cố gắng trong suốt quá trình công tác, năm 2015, anh được chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Quảng cho đến nay.

Dù ở bất cứ địa phương nào, để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe của người dân, bác sĩ Ngênh không ngừng tìm tòi, học hỏi và tích lũy thêm kiến thức. Anh còn tham mưu cho lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng như phòng chống dịch.

Bác sĩ Hồ Văn Ngênh thăm khám sức khỏe cho người dân.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bác sĩ Nghênh cho biết, thời điểm mới vào nghề với anh rất khó khăn, vì còn non trẻ và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo. Trong khi đó, dân số là đồng bào dân tộc thiểu số lại chiếm tỉ lệ cao, nhận thức của bà con trong việc chăm sóc sức khỏe rất hạn chế.

"Người dân hồi đó khi đau ốm thay vì đi khám tại cơ sở y tế, họ lại lên rừng lấy thuốc, thực hiện các nghi lễ cúng bái. Một phần vì nhận thức, phần về phong tục của bà con đồng bào mà việc tuyên truyền khám chữa bệnh tại Trạm rất khó khăn", bác sĩ Nghênh nói.

Bác sĩ Nghênh nhớ lại, lúc mới ra trường về công tác (năm 1997), hệ thống giao thông chưa được phát triển nên việc di chuyển, đi lại để làm việc rất khó khăn. Người làm công tác y tế khi đó phải băng đèo, lội suối để đến được với nhà dân.

"Thời điểm đó, trên địa bàn xã có một bộ phận người dân thường tự sinh đẻ tại nhà, điều này khá nguy hiểm cho cả thai phụ và trẻ nhỏ. Vì cũng là người đồng bào, thấu hiểu được bà con, tôi cùng các cán bộ y tế trong Trạm luôn phải trong tư thế sẵn sàng. Khi nghe tin có người sắp sinh, chúng tôi lập tức chạy ngay đến nhà để đỡ đẻ cho sản phụ. Dù vất vả, phải băng rừng, lội suối nhưng khi nghe cháu bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời, gia đình phấn khởi vì mẹ tròn, con vuông thì mọi khó nhọc với nhân viên y tế gần như tan biến", bác sĩ Nghênh cho hay.

Hết lòng vì sức khỏe bà con dân tộc thiểu số

Bác sĩ Hồ Văn Nghênh cho biết, với địa bàn xã miền núi, vấn đề khó khăn nhất trong chăm sóc sức khỏe nhân dân là thay đổi các hành vi, nhận thức, tập tục lạc hậu. Do đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh.

Trạm Y tế xã Thượng Quảng tổ chức tuyên truyền về công tác dân số cho người dân trên địa bàn.

Xác định được điều đó, thời gian qua, Trạm đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban, ngành triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng. Vận động khi gia đình có người bị ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.

Đặc biệt, qua việc triển khai các hoạt động truyền thông dân số thuộc Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình được nâng lên, khi ốm đã chủ động liên hệ với cán bộ y tế xã hoặc đến Trạm để thăm khám ban đầu.

Theo bác sĩ Nghênh, hiện nay cơ sở vật chất Trạm Y tế xã Thượng Quảng được đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nguồn nhân lực, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cũng như nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế tuyến xã.

"Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp ở trên địa bàn khá cao, tôi mong muốn sẽ được đầu tư thêm máy xét nghiệm đường huyết để chẩn đoán sớm những người có yếu tố nguy cơ ngay từ tuyến cơ sở", bác sĩ Nghênh nói.

Bác sĩ Hồ Văn Nghênh trao đổi chuyên môn cùng cán bộ của Trạm Y tế.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Võ Phi Long, Giám đốc TTYT huyện Nam Đông cho biết, bác sĩ Hồ Văn Nghênh là một cán bộ y tế người đồng bào tiêu biểu, luôn hết lòng vì công việc, người bệnh. Bác sĩ Nghênh có những đóng góp quan trọng trong việc thay đổi nhận thức bà con, giảm bớt những hủ tục và làm tốt công tác thăm khám sức khỏe ban đầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, bác sĩ Nghênh luôn hăng hái, hết mình. Khi nhận thông tin có công dân từ vùng dịch trở về, bất kể thời tiết nắng hay mưa, ngày hay đêm anh đã cùng cán bộ của Trạm xuống tận nơi để tiếp nhận công dân đúng theo quy trình và đưa đến các khu cách ly y tế. Đồng thời đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Với 27 năm công tác, chăm lo cho sức khỏe nhân dân, bác sĩ Hồ Văn Nghênh đã tạo được niềm tin và sự thân thiết với người dân trong xã. Chính sự tin tưởng của bà con giúp bác sĩ Nghênh yên tâm công tác, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Những đóng góp của bác sĩ Hồ Văn Nghênh được ghi nhận thông qua việc anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ cấp xã đến tỉnh. Đặc biệt, năm 2018, bác sĩ Hồ Văn Nghênh được Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-tram-y-te-het-long-vi-suc-khoe-dong-bao-dan-toc-thieu-so-169230914141105007.htm