TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giải đáp vướng mắc về pháp luật lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội

Sáng nay (27/9), gần 300 đoàn viên công đoàn và người lao động thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên đã tham gia Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn và bảo hiểm xã hội'.

Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Long Biên tổ chức, được truyền trực tuyến từ Hội trường Quận ủy Long Biên (số 1 phố Vạn Hạnh, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Với sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội (BHXH), buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, người lao động về các chế độ, chính sách mới liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động.

* 9h00: Bắt đầu buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Tới dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội; Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

Về phía quận Long Biên có các đồng chí: Nguyễn Quốc Long - Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Long Biên; Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên; Vũ Thị Thành - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên; Nguyễn Thị Kim Định - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Long Biên; Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên; Lê Thị Kim Thúy - Giám đốc BHXH quận Long Biên.

Về phía báo Lao động Thủ đô có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô

Tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến còn có gần 300 đoàn viên, người lao động quận Long Biên.

Lãnh đạo Thành phố, quận Long Biên, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội và báo Lao động Thủ đô dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm, trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người lao động và cả người sử dụng lao động lại chưa cập nhật được kịp thời. Điều này dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách chưa được doanh nghiệp triển khai đầy đủ và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách pháp luật cho cả người sử dụng lao động và người lao động nắm rõ là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đánh giá chủ đề của buổi Đối thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp “Nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, Công đoàn và BHXH” mà Ban Tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn về những chính sách mới trong lĩnh vực lao động, Công đoàn, BHXH để đảm bảo được quyền lợi của mình. Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đề nghị đoàn viên, CNVCLĐ mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động…

Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia.

Đông đảo CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

* 9h15: Hỏi đáp giữa đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ và các chuyên gia

(Toàn bộ nội dung trả lời của chuyên gia xin mời bạn đọc xem tại đây)

Từ trái qua phải là các chuyên gia: Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội; Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.

Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Chị Bùi Thị Thủy (Công ty CP Savico Hà Nội) đặt câu hỏi: Trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty, ban điều hành công ty tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, công đoàn cần thực hiện những gì để đảm bảo tốt nhất cho người lao động? Theo quy định của luật, ngoài mức bồi thường theo luật định là không dưới 2 tháng lương, người lao động có thể được hỗ trợ thêm như thế nào? Công đoàn phải hoàn thiện thủ tục thông báo gì tới các cơ quan quản lý?

Anh Trần Văn Hưng (Công ty CP Nicotex) đặt câu hỏi: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ thời điểm 1/1/2009 lúc đó đang giữ vị trí quản lý với mức lương cao 15 triệu đồng. Sau đó, do tuổi cao hoặc luân chuyển vị trí công tác, hiện người đó chỉ làm công nhân, mức thu nhập thấp hơn trước. Do doanh nghiệp tài cơ cấu, chuyển đổi mô hình tổ chức, người lao động bị mất việc làm. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này người lao động được tính trợ cấp mất việc, thôi việc như thế nào để đỡ thiệt thòi?

Anh Nguyễn Trung Kiên (Công ty Cổ phần Cầu 14) đặt câu hỏi: Tình trạng doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước đang phải gánh các khoản nợ đọng BHXH của doanh nghiệp cũ với số tiền lớn, thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình giải quyết các chế độ chính sách của người lao động như: Trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ BHXH và các chính sách khác về BHXH, bảo hiểm y tế... Hiện nay doanh nghiệp đang cố gắng duy trì việc đóng BHXH phát sinh và một phần nợ cũ cho nhà nước, kinh phí đó bao gồm cả phần của chủ sử dụng lao động và người lao động đang làm việc dẫn đến một nghịch lý đó là người lao động đang làm việc vừa phải thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời gánh một phần nợ cũ và lãi chậm nộp của doanh nghiệp đối với cả lao động đang làm việc và lao động đã nghỉ việc. Vấn đề này được biết chính sách trích nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp do được tính toán tự động thông qua phần mềm của cơ quan BHXH. Xin chuyên gia cho biết ngoài việc sử dụng phần mềm này, cơ quan chức năng của nhà nước có chính sách hoặc cơ chế nào khác để giúp cho người lao động các doanh nghiệp trên không bị thiệt thòi về chính sách trong thực hiện nộp BHXH?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi của CNVCLĐ.

Chị Ngô Thu Huyền (Công ty CP May mặc QTNP) đặt câu hỏi: Người lao động ký hợp đồng lao động ở 2 nơi thì đóng BHXH như thế nào?

Chị Nguyễn Phương Hằng (Trường Tiểu học Gia Thụy) đặt câu hỏi: Nhà trường có 2 hợp đồng lao động ký theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000, trong đó 1 người ký hợp đồng năm 2019 và 1 hợp đồng có văn bản chấp thuận của quận năm 2021. Thời hạn ký hợp đồng là không xác định. Hiện tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 có hiệu lực ngày 22/03/2023, nhà trường có phải làm thanh lý hợp đồng 2 trường hợp này để ký theo Nghị định 111/NĐ-CP không? Và nếu phải thanh lý thì có phải làm lại quy trình Thông báo tuyển dụng lại từ đầu và người lao động làm lại hồ sơ trình Ủy ban nhân dân quận ký chấp thuận nữa không? Phụ cấp trách nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học có được tính đóng BHXH không, vì Tổ trưởng, Tổ phó chỉ có Quyết định do Hiệu trưởng ký và thay đổi liên tục theo năm học? Cách tính thừa giờ, dạy thêm giờ của giáo viên dựa trên hệ số lương cơ bản để tính, nhiều đơn vị cộng cả phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm như vậy có đúng không? Nhà trường có một số giáo viên sinh năm 1975, 1976 đã có thời gian đóng BHXH đủ từ 20 năm nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu. Nếu giáo viên muốn nghỉ thì có đủ điều kiện để nghỉ không?

Anh Trần Kim Việt (Công ty May Đức Giang) đặt câu hỏi: Tôi xin hỏi các chuyên gia, hiện tại có một số người lao động muốn đổi hồ sơ bảo hiểm xã họi do sai cả ngày tháng năm sinh, trường hợp này giải quyết thế nào, thủ tục ra sao?

CNVCLĐ tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Chị Bùi Thị Minh Hạnh (Công ty Hùng Thành) đặt câu hỏi: Thưa chuyên gia, tôi nghe đồng nghiệp tại công ty chia sẻ rằng sắp tới người lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm bảo hiểm là đủ điều kiện để chờ đến tuổi hưu nhận lương hưu. Vậy thông tin này có chính xác hay không? Xin chuyên gia thông tin thêm cho chúng tôi được biết. Người lao động trong thời gian thử việc có phải đóng BHXH không?

Chị Lê Thùy Linh (Công ty Hương Việt Sinh) đặt câu hỏi: Công ty tôi làm về lĩnh vực cung cấp suất ăn cho trẻ, đặc thù công việc của chúng tôi là sẽ gián đoạn 3 tháng hè, Công ty không có doanh thu và không hoạt động, người lao động nghỉ việc không lương. Chúng tôi muốn duy trì thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian 3 tháng nghỉ, vậy có cách nào không?

Chị Hứa Thu Huyền (Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều) đặt câu hỏi: Sở Nội vụ có phương án cụ thể nào để ưu tiên phân bổ chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội trả lời những thắc mắc của CNVCLĐ.

Chị Lưu Thị Thủy Phương (Trường Mầm non Cự Khối) đặt câu hỏi: Trong trường hợp viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập sinh con thứ ba (không thuộc diện ưu tiên của chính sách kế hoạch hóa gia đinh) thì Công đoàn cơ sở nên tham gia giải quyết như thế nào?

* 10h10: Giao lưu với CNVCLĐ

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, quận Long Biên tặng quà cho CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

* 10h20: CNVCLĐ tiếp tục đặt câu hỏi với các chuyên gia

Chị Mai Thị Phượng (Trường Mầm non Ben Ben) đặt câu hỏi: Cô tôi là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu được 1 năm. Hiện cô tiếp tục ký hợp đồng làm công việc trông trẻ với một trường mầm non tư thục. Xin hỏi trường hợp của cô tôi có phải đóng BHXH bắt buộc nữa không?

Chị Lê Thị Tâm (Công ty TNHH Toyota Long Biên) đặt câu hỏi: Người lao động có được ký hợp đồng thử việc từ 2 công ty trở lên không? Trong trường hợp người lao động đã ký hợp đồng học việc và thử việc theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành nhưng chưa đảm bảo yếu tố về hiệu quả công việc để công ty chuyển thể loại hợp đồng tiếp theo mà cả hai bên đều muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì giải quyết phương án nào cho phù hợp? (Trường hợp người lao động học việc chưa đủ điều kiện chuyển lên hợp đồng thử việc, người lao động thử việc chưa đủ điều kiện chuyển lên chính thức mà đã hết thời gian thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật hiện hành).

Chị Nguyễn Thanh Thủy (Trường Tiểu học Long Biên) đặt câu hỏi: Theo thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì với viên chức dự thi xếp thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng 2 phải có đủ thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng 3 hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên. Nếu có bằng Thạc sĩ trở lên thì phải đủ 6 năm. Vậy tôi xin hỏi, bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục có được xem là đủ điều kiện để giảm thời gian xuống 6 năm hay không?. Theo quy định mới của Luật Viên chức sửa đổi thì sẽ không có viên chức suốt đời mà cứ 5 năm sát hạch một lần. Tôi xin hỏi nếu sát hạch không đạt thì có bị chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc không?

Chị Trần Minh Phương (Trường Mầm non Ngọc Thụy) đặt câu hỏi: Các đơn vị sự nghiệp công lập có được đơn phương chấm dứt hợp đồng với viên chức không? Và được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào?

Chị Nguyễn Thúy Hạnh (Trường Mầm non Thạch Bàn) đặt câu hỏi: Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi thì ngoài thi tuyển sẽ có một số trường hợp được xét tuyển là công chức. Xin chuyên gia cho biết, cụ thể những trường được xét tuyển là trường hợp nào? Trường hợp nếu tốt nghiệp xuất sắc đại học thì có thể được xét tuyển vào công chức hay không?

Chị Bùi Thanh Khuyên (Công ty TNHH Thanh An) đặt câu hỏi: Người lao động có hợp đồng lao động thì được hưởng chế độ chế an toàn vệ sinh lao động như thế nào?

Chị Phạm Thị Thanh Bình (Trường Trung học cơ sở Gia Quất) đặt câu hỏi: Người lao động đang ký hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, đã ở hệ số lương áp dụng là 2,67. Trường hợp sau khi thi đi viên chức vào đơn vị đó thì quyền lợi của viên chức được hưởng như thế nào, hệ số lương có quay trở lại 2,34 hay không?

* 10h50: Bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Nhóm P.V

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truc-tuyen-hinh-anh-giai-dap-vuong-mac-ve-phap-luat-lao-dong-cong-doan-bao-hiem-xa-hoi-160763.html