Trục lợi bảo hiểm nếu không được kiểm soát: Rủi ro sẽ khó lường

Trong 8 tháng đầu năm 2016, Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỉ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do những hành vi lạm dụng, trục lợi của người có thẻ BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh. Điều này đang đặt ra lo ngại: Liệu có vỡ Quỹ BHYT?

Muôn dạng hình thức trục lợi

Ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Tổng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 28.220 tỉ đồng, trong khi tổng chi KCB tại tỉnh, TP: 30.372 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng 8.545 tỉ đồng), chiếm 42% dự toán Chính phủ giao.

Kiểm soát tốt khám bằng BHYT sẽ góp phần cho an toàn Quỹ BHXH.

6 tháng đầu năm đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB được giao, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỉ đồng. Tính chung cho các tỉnh trong cả nước, việc cân đối quỹ đang âm 2.152 tỉ đồng.

Hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, theo ông Phạm Lương Sơn xảy ra từ nhiều phía: Người tham gia BHYT mượn thẻ của người khác đi KCB, tẩy xóa thẻ BHYT đã hết hạn; sử dụng giấy chuyển tuyến giá; KCB tại nhiều cơ sở KCB trong thời gian ngắn để lấy thuốc...

Về phía cơ sở y tế, nhiều cơ sở lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT với cơ quan BHXH; có tình trạng bệnh nhân đã ra viện nhưng vẫn chỉ định trong để lĩnh thuốc cho cá nhân; chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán và điều trị; sử dụng các loại thuốc ít cạnh tranh.

Tại một số địa phương như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Cà Mau, Quảng Nam... còn xảy ra tình trạng nhiều cơ sở KCB bỏ tiền thuê xe, hỗ trợ tiền, tặng quà khuyến mại... để thu hút người có thẻ BHYT đi khám bệnh mặc dù họ không có bệnh, hoặc không có nhu cầu đi khám, nhằm trục lợi quỹ hàng tỉ đồng quỹ BHYT.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan thì những nguyên nhân gia tăng chi phí do khâu quản lý, sử dụng Quỹ KCB BHYT là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm để có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, quá trình quản lý vẫn chậm đổi mới, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý chưa kịp thời. Đặc biệt là chính quyền các cấp, địa phương vào cuộc còn hời hợt, tinh thần chưa cao. “Những hạn chế, bất cập trên cần sớm được chấn chỉnh”, ông Lợi khẳng định.

Không có chuyện vỡ Quỹ BHYT

Trước những lo ngại của người dân về việc liệu có vỡ Quỹ BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây chỉ là dự báo nếu chúng ta giữ nguyên chính sách và cơ chế như hiện hành. Cụ thể, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ KCB, khả năng xảy ra mất cân đối Quỹ BHYT vào năm 2019.

Theo ông Lợi, người dân không quá lo ngại về an toàn Quỹ BHXH và BHYT bởi đây là 2 Quỹ do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh, hiện vẫn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống cho người lao động khi hết tuổi lao động.

Còn về Quỹ BHXH, với mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn mức đóng, kết dư Quỹ đang giảm dần, nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư Quỹ, sẽ bằng mức chi.

Tuy nhiên, Luật BHXH đã quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Do đó, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối. Ví dụ, điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu…

Do đó, khả năng an toàn Quỹ luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát. “Tôi cũng đã nhiều lần nói với anh em báo chí, chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm”, ông Lợi nhấn mạnh.

Theo ông Lợi, người dân không quá lo ngại về an toàn Quỹ BHXH và BHYT bởi đây là 2 quỹ do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh, hiện vẫn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống cho người lao động khi hết tuổi lao động.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, không có chuyện vỡ Quỹ hay thủng Quỹ BHXH và BHYT. Theo ông Sơn, việc đảm bảo và duy trì quỹ là trách nhiệm chính trị của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có BHXH Việt Nam.

Vì vậy, BHXH Việt Nam sẽ có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành vi trục lợi BHYT. Về việc điều chỉnh mức đóng, ông Phạm Lương Sơn khẳng định: BHXH Việt Nam sẽ cố gắng để trước năm 2017, mức đóng BHYT sẽ chưa phải thay đổi và hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Trước những lo ngại về thông tin đóng – hưởng BHXH chưa công khai, ông Sơn cũng cho biết thêm, hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai việc trả sổ BHXH do doanh nghiệp quản lý sang cho người lao động trực tiếp quản lý. Theo đó, người lao động sẽ nắm được số tiền đóng BHXH của họ có được chủ doanh nghiệp nộp về Quỹ BHXH hay không?

Đây cũng là một biện pháp để công khai, minh bạch quá trình đóng BHXH giúp người lao động tự giám sát, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. “Đặc biệt, tới đây, khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin một cách đầy đủ, thì người lao động sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc, tiền tăng trưởng do đầu tư quỹ tạo ra”- ông Sơn khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/truc-loi-bao-hiem-neu-khong-duoc-kiem-soat-rui-ro-se-kho-luong-43700.html