Chuyên gia chỉ cách 'sống chung' với hạn hán, xâm nhập mặn

Theo chuyên gia, trong khi khô hạn, xâm nhập mặn là diễn biến tất yếu của khí hậu thì Việt Nam hoàn toàn có thể sống chung bằng cách coi nước lợ là tài nguyên, phát triển nương theo tự nhiên...

Ứng phó bằng cách 'thuận thiên'

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, lần lượt các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Kiên Giang đồng loạt công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt. Tình trạng khô hạn hiện vẫn rất nghiêm trọng ở nhiều nơi thuộc Trung Bộ và Nam Bộ.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Phúc Lâm cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 5-7/2024, tình trạng khô hạn, thiếu nước dự báo sẽ xuất hiện tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Mùa lũ năm 2024 ở khu vực Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm. Từ tháng 5 đến tháng 7, dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và đến hồ Tuyên Quang (sông Gâm) cũng có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30%. Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, thời kỳ cuối tháng 4 và tháng 5, mực nước trên các sông cũng biến đổi chậm. Lưu lượng dòng chảy trên một số sông ở mức thấp hơn từ 15-55% so với trung bình nhiều năm.

Trung Bộ và Nam Bộ đang hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi. Tại khu vực Nam Bộ, theo ông Lâm, từ nay đến cuối tháng 5, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15- 20% so với trung bình nhiều năm. Trong khoảng thời gian tiếp theo (từ tháng 8-10/2024), nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Có thể thấy biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, có công nghệ nào, giải pháp nào để ứng phó không?

TS Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá điều quan trọng là phải thích ứng để cùng chung sống. Trước đây chúng ta thực hiện "ngọt hóa" ở một số khu vực, chẳng hạn như "ngọt hóa" Cà Mau, "ngọt hóa" Gò Công vì ngày xưa mục tiêu là sản xuất lúa, vậy nên cần ngăn mặn, giữ ngọt.

Tuy nhiên, ngày nay mục tiêu có sự thay đổi, cơ cấu kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển nông nghiệp là thủy sản - trái cây - lúa gạo, việc thực hiện công trình thủy lợi không còn hướng đến chuyện ngăn mặn giữ ngọt như trước mà dịch chuyển sang điều tiết nước theo tiểu vùng quy hoạch tích hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi tiểu vùng lại có mục tiêu phát triển ưu tiên dựa vào lợi thế.

Giải pháp phù hợp nhất là thích ứng với tự nhiên bằng các giải pháp công trình và phi công trình. "Chúng ta nói Đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn mặn nhưng thực tế không phải tất cả các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đều bị hạn mặn. Thời tiết khắc nghiệt cả vùng đều chịu, tuy nhiên thiếu nước ngọt chỉ xảy ra tập trung ở một số tỉnh. Do vậy khi thực hiện giải pháp công tình, không thể đầu tư cho tất cả các tỉnh, thành đều xây dựng công trình chống xâm nhập mặn được. Những công trình xây nên phải phục vụ cho kịch bản phát triển của từng địa phương cụ thể và quan trọng nhất là phải phù hợp", TS Trần Hữu Hiệp đánh giá thêm.

Thích ứng với tự nhiên đồng nghĩa, ngoài nước ngọt thì cũng cần xem nước mặn, nước lợ là tài nguyên, từ đó thay đổi, thích ứng để phát triển kinh tế. Trong quá trình ngăn mặn, cần tránh các giải pháp cực đoan, thô bạo. Đồng thời, các địa phương cũng cần điều tiết hệ thống thủy lợi phù hợp với độ mặn, hạn của từng nơi. Khi thực hiện các công trình phục vụ cho việc giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn cần đảm bảo tiến độ, tránh chuyện để người dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

"Thích nghi với xâm nhập mặn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào thiên nhiên để phát triển kinh tế ven biển, kinh tế xanh là bước đi phù hợp với vùng Tây Nam Bộ thời điểm hiện tại. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ dùng nước ngọt để trồng lúa, trồng cây, đào ao nuôi cá, quanh năm suốt tháng quanh quẩn cùng nền tảng phải có nước ngọt nên mải miết chạy theo chuyện ngăn mặn, giữ ngọt. Do vậy cần mạnh dạn chuyển đổi mùa vụ, vật nuôi, thích ứng với mùa nước ngọt, mùa nước mặn, biến khó khăn thành ưu thế phát triển kinh tế vùng miền", TS Hiệp nói.

Việc cần làm ngay giải quyết bài toán khô hạn

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hiện kênh, rạch, ao, hồ một số nơi đã cạn nước hoặc có nước thì đã bị nhiễm mặn nên chắc chắn chúng ta phải chuyển nguồn nước ngọt từ nơi khác về cho các khu vực bị hạn mặn và người dân phải sử dụng tiết kiệm, khoa học nguồn nước này trong vòng một tháng tới.

Phải ưu tiên hàng đầu cho sinh hoạt, tiếp đến ưu tiên nước cho vật nuôi và cây trồng lâu năm như xoài, sầu riêng, măng cụt, mít... (nên tái sử dụng nước hoặc áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt). Sau đó mới ưu tiên nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Như tôi đã nói, tần suất lặp lại hặn mặn ở miền Tây đang diễn ra với tần suất bốn năm một lần, đây là điều trong tương lai Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt. Do đó, chúng ta phải chủ động làm sao để khi ngay cả El Nino xảy ra mà không cần phải cứu trợ từng sà lan, từng téc nước đến từng làng, từng bản, từng hộ.

Quan điểm của tôi về chống hạn, mặn và lũ cho Đồng bằng sông Cửu Long cần cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp hồ chứa và chuyển đổi mô hình canh tác dựa vào nguồn nước là giải pháp rẻ tiền và phù hợp nhất", TS Nguyễn Ngọc Huy nói.

Trước đây, hiện tượng El Nino khoảng 6 - 7 năm mới xuất hiện nhưng khoảng 10 năm trở lại đây El Nino lặp lại với tuần suất dày hơn, như chúng ta chứng kiến chu kỳ khoảng bốn năm (2016, 2020, 2024). Dự báo trong tương lai việc chuyển pha giữa El Nino và La Nina sẽ thường xuyên hơn và giai đoạn trung tính (mưa thuận gió hòa) sẽ rất ngắn. Như vậy sẽ tạo ra hiện tượng mưa rất nhiều hoặc nắng rất nhiều.

Khi đó, về mặt khí tượng thì tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở nên thường xuyên hơn. Còn về mặt thủy văn thì nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ít đi, cùng với đó vấn đề nước biển dâng và xâm nhập mặn sẽ khiến nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu đi.

Theo lưu ý của cơ quan khí tượng thủy văn, các địa phương cần có biện pháp khẩn cấp để ứng phó ngay, khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Cơ quan chức năng xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình. Cụ thể là thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa, bồn chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến...; mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Các địa phương cũng chỉ đạo tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún, để lắp đặt các biển cảnh báo, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại.

Các địa phương huy động nhân dân tham gia phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn của người và phương tiện trong quá trình lưu thông đồng thời rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; khuyến cáo người dân sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-song-chung-voi-han-han-xam-nhap-man-169240426120727639.htm