Trao truyền văn hóa qua xuất bản phẩm

Theo các đại biểu tại tọa đàm giới thiệu sách sáng 23/4 tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế, sách chính là một công cụ tốt giúp bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc.

Thông qua sách, con người có thể truyền đạt, chia sẻ những tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trong thời đại mới với nhiều biến động, các giá trị văn hóa được chú trọng bảo tồn và phát huy. Nhưng với sự phát triển nhanh của các phương tiện truyền thông, những nền tảng giá trị văn hóa không phải lúc nào cũng được lan truyền đúng, đủ. Một cuốn sách, với nhiều chuyên gia nghiên cứu, nhiều công đoạn kiểm duyệt, được đánh giá là một phương tiện lưu giữ và truyền bá văn hóa tốt hơn cả.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức tọa đàm, giới thiệu sách chủ đề "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Văn hóa trong buổi giao thoa

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, khẳng định Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, người Việt Nam đã tạo dựng và tích lũy được nhiều giá trị, bản sắc riêng.

Trong quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày nay, các giá trị văn hóa dân tộc càng cần được lưu ý, để phát triển, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bà Nguyễn Hoài Anh cho biết qua buổi tọa đàm này, bà mong chúng ta hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, gìn giữ truyền thống lịch sử, để vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Hiểu về các giá trị văn hóa xưa, tích hợp với các giá trị của đời sống văn hóa mới, nền văn hóa dân tộc mới có thể phát triển đúng hướng, trên phương châm làm cho con người ngày càng tốt đẹp hợp, hướng tới sự phát triển bền vững, vì hạnh phúc của con người.

Trong bài phát biểu của mình, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định việc nghiên cứu, biên soạn sách vở để lưu truyền bản sắc là một nhiệm vụ quan trọng mà xã hội nào, thời đại nào cũng cần quan tâm.

Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tại buổi tọa đàm. Ảnh: MH.

Sách - phương tiện lưu truyền tri thức chủ yếu

Bà Nguyễn Hoài Anh tin rằng sách là một trong những phương tiện chủ yếu và quan trọng giúp con người lưu giữ và trao truyền tri thức văn hóa trong sách hội. Làm sách và đọc sách là cách thức truyền thống và hiệu quả để giữ gìn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Thông qua sách, con người có thể truyền đạt, chia sẻ những tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người đọc sách sẽ tìm được những tri thức về văn hóa, nghệ thuật đã và đang tồn tại trên thế giới, từ đó, hiểu rõ hơn về quá khứ, sự phát triển và tiến bộ của nhân loại.

Bà cho rằng giá trị văn hóa dân tộc được truyền bá qua sách cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm với tương lai, với quốc gia, dân tộc.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng nếu không nhờ có sách, ta không thể biết được những tri thức cổ xưa, những áng văn, những bài thơ từ cách đây cả trăm, cả nghìn năm.

Ông cho rằng ngành xuất bản đã chuyên chở tri thức. Ngay cả khi ngày nay, giới trẻ có xu hướng tiếp nhận thông tin thông qua mạng xã hội, phần nhiều những kiến thức ấy, cũng đi ra từ sách, những kiến thức không đi ra từ sách, dễ sai lệch, thiếu kiểm chứng, có thể gây ảnh hưởng xấu.

Cũng nhân sự kiện này, bà Nguyễn Hoài Anh giới thiệu đến các độc giả những ấn phẩm về văn hóa như Địa chí Phong Điền, Huế và triều Nguyễn, Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Phát triển văn hóa và con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Đơn cử, sách Địa chí Phong Điền, theo bà Nguyễn Hoài Anh, là một công trình sưu tầm, tổng hợp tư liệu vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một vùng đất trên các lĩnh vực, qua đó, khẳng định ý nghĩa, giá trị trao truyền, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ nay và mai sau.

Ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế, là thành viên Ban biên soạn sách Địa chí Phong Điền. Ảnh: MH.

Chia sẻ về cuốn sách, ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế, một thành viên Ban biên soạn sách, nhận định Phong Điền là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của nhiều thời kỳ. (Năm 1994, một trống đồng đã được phát hiện tại lưu vực thượng nguồn sông Ô Lâu. Việc phát hiện trống đồng Đông Sơn tại Thừa Thiên Huế đã giúp chúng ta hiểu rõ thêm về lịch sử vùng đất và mối liên quan của “mạng lưới tam giác văn hóa” cùng thời kỳ bao gồm: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ).

Ông nói: "Không gian và đời sống tâm linh của cư dân ở Phong Điền đặc sắc và phong phú, cần tiếp tục được nghiên cứu và giới thiệu sâu rộng hơn".

Các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng những cuốn sách về văn hóa như Địa chí Phong Điền có giá trị quan trọng, cần được giới thiệu rộng rãi, tiếp tục phát triển và viết thêm.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-truyen-van-hoa-qua-xuat-ban-pham-post1424617.html