Trắng đêm chống dịch

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại Hà Nội với hơn 16 nghìn ca mắc từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đang dồn tổng lực dập dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành y tế khó mang lại hiệu quả triệt để nếu người dân vẫn chưa có ý thức phòng, chống dịch bệnh ngay trong gia đình.

Từ rạng sáng 13-7 đến nay, những chiếc máy phun thuốc diệt muỗi công suất lớn được mượn từ các tỉnh, thành phố khác đã phát huy hiệu quả. Những quận, huyện có nhiều người mắc SXH như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng cử cán bộ đi dập dịch suốt đêm, ngày. Khắp ngõ ngách, các khu vực có nguy cơ bùng phát thêm ổ dịch được phun hóa chất diệt muỗi.

Tại quận Hai Bà Trưng, đúng 0 giờ ngày 14-8, dưới sự hỗ trợ của Sở Y tế, quận đã ra quân phun hóa chất bằng máy cỡ lớn tại bốn phường. Một đoàn phun thuốc tại các trường ĐH lớn là Xây dựng, Kinh tế quốc dân (phường Đồng Tâm), Bách khoa (phường Bách Khoa), trong đó tập trung phun trong khuôn viên trường và khu ký túc xá. Một đoàn khác thực hiện tại phường Vĩnh Tuy, trong đó tập trung tại Trường ĐH Kinh doanh công nghệ, Trường Mẫu giáo Lạc Trung, Tiểu học Vĩnh Tuy, THCS Vĩnh Tuy, Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, hai đoàn phun thuốc tại chợ Đồng Tâm và một số chợ, công trường, đình, chùa, công trình công cộng của bốn phường Bách Khoa, Trương Định, Đồng Tâm, Vĩnh Tuy.

Tại quận Hoàng Mai, Trung tâm Y tế quận cùng chính quyền phường cũng tiến hành công việc này vào 0 giờ ngày 13-8. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, từ đầu năm đến nay, quận có 2.483 người mắc SXH, hiện còn 315 người bệnh đang điều trị tại các BV, cơ sở y tế; có 400 ổ dịch, 84 ổ dịch đang hoạt động tại 14 phường... Những ngày qua, quận tập trung cao độ các lực lượng tham gia chống dịch SXH. UBND quận ban hành 30 văn bản chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đôn đốc; các cấp ủy đảng ban hành 14 nghị quyết chuyên đề để triển khai đến 15 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ quận. 140.190 tờ rơi và tờ thông báo của UBND quận tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch SXH được phát đến từng gia đình... Theo kế hoạch, việc phun thuốc bằng ô-tô tại các quận, huyện trên sẽ kéo dài tới ngày 17-8 tới.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại quận Hà Đông trong ngày đầu của chiến dịch tổng vệ sinh môi trường toàn thành phố. 30 quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội và các đơn vị trực thuộc đồng loạt ra quân trong chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Đây là đợt đầu tiên trong ba đợt cao điểm diệt bọ gậy mà thành phố yêu cầu tất cả các quận, huyện phải triển khai.

Trước tình hình dịch SXH đang gia tăng ở Thủ đô, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy. Đội xung kích này phải nắm rõ danh sách 33 loại dụng cụ có khả năng là ổ chứa bọ gậy trong gia đình để rà soát, xử lý, đồng thời tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức phòng chống dịch. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ dàng. Tại huyện Thanh Trì, một trong những điểm nóng của thành phố về dịch SXH, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khuất Văn Sơn cho biết: Khi vào từng gia đình, các đội xung kích phát hiện khoảng 10% dụng cụ chứa nước trong nhà có bọ gậy, nhất là các bình chứa nước trên nóc nhà. “Nhà nào cũng xây cao tầng, bể, bình chứa nước thường đặt ở trên tầng thượng, các thành viên của đội xung kích phải rất vất vả trèo lên để phun thuốc” - ông Sơn cho biết.

Bà Lê Thị Hạnh, thành viên của một đội xung kích diệt bọ gậy tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ, toàn bộ lực lượng đội xung kích đều được tập huấn rất bài bản, thuộc lòng tên loại muỗi gây bệnh, cơ chế truyền bệnh và sáu biện pháp phòng dịch. Theo bà Hạnh, vào được trong nhà dân kiểm tra là thành công của đội bởi nhiều gia đình công nhân, viên chức đi làm cả ngày. Đội phải gõ cửa vào sáng sớm hoặc chiều muộn, thậm chí nhiều hộ phải quay lại đến lần thứ ba, thứ tư mới kiểm tra được.

Mới hơn mười ngày hoạt động, các đội xung kích đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà để làm nhiệm vụ của mình, bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đội xung kích không thể làm thay công việc vệ sinh, phòng ngừa loăng quăng, bọ gậy trong mỗi gia đình thường xuyên, liên tục. Ngành y tế khuyến cáo: Mỗi người dân cần chủ động diệt bọ gậy ngay từ chính nơi ở gia đình mình, khi đó mới mong dập được dịch SXH.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33780102-trang-dem-chong-dich.html