Trang bị kỹ năng sống cho trẻ như thế nào để đạt hiệu quả?

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ là việc làm cần thiết, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giúp các em có ý thức, có khả năng làm chủ bản thân, sống tích cực. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các khóa học trải nghiệm, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc mở các trung tâm, các lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ.

Xuất phát từ nhu cầu muốn tìm chỗ chơi, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho con của các bậc phụ huynh, nhiều trung tâm tổ chức khóa học ngoại khóa trải nghiệm kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè “mọc” lên nhiều trong những năm gần đây như: khóa tu mùa hè, trại hè, học kỳ quân đội, học kỳ công an…

Chị Hoàng Thu Thủy (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hè năm ngoái, chị cho con trai (học lớp 7) tham gia khóa học kỳ quân đội trong thời gian 1 tuần. Thời gian tuy ngắn nhưng chị thấy con cũng đã có một số thay đổi tích cực. Buổi sáng con có thể dậy sớm hơn, tác phong nhanh nhẹn hơn, làm mọi việc gọn gàng, ngăn nắp hơn.

Năm nay, vợ chồng chị Thủy lại tiếp tục cho con tham dự một khóa tu ở Quảng Ninh. Chị mong muốn qua khóa học, con được giáo dục thêm về nhân cách, biết yêu thương cha mẹ và sẻ chia với người xung quanh nhiều hơn. Chị hy vọng rằng, đây sẽ là một trải nghiệm tốt, đầy ý nghĩa với con trong mùa hè này.

Chương trình "Học kỳ quân đội" thu hút sự tham gia của nhiều học sinh trong các kỳ nghỉ hè

Không thể phủ nhận việc tham gia các khóa học kỹ năng sống giúp trẻ được trải nghiệm trong dịp hè, hạn chế việc “dán mắt” vào màn hình điện thoại, tivi, laptop, ipad… Thông qua các kỳ học trải nghiệm, trẻ có thêm cơ hội được giao lưu, tương tác, gắn kết với bạn bè, độc lập, có thêm kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra trong đời sống hàng ngày.

Bên cạnh sự tích cực thì vẫn tồn tại một số hạn chế khiến nhiều người e ngại, đó là các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống mọc lên tràn lan; nội dung, chương trình học không theo quy chuẩn, không thống nhất; nhiều nơi giáo viên tự vạch ra kỹ năng và chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm với mục đích thu được lợi nhuận là chính. Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng… sẽ là mối nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ.

Có ý kiến cho rằng, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh, bởi các thầy cô giáo là người hiểu tâm lý của học sinh hơn ai hết. Vậy các nhà trường có nên tham gia phối hợp tổ chức các khóa học trải nghiệm kỹ năng sống cho trẻ và giáo dục như thế nào cho hiệu quả, an toàn?

Ths. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) nhận định, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng quan trọng. Chúng ta lưu ý đến từ “sống”, tức là giáo dục hướng dẫn trẻ những kỹ năng thiết yếu giúp trẻ phát triển, trở thành những người tự tin, độc lập và có khả năng thích ứng tốt với cuộc sống. Ngoài ra, các kỹ năng này gắn kết mật thiết với cuộc sống nên cũng cần có sự thay đổi, phù hợp với sự phát triển của bối cảnh hiện đại, sát với cuộc sống.

Ths. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD)

Theo bà Linh, việc giáo dục trang bị được càng nhiều kiến thức càng tốt, sẽ có thêm nhiều hành trang cho trẻ để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, liệt kê và giáo dục dàn trải sẽ khó khả thi, chúng ta cần căn cứ trên những khung phát triển năng lực cho trẻ. Theo nhu cầu thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục phát triển kỹ năng sống của trẻ, đây là điểm tốt và đáp ứng đúng nhu cầu của gia đình, bù đắp sự thiếu hụt cho trẻ. Tuy nhiên, việc giáo dục trẻ em cần có sự nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm, có chuyên môn nên các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ cần có giáo trình, phương pháp cách thức cụ thể, nên được thẩm định bởi các cơ quan chức năng, đảm bảo các yếu tố về an toàn và phù hợp với trẻ, đảm bảo quyền trẻ em.

“Đã là kỹ năng thiết yếu, việc giáo dục kỹ năng sống nên được tích hợp chính thức trong chương trình giáo dục chứ không chỉ là hoạt động ngoại khóa. Trong khi chờ đợi sự cải tiến phù hợp trong chương trình giáo dục thì việc nhà trường chủ động mang lại các lợi ích cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, tôi thấy rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các chương trình và đơn vị cung cấp cần được nghiên cứu và thẩm định cẩn thận từ nhà trường, các cơ quan chức năng liên quan, sự đồng thuận từ phụ huynh và khuyến khích học sinh tham gia giám sát cùng. Chúng ta hãy nhớ nguyên tắc, lợi ích, sự an toàn của trẻ phải được đặt lên hàng đầu”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, về lý thuyết, các nhà trường phối hợp với đơn vị tổ chức trải nghiệm kỹ năng sống cho trẻ em là rất tốt, nhưng ở Việt Nam thì chưa phù hợp. Bởi các trường học ở Việt Nam, mỗi giáo viên dạy một môn, ở lứa tuổi tiểu học, THCS, thầy cô chủ nhiệm không thể dạy đuổi theo học sinh từ lớp 5 lên lớp 9. Cho nên rất khó để có thể phối hợp được trong việc tổ chức.

Những lớp học ngoại khóa như thế này mang lại nhiều điều bổ ích cho trẻ nhỏ, sự an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu

Bên cạnh đó, mỗi gia đình lại có một mong muốn, một xu hướng và nguyện vọng khác nhau, tất cả là do cho mẹ quyết chứ trẻ em hầu như không được quyết việc gì. Ví dụ, trẻ em mong muốn là mùa hè này sẽ được đi biển, muốn được đi học khóa thiền ở chùa, muốn tham gia học kỳ quân đội. Tuy nhiên, bố mẹ lại ép con cái phải đi học những bộ môn khác theo ý mình. Vì vậy, số lượng học sinh tham gia các khóa học trải nghiệm kỹ năng sống không đồng nhất, khi mà mỗi trường chỉ có một vài em theo học. Do đó, việc nhà trường phối hợp với các khóa tu, khóa thiền ở địa phương tổ chức cho học sinh trải nghiệm rất khó để có thể thực hiện được tại Việt Nam.

Ông An cho rằng, để các khóa học trải nghiệm trở nên ý nghĩa và an toàn cho trẻ nhỏ thì cần có sự giám sát ở địa phương tổ chức khóa học đó. Về phía đơn vị tổ chức khóa tu hay học kỳ quân đội… thì trong quá trình tổ chức phải có tôn chỉ mục đích rõ ràng, phải có nội quy chặt chẽ, có sự trao đổi giữa các bậc cha mẹ với những nơi mà trẻ em được gửi đến. Luôn đảm bảo mọi thông tin được thông suốt và các em bé không bị nguy cơ tai nạn thương tích, lạm dụng tình dục hay các vấn đề khác như nghiện hút, nghiện ma túy…

Theo các chuyên gia, trang bị kỹ năng sống cho trẻ là việc làm cần thiết, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giúp các em có ý thức, có khả năng làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các khóa học trải nghiệm kỹ năng sống, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc mở các trung tâm, các lớp dạy kỹ năng cho trẻ; ngăn chặn việc nhiều trung tâm lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm trục lợi về kinh tế; thậm chí tiềm ẩn yếu tố mất an toàn đối với trẻ em.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/trang-bi-ky-nang-song-cho-tre-nhu-the-nao-de-dat-hieu-qua-post1037960.vov