Sách giáo khoa Ngữ văn 11 cắt cảnh 'yêu' của Chí Phèo và Thị Nở

So với bản hoàn chỉnh trong 'Tinh tuyển văn học Việt Nam - Văn học giai đoạn 1900-1945' thì truyện ngắn 'Chí Phèo' trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 bị cắt đoạn nhà văn Nam Cao miêu tả cảnh Chí Phèo yêu đương cùng Thị Nở trong vườn chuối.

Sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cắt đoạn Chí Phèo "yêu" Thị Nở bằng một đoạn tóm tắt 7 dòng (trang 26).

Sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Huế) và Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) đều đưa tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam vào giảng dạy cho học sinh.

Tuy nhiên, cả 2 bộ sách giáo khoa này đều cắt cảnh "yêu" của Chí Phèo và thị Nở trong vườn chuối.

Nội dung đoạn văn bị cắt như sau:

"... Hắn bẹo thị Nở một cái làm thị nảy người lên. Và hắn cười, hắn lại bảo: Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không? Thị phát khẽ hắn một cái, làm cái vẻ không ưa đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ thì cũng yêu. Hắn cười ngất, và muốn làm thị thẹn thùng hơn nữa, hắn véo thị một cái thật đau vào đùi.

Lần này thì không những thị nảy người. Thị kêu lên choe chóe. Thị nắm cổ hắn mà giúi xuống. Chúng tỏ tình với nhau. Không cần đến những cái hôn. Ai lại hôn, khi có những cái môi nứt nẻ như bờ ruộng vào kỳ đại hạn và cái mặt rạch ngang dọc như mặt thớt. Vả lại, có những cách âu yếm bình dân hơn, chúng cấu véo hoặc phát nhau... thiết thực biết mấy".

Cắt cảnh "yêu" của Chí Phèo và thị Nở - giáo viên và học sinh gặp lúng túng trong dạy và học

Vào thời điểm năm 2012 đã xảy ra tranh cãi vì sách giáo khoa Ngữ văn 11 chương trình cũ lược bỏ đoạn "nhạy cảm" trong tác phẩm "Chí Phèo". Nhiều người cho rằng việc lược đoạn Chí Phèo yêu đương thị Nở trong vườn chuối đã khiến đoạn hay nhất của tác phẩm không còn nữa, như thế tác phẩm bị mất đi giá trị rất nhiều.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Lai Thúy, đoạn tả cảnh yêu đương của Chí Phèo và thị Nở đã dẫn đến bước ngoặt về nhận thức của Chí Phèo. Bình thường Chí Phèo luôn say khướt, kể cả lúc yêu đương với thị Nở trong vườn chuối Chí Phèo vẫn còn đang say.

Nhưng sau khi tỉnh dậy được thị Nở tận tình chăm sóc bằng một tình cảm giữa con người với con người, thứ tình cảm đã từ rất lâu Chí Phèo không có được, đã đánh thức cái bản năng làm người trong Chí Phèo. Và như vậy việc cắt bỏ cảnh Chí Phèo yêu đương với thị Nở chính là cắt bỏ sự lý giải vì sao Chí Phèo lại trở lại làm người.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, phần đầu của truyện, tác giả trình bày lai lịch, nguồn gốc của nhân vật, đồng thời diễn tả quá trình lưu manh hóa, bị biến dạng về thể chất cả nhân cách, bị dồn đến bước đường cùng.

Tuy nhiên, truyện ngắn bao giờ cũng có một nút thắt để đẩy biến cố của câu chuyện lên đến đỉnh rồi sau đó là mở nút và kết thúc truyện. Trong truyện ngắn "Chí Phèo" thì sự kiện vườn chuối được tác giả tạo ra để đẩy biến cố cao trào lên đỉnh điểm.

Việc cắt lược đi một đoạn có thể coi là hay nhất, tinh túy nhất của tác phẩm giống như việc khiến cho giáo viên bị lúng túng khi giảng dạy, nếu không nói là đánh đố giáo viên trong việc truyền dạy kiến thức một cách trọn vẹn tới học sinh.

Phó Giáo sư Đỗ Lai Thúy khẳng định, vấn đề ở trích đoạn này không phải là vấn đề tính dục thông thường, không phải là kiểu tả tính dục để hấp dẫn người đọc mà chính qua cảnh đó đã lý giải sự chuyển biến của Chí Phèo. Và như vậy việc cắt bỏ đoạn này chính là cắt bỏ chỗ hay nhất, tài nhất của tác giả.

Cảnh "yêu" của Chí Phèo và Thị Nở khiến học trò liên tưởng không tốt

Còn Giáo sư Trần Đình Sử cho biết, khi đưa một tác phẩm văn học vào hệ thống giáo dục nhà trường, ngoài những tác phẩm có dung lượng ngắn, vẫn còn khá nhiều những tác phẩm dài. Nếu đem đầy đủ toàn bộ dung lượng vào sách giáo khoa thì sẽ không thể phù hợp với thời lượng dạy trên lớp. Khi đó giáo viên không thể đủ thời gian dạy toàn bộ mà chỉ dạy được một số khía cạnh.

Do vậy, một số tác phẩm phải xử lý bằng cách trích đoạn hay lược bớt. Với tác phẩm "Chí Phèo" việc phải lược bớt một số đoạn để số trang học sinh phải học trên lớp phù hợp với nhu cầu dạy học của nhà trường cũng là điều bình thường.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lí giải việc lược bớt sự kiện vườn chuối trong tác phẩm "Chí Phèo" là do đoạn đó mô tả tỉ mỉ "quan hệ" giữa Chí Phèo và thị Nở, làm khơi gợi nhiều điều khiến học trò lứa tuổi này liên tưởng đến những cái không tốt, không có lợi cho giáo dục.

Tuy nhiên, ở đây đặt ra một vấn đề khá bí cho những người biên soạn sách giáo khoa đó là hiện nay không riêng gì văn học, việc xác định ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật khi thực hiện những tác phẩm có động chạm đến vấn đề tính dục vẫn còn nhiều bàn cãi.

Còn lí do vì sao các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 11 bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống cắt cảnh "yêu" của Chí Phèo và thị Nở trong vườn chuối thì giáo viên bậc trung học phổ thông vẫn chưa được biết.

Theo ghi nhận, việc dạy tác phẩm "Chí Phèo" ở các nhà trường hiện nay chủ yếu giáo viên bám vào nội dung sách giáo khoa. Hiếm có thầy cô giáo nào cung cấp thêm cho học sinh đoạn Chí Phèo yêu thị Nở trong vườn chuối vì nhạy cảm, cả thầy và trò đều ngại khiến việc dạy, học thiếu tự nhiên.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sach-giao-khoa-ngu-van-11-cat-canh-yeu-cua-chi-pheo-va-thi-no-179240504230655317.htm