Trần Trung Lĩnh kể chuyện 'Van Gogh dạo phố Sài Gòn' bằng hội họa

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh có triển lãm thú vị khi dùng bút pháp pop-art đưa Van Gogh về Sài Gòn, cùng ông dạo phố, sinh hoạt như người bản địa.

Triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn của Trần Trung Lĩnh giới thiệu 14 bức tranh đến công chúng. Họa sĩ vẽ tranh với phong cách pop-art (nghệ thuật đại chúng), lấy cảm hứng từ danh họa người Hà Lan.

Trần Trung Lĩnh mất khoảng 3 tháng từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành các tác phẩm. Họa sĩ chọn Sài Gòn – mảnh đất nơi mình lập nghiệp và gắn bó hơn 2 thập kỷ cùng sự xuất hiện của Van Gogh trong tranh, qua đó thể hiện tính sáng tạo cá nhân trong hội họa.

Tranh Van Gogh selfie trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

“Mỗi người sẽ có một Sài Gòn cho riêng mình. Với tôi, thành phố này bình dị, không hoa lệ và luôn mỉm cười chào đón tất cả mọi người. Qua triển lãm, tôi muốn tri ân nơi này và cả Van Gogh – họa sĩ tôi yêu thích và chịu ảnh hưởng nhiều nhất”, anh chia sẻ với VietNamNet.

Họa sĩ không giới hạn chủ đề, anh đặt để Van Gogh như một người dân bản địa khám phá Sài Gòn, selfie trước Nhà thờ Đức Bà hay cảnh đường phố, các chung cư cũ... Ở vài tác phẩm, nhịp sống văn hóa đặc trưng của vùng đất này như: các hàng quán bánh mì, cơm tấm, xe hủ tiếu gõ mưu sinh về đêm… được thể hiện rõ nét.

Với một số tranh, Trần Trung Lĩnh trực tiếp lấy cảm hứng từ bút pháp của danh họa để kể một ngữ cảnh mới hay câu chuyện khác. Ví như bức Starry night ôm (Đêm đầy sao – Van Gogh sáng tác năm 1889) được vẽ thành cảnh tài xế xe ôm đang chờ khách, hay bức Sunflowers (năm 1888) được tái hiện với ảnh ly cà phê sữa đá bên bình hoa vàng.

Bức "Starry night ôm" lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển "Đêm đầy sao" của Van Gogh.

Trần Trung Lĩnh nói khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ sưu tập là nỗi sợ không vượt qua chính mình. Anh từng lo lắng mọi người đánh giá tiêu cực vì chịu ảnh hưởng Van Gogh quá nhiều. Tuy nhiên, mọi cảm xúc chỉ thoảng qua và anh vẫn kiên định với hướng đi của mình.

Dù hâm mộ Van Gogh, Trần Trung Lĩnh khẳng định không sao chép ý tưởng từ danh họa. Các tác phẩm của anh đều lấy cảm hứng hoặc sáng tạo phái sinh. Trên thế giới cũng có nhiều triển lãm lấy cảm hứng từ tác phẩm hoặc cuộc đời của các danh họa tương tự như anh.

“100% tranh vẽ đều từ cảm xúc, trí óc và đôi tay tôi. Mỗi tác phẩm với tôi là một miền cảm xúc, một góc nhìn và một suy tư cá nhân. Người xem tranh có quyền đưa ra đánh giá và tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến mọi người”, anh bày tỏ.

Sau Van Gogh ở Sài Gòn, Trần Trung Lĩnh sẽ có 3 triển lãm từ đây đến cuối năm gồm: chân dung nghệ sĩ Việt Nam theo góc nhìn của anh, một bộ sưu tập tranh lụa và những bức tranh mất 8 năm để hoàn thiện.

Một số tác phẩm trong triển lãm

Cảnh Van Gogh vẽ các tòa chung cư cũ của Sài Gòn.

Danh họa thưởng thức bánh mì - món ẩm thực đường phố nổi tiếng ở Sài Gòn.

Van Gogh sáng tác tranh cạnh một quán cơm tấm.

Bức "Under the bridge" (Dưới cầu) với cảnh người dân sinh hoạt đời thường.

Xe hủ tiếu gõ mô tả phần nào cảnh về đêm.

Một Sài Gòn phồn vinh đầy hoài niệm.

Bức cà phê sữa đá được lấy cảm hứng từ tranh "Hoa hướng dương" nổi tiếng của danh họa.

"Cô Ba Sài Gòn" - một trong những người phụ nữ nổi tiếng được vẽ theo phong cách Van Gogh.

Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An. Anh rời quê nhà vào học Đại học Mỹ thuật TP.HCM, sau đó chọn thành phố này làm chốn định cư. Anh từng tổ chức một số triển lãm trong nước cũng như ở Bali (Indonesia). Anh theo trào lưu hội họa pop-art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol và Damien Hirst… Năm 2013, họa sĩ tạm dừng hoạt động triển lãm tranh để dành thời gian chuyên sâu vào những dự án dài hơi. Ngoài hội họa, anh còn giữ vai trò họa sĩ thiết kế, đạo diễn, viết kịch bản ở lĩnh vực điện ảnh.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tran-trung-linh-ke-chuyen-van-gogh-dao-pho-sai-gon-bang-hoi-hoa-2143096.html