Tràn lan thông tin chữa bệnh đau mắt đỏ phản khoa học

Dịch đau mắt đỏ đang lây lan mạnh tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước từ tháng 8 tới nay khiến nhiều người phải nhập viện, không ít người bị biến chứng viêm loét giác mạc, viêm giác mạc có giả mạc do tự ý điều trị, trong đó có những biện pháp phản khoa học.

Đặc biệt, từ khi dịch bùng phát, trên các trang mạng như Facebook, Tik Tok xuất hiện nhiều “bài” điều trị đau mắt đỏ như: Nhỏ nước tiểu, nhỏ sữa, xông lá trầu không, đắp nha đam, đắp rau diếp cá, nhỏ nước Smart A và thấm nước này vào bông tẩy trang đắp lên mắt…

Theo Bệnh viện Mắt Hà Nội, thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện thường xuyên khám và điều trị khoảng 400 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó 30% là mắc bệnh đau mắt đỏ. Với gần 30 bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú, đã có đến gần 20% bệnh nhân nặng viêm kết mạc biến chứng. Theo thống kê, trong 25 ngày của tháng 9, đã có 1.211 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, trong đó có 437 trường hợp là trẻ em.

Người bệnh đau mắt đỏ nên đến cơ sở y tế thăm khám.

Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện có từ 1.200-1.600 người tới khám, trong đó 12-17% trường hợp là đau mắt đỏ. Có mặt ở đây, chúng tôi chứng kiến khá nhiều ca bệnh biến chứng phải bóc giả mạc do tự ý điều trị. Nhiều người dân khi bị đau mắt đã ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ, chủ yếu là các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid dễ gây biến chứng nguy hiểm. Hơn thế nữa, trên các trang mạng xã hội, Tik Tok đưa nhiều chia sẻ “choáng” với cách chữa đau mắt đỏ.

Điển hình là cách chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu trên một tài khoản T.N lan truyền ở nhiều hội nhóm: “Em chia sẻ phương pháp chữa đau mắt đỏ bằng cách dùng nước tiểu trẻ em nhỏ vào mắt 3 giọt, 3-6 lần/ngày. Anh chị em mình nếu chưa làm theo, đừng vội phán xét. Thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu nào cũng nhiều corticoid nhỏ nhiều gây hại gan, thận à nha”.

Ngoài ra, còn có các thông tin chia sẻ trị đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá… Thậm chí ở một số hội nhóm còn chia sẻ nhỏ nước Smart A vào mắt, thấm nước nước này vào bông tẩy trang, tối đắp lên 2 mắt đi ngủ, sau vài ngày là khỏi mà không cần phải đi viện cho tốn kém…

Đau mắt đỏ đã trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt trong 2 tháng qua. Có 32.000 cuộc thảo luận và 24.500 bài đăng chia sẻ các phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ. Trong đó, hơn 15.000 cuộc thảo luận và 7.000 bài đăng lan truyền về các phương pháp tự điều trị phản khoa học, chưa được kiểm chứng, chiếm gần 47%.

Theo BS Hoàng Cương, Phó trưởng Ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương, chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để “chữa” đau mắt đỏ. Đây là thông tin phi khoa học. Chưa kể, thành phần của nước tiểu là urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá, dùng nước smart A nhỏ vào mắt… cũng phản khoa học, người bệnh cần tránh xa các thông tin trên mạng xã hội. Phân tích việc dùng lá trầu không để xông khi bị đau mắt đỏ, TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam cho hay: Cách này có thể khiến người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu vì tinh dầu nóng có trong loại lá này. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, khiến nhiễm khuẩn nặng hơn. Tương tự, đắp nha đam, lá diếp cá vào mắt có thể làm dịu mát hơn, nhưng không thể lường trước có loại vi khuẩn trong đất nếu thâm nhiễm, sẽ gây bội nhiễm. Thực tế, đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng, khó phục hồi.

Bệnh đau mắt đỏ hiện nay đang bùng phát thành dịch, tác nhân gây bệnh thường do các chủng virus như Adenovirus, Enterovirus, virus Coxsackie gây ra, lây lan qua đường hô hấp và qua tiếp xúc như tay bẩn, dụng cụ đồ chơi có dính rỉ mắt của người bệnh. Biểu hiện của bệnh có thể dễ nhận biết như mắt đỏ, sưng tấy, mắt có nhiều rỉ gèn, rất khó chịu.

Theo khuyến cáo của BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, có nhiều bệnh nhân tự điều trị khi đau mắt đỏ đã gặp biến chứng loét giác mạc, có giả mạc, thậm chí giảm thị lực, nguy cơ mù… Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không tự ý nhỏ thuốc hay sử dụng phương pháp “mẹo” dân gian, cách chữa phản khoa học trên mạng, mà hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt thăm khám, sử dụng thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/tran-lan-thong-tin-chua-benh-dau-mat-do-phan-khoa-hoc-i710036/