Bộ Y tế cấp phép vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh và phế cầu 23

Các vaccine được cấp giấy đăng ký lưu hành gồm Shingrix ngừa zona thần kinh, Qdenga phòng sốt xuất huyết, Pneumovax 23 ngăn phế cầu khuẩn.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vaccine, sinh phẩm, trong đó có các vaccine mới là vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, vaccine phòng bệnh zona thần kinh, vaccine phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.

Các loại vaccine mới được cấp phép là vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, vaccine Shingrix phòng bệnh zona thần kinh và vaccine thế hệ mới Pneumovax 23 phòng 23 chủng phế cầu khuẩn.

Theo thông tin từ các nhà sản xuất, vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda sản xuất có hiệu lực bảo vệ hơn 80% chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.

Vaccine Shingrix phòng bệnh zona thần kinh do hãng dược phẩm GSK sản xuất có hiệu lực trên 97%, dành cho người từ 50 tuổi trở lên với sức khỏe bình thường, hoặc cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 2 - 6 tháng.

Còn vaccine Pneumovax 23 do hãng dược phẩm MSD sản xuất, có hiệu lực bảo vệ hơn 90%, dành cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn với lịch tiêm 1 mũi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc cấp phép sử dụng 3 loại vaccine này thuộc chủ trương của Bộ Y tế, hội đồng cấp phép cũng đã xem xét đánh giá về độ an toàn và tính hiệu quả rước khi được vào sử dụng tại Việt Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh và phế cầu 23 đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc cấp phép tại Việt Nam là một tin rất đáng mừng cho người dân.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, cả 3 vaccine mới này đều được sản xuất bởi các hãng dược phẩm lớn trên thế giới là Takeda (Nhật Bản), GSK (Anh) và MSD (Mỹ).

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. (Ảnh: Phong Lan)

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. (Ảnh: Phong Lan)

Hằng năm, nước ta ghi nhận có hàng trăm nghìn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nhiều năm qua chưa có vaccine phòng ngừa, các biện pháp kiểm soát nguồn lây như tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người đã tử vong.

Trong khi đó, zona thần kinh là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, virus này cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Bệnh để lại nhiều biến chứng cho người trên 50 tuổi và đặc biệt là người có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý cần sử dụng corticoid kéo dài, ung thư dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV, đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai.

Phế cầu khuẩn là tác nhân phổ biến gây bệnh phế cầu xâm lấn nguy hiểm nhất như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, cũng như bệnh phế cầu không xâm lấn như viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang với tỷ lệ tử vong từ 10% - 20%.

Bệnh đặc biệt nguy hiểm với nhóm nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu do đang mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường, lao phổi, các bệnh lý tim mạch, ung thư với tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

Việc sử dụng vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh, phế cầu 23 sẽ giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn, giảm tình trạng quá tải do nhập viện và chi phí chăm sóc sau điều trị. Người dân không cần phải ra nước ngoài để tiêm các loại vaccine tiên tiến mà được thụ hưởng ngay ở trong nước.

NHƯ LOAN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-y-te-cap-phep-vaccine-sot-xuat-huyet-zona-than-kinh-va-phe-cau-23-ar871293.html