'Trái tim hồng' sưởi ấm những cuộc đời

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng được chị Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977) ở thôn Gò Sỏi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội thành lập vào năm 2015. Hợp tác xã có 6 ngành nghề kinh doanh và dịch vụ đã tạo công ăn việc làm cho gần 200 người khuyết tật.

Long lanh như bát nước chè/ Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân” là câu thơ vui mà chị Đinh Thị Quỳnh Nga nói về cuộc đời của mình. Chị Nga chia sẻ, ngày còn đi học không ít lần bị bạn bè xa lánh do khuyết tật từ nhỏ. Khi mới 7 tháng tuổi, chị bị sốt cao nhưng nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên chân trái của chị bị liệt, dần dần teo lại và ngắn hơn chân phải 3cm, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Năm 2001, tốt nghiệp ngành Sư phạm mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, chị cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc ở khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu khi biết chị khuyết tật ở chân. Suốt 3 năm với 17 lần đi xin việc bị từ chối, chị đành tạm gác lại ước mơ dạy học chuyển sang làm trang trí hoa cưới.

Dù vậy, chưa khi nào chị từ bỏ ước mơ đứng trên giảng đường. Sau những ngày tháng ôn thi miệt mài, năm 2007, chị Nga thi đỗ công chức và trở thành giáo viên dạy mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội). Đây không chỉ là niềm vui được sống với đam mê giảng dạy mà còn nuôi dưỡng khát vọng mang lại hạnh phúc cho những người khuyết tật khác của chị.

Chị Đinh Thị Quỳnh Nga luôn lạc quan, truyền cảm hứng cho những mảnh đời cùng cảnh ngộ.

Tại mái trường đó, chị Nga chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ra trường không có việc làm ổn định. Chị Nga rất xót xa, thương cảm, nung nấu khát vọng phải tạo động lực và việc làm cho học sinh của mình. Chị Nga tâm sự: “Nhìn các em, tôi như thấy hình bóng mình trong đó. Điều này đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó tạo động lực và công việc cho các em nói riêng và người yếu thế nói chung”.

Năm 2009, chị Nga quyết định tập hợp 4 em học sinh khuyết tật đã ra trường về thành lập nhóm Trái tim hồng. Thời gian đầu, công việc chủ yếu của nhóm là in hoa khô, tranh sơn dầu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Sau nhiều cố gắng, năm 2015 chị Đinh Thị Quỳnh Nga chính thức thành lập Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng.

“Từ đây, chúng tôi phát triển quy mô sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút nhiều người khuyết tật. Hợp tác xã không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi chia sẻ, động viên, khích lệ chúng tôi tự tin, xóa bớt mặc cảm về bản thân để sống hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng” - chị Nga chia sẻ.

Hợp tác xã Trái tim hồng - “Mái nhà” của người khuyết tật.

Sau 9 năm hoạt động chính thức, đến nay, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã tạo công ăn việc làm cho gần 200 người khuyết tật. Trong số 38 công nhân làm việc trực tiếp tại hợp tác xã, thì có 34 người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Họ làm việc với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Trên diện tích 1.000m2 của hợp tác xã đâu đâu cũng là tiếng cười nói vui vẻ đan xen với tiếng máy móc hoạt động, tôi bắt gặp chị Mai Lan (34 tuổi) ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đang ngồi trên xe lăn làm việc tại xưởng may.

Khi được hỏi về công việc, chị vui vẻ: “Tôi bị teo cơ cả 2 chân, phải dùng xe lăn để đi lại, tưởng chừng như cuộc đời chỉ loanh quanh ở góc nhà thì may mắn gặp được chị Nga đã giúp tôi có chỗ ăn, chỗ ở và công việc ổn định. Khi sống và làm việc ở đây, chúng tôi được đối xử rất bình đẳng - điều đó giúp mọi người không ai cảm thấy tự ti và mặc cảm”.

Hợp tác xã Trái tim hồng tổ chức cuộc thi xe lăn dành cho người khuyết tật tại Thanh Hóa.

Vừa là giáo viên, vừa là người đứng đầu hợp tác xã, chị Nga gần như không có thời gian cho mình. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và mong muốn người khuyết tật được vui vẻ, hạnh phúc, ngoài giờ làm việc, chị tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu hội người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, một năm hai lần, chị tổ chức du xuân và nghỉ mát cho toàn bộ công nhân tại hợp tác xã, với rất nhiều hoạt động như cuộc thi tiếng hát người khuyết tật, cuộc thi xe lăn… để nhân viên của mình có thêm bạn bè, thêm cơ hội giao lưu và học hỏi với những địa phương khác. Chị Nga luôn mong rằng những người khuyết tật sẽ luôn mạnh mẽ, vượt qua rào cản khiếm khuyết để khẳng định mình trong cuộc sống.

Ghi nhận những việc làm của chị Đinh Thị Quỳnh Nga trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, năm 2020, tại lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", chị vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

PHƯƠNG NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/trai-tim-hong-suoi-am-nhung-cuoc-doi-772421