TP.HCM phải hướng đến mục tiêu đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP phải hướng đến mục tiêu đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể triển khai trong thời gian tới.

Sáng 10.5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị phân tích kết quả các chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận xét các chỉ số cải cách hành chính của TP những năm qua cải thiện khá chậm. Hiện nay, TP.HCM đang ở nhóm dưới trong số 63 tỉnh thành, chưa ngang tầm, chưa xứng với nỗ lực của TP thời gian qua.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá làm rõ vì sao TP đã nỗ lực nhiều, đã quyết tâm, tập trung thực hiện nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Từ đó, phải đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện trong năm nay.

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM đã mở cửa cho du khách tham quan và sẽ duy trì mở vào thứ bảy, Chủ nhật cuối mỗi tháng

Chủ tịch UBND TP.HCM đặt chỉ tiêu năm 2024 TP.HCM phải cải thiện rõ nét hơn các chỉ số này so với năm 2023. Theo ông Mãi, mục tiêu TP.HCM trong nhóm 10 - 15 tỉnh thành đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính đã được đặt ra từ lâu. Vì vậy, thành phố phải hướng đến mục tiêu này, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể triển khai trong thời gian tới.

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Phan Kiều Thanh Hương, theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của TP.HCM đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh thành (tăng về điểm số và thứ hạng, đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước). Kết quả này cũng tăng 3 bậc so với năm 2022 (đạt 84,70 điểm, xếp hạng 36/63) và tăng 10 bậc (đạt 86,05 điểm, xếp hạng 43/63) so với năm 2021.

Phó giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận TP.HCM tuy có tăng về điểm và thứ hạng nhưng kết quả chưa cao, chưa đạt được chỉ tiêu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đối với chỉ số này.

Qua phân tích, Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; giám sát, phản biện xã hội về kết quả đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tại các sở ban ngành và UBND các cấp.

Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền vào từng lĩnh vực cụ thể gắn với công tác kiểm tra, giám sát; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp kiện toàn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian; đảm bảo tiến độ số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu; tiếp tục rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế; xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, thời gian thực hiện để tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Nội vụ cũng kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chuẩn mực quy tắc ứng xử; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không dám tham mưu, không dám đề xuất, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-phai-huong-den-muc-tieu-dung-dau-ve-cac-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-217073.html