Tòa thành cổ nằm trong trung tâm TP Đà Nẵng

Thành Điện Hải đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Pháp tại Đà Nẵng. Đây là tiền đồn, là điểm đầu tiên của phòng tuyến nổi tiếng chống quân Pháp của Thống chế Nguyễn Tri Phương. Đây là di tích có vai trò quan trọng trong văn hóa, giáo dục lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ sau tại TP Đà Nẵng.

Thành Điện Hải được vua Gia Long cho xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (tức năm 1813) với tên gọi ban đầu là đài Điện Hải. Đến thời điểm hiện tại, thành Điện Hải nằm lọt giữa trung tâm TP Đà Nẵng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu).

Thành Điện Hải đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Pháp tại Đà Nẵng. Đây là tiền đồn, là điểm đầu tiên của phòng tuyến nổi tiếng chống quân Pháp của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Phòng tuyến này là một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy là những hố sâu cắm đầy chông tre vót nhọn, trên đậy bằng vỉ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang, phía sau lũy có quân mai phục, sẵn sàng chiến đấu. Trong ảnh là cổng vào thành hiện tại.

Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương trong thành Điện Hải hiện nay. Dưới quyền chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững, quân Pháp không thể mở rộng thêm vùng chiếm đóng và sa lầy ở Đà Nẵng suốt 18 tháng.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) thành Điện Hải được xây dựng mới, có quy mô lớn hơn. Thành mới được xây bằng gạch, do kỹ sư Olivier Puymanuel người Pháp thiết kế theo kiểu Vauban.

Thành hình vuông có 4 góc lồi, được bao bọc bởi hai lớp tường, ở giữa có hào sâu, muốn vào thành phải đi qua chiếc cầu bằng gạch bắc ngang qua hào.

Tòa thành có chu vi 139 trượng (khoảng hơn 500m), cao 5m, hào sâu 3m. Có 2 cửa, một cửa chính nhìn xuống sông Hàn, cửa phụ ở phía nam, có 1 kỳ đài và 30 ụ súng lớn.

Súng thần công được trưng bày trong thành Điện Hải thời điểm hiện tại. Theo tài liệu được cung cấp từ phía Bảo tàng Đà Nẵng, thì 10/11 khẩu súng thần công trong bộ sưu tập này thuộc biên chế các khẩu súng của thành Điện Hải sau đợt xây dựng của vua Thiệu Trị.

Năm 2017, Đà Nẵng quyết định đầu tư 98 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1 (2017-2019) dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải” nhằm trả lại nguyên vẹn diện tích cho khu di tích này. Năm 2022, Đà Nẵng phê duyệt Dự án tu bổ di tích cấp quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2024) với kinh phí 84 tỷ đồng. Trong ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên thành Điện Hải.

Trong giai đoạn 2, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện các hạng mục bên trong khuôn viên 26.519 m² của thành Điện Hải gồm: Di dời Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu sang cơ sở 42 Bạch Đằng; Phục dựng Kỳ đài, nhà để súng thần công, cổng thành phía Đông; Tôn tạo tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương; Xây dựng cầu cổng phía Tây, miếu thờ nghĩa sĩ, nhà trưng bày và các hạng mục khác.

Thành Điện Hải thuộc số ít thành còn giữ được hình hài khá nguyên vẹn tại nước ta. Thế nhưng, việc nằm ở trung tâm thành phố, nơi diện tích đất eo hẹp và chịu áp lực dân số cao. Hiện tại, các hạng mục trong giai đoạn 2 của dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải” nhằm trả lại nguyên vẹn cho thành Điện Hải được TP Đà Nẵng tích cực triển khai.

Hà Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/toa-thanh-co-nam-trong-trung-tam-tp-da-nang-705509.html