Cận cảnh công trình đại thủy nông do thanh niên xây dựng ở lòng chảo Điện Biên cách đây 60 năm

Đại thủy nông Nậm Rốm được xây dựng sau khi quân Pháp thua trận, đầu hàng, rút quân ra khỏi lòng chảo Điện Biên. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này lại liên tục phải chịu sự phá hoại của máy bay Mỹ. Đây là công trình biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết, quả cảm của thanh niên lúc đó.

Video: Cựu thanh niên xung phong kể chuyện xây đại công trình Nậm Rốm.

Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công xây dựng ngày 3/10/1963, hoàn thành năm 1969. Tại công trình này, lực lượng thanh niên xung phong đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, tạo nên "mạch sống" không thể thiếu cho sản xuất nông nghiệp của vùng lòng chảo Điện Biên, góp phần làm nên thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng toàn quốc.

Trải qua hơn 6 năm trường kỳ gian khổ, thanh niên xung phong đã hoàn thành các hạng mục công trình đồ sộ gồm 3 tuyến: kênh chính, kênh tả, kênh hữu dài trên 35 km, cùng với một đập tràn chắn ngang dòng Nậm Rốm với khối lượng lên tới trên 7.000 m3 bê tông và 9 cầu, trở thành công trình chiến lược mang tầm cỡ quốc gia, lớn thứ 2 cả nước, sau hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đập đầu mối công trình đại thủy nông Nậm Rốm nằm ở phường Him Lam, cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ. Đập có dạng thủy lực tràn, xây bằng đá bọc bê tông dài 60m, cao 9m.

Từ đập tràn đầu mối, nước được chia vào 2 kênh tả, hữu chạy xuyên qua thành phố Điện Biên Phủ, đưa dòng nước sông Nậm Rốm chảy ôm trọn cánh đồng Mường Thanh.

Tuyến kênh chính dài 0,83 km, lưu lượng 4,2 m3/s. Tuyến kênh tả dài 15,016 km với lưu lượng thiết kế 1,9 m3/s, diện tích tưới 1.500 ha, số lượng kênh nhánh (cấp II) 45 tuyến kênh. Tuyến kênh hữu dài 18,051 km với lưu lượng thiết kế 2,3 m3/s, diện tích tưới 1.817 ha, số lượng kênh nhánh (cấp II) 41 tuyến kênh.

Toàn hệ thống hiện có 476 cống dẫn nước vào cánh đồng.

Công trình đại thủy nông Nậm Rốm với sự tham gia của 800 đội viên Thanh niên tháng 8 Thủ đô cùng hơn 1.200 thanh niên các tỉnh miền xuôi.

Ông Đỗ Vũ Xô (cựu thanh niên xung phong xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm) kể: Lúc bấy giờ, ban đêm, máy bay địch thám thính những điểm cần bắn phá, ban ngày chúng mới trở lại thả bom. Việc xây dựng đập vì thế không thể làm ban ngày. Đêm xuống, đội của ông Xô đào đất, vác gỗ để đầm, đập hoàn toàn bằng tay chân, cuốc xẻng.

Theo ông Xô, việc ăn uống ở công trường lúc đó rất gian khổ. Đường xá, cầu cống bị máy bay Mỹ đánh phá nên việc viện trợ lương thực từ dưới xuôi lên đây rất khó khăn. “Có đợt, chúng tôi ăn ròng rã 3 tháng cơm độn ngô xay, sắn khô. Thậm chí, hết gạo phải ăn ngô bung nhiều ngày. Người ốm lúc ấy mới được húp bát cháo loãng, ăn cơm để chóng bình phục. Khó khăn, đói kém thế nhưng tinh thần thanh niên lúc đó rất hăng hái, không ai ỉ lại, đều thi đua nhau để làm”, ông Xô nói.

Trên công trường năm đó đã có 18 thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong hình là bia tưởng niệm, ghi nhớ công lao những người làm nên công trình lịch sử này.

Cánh đồng Mường Thanh gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào đại công trình thủy nông Nậm Rốm.

Từ khi có công trình đại thủy nông Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh đã được mở rộng diện tích gieo cấy lên nhiều lần, có thể thâm canh 3 vụ/năm với hạt gạo Điện Biên khẳng định thương hiệu trên khắp mọi miền đất nước.

Hơn 6 thập kỷ trôi qua, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong: Đoàn kết, nhiệt huyết, quả cảm. Công trình đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Đúng dịp kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/2015, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho công trình đại thủy nông Nậm Rốm.

Nhóm PV Bạn đọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-canh-cong-trinh-dai-thuy-nong-do-thanh-nien-xay-dung-o-long-chao-dien-bien-cach-day-60-nam-post1630585.tpo