Tình nguyện giúp dân vượt qua mưa bão

Trăn trở trước những lời cầu viện của người dân trong mùa mưa bão, một nhóm thanh niên ở huyện Gio Linh đã thành lập đội ca nô ứng cứu 24/24. Tình nguyện làm công việc hiểm nguy, gian khó, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người với mức thù lao chỉ 0 đồng.

Anh Trần Ngọc Sơn (đứng thứ 3, từ trái sang cùng các thành viên đội ca nô ứng cứu 24/24 giúp hai bà cháu ở Hải Lăng đến nơi an toàn -Ảnh: T.L

Từ sự thúc giục của con tim

Đã thành thông lệ, trước mỗi mùa mưa bão, các thành viên đội ca nô ứng cứu 24/24 lại hạnh ngộ. Sau cuộc chuyện trò ngắn, họ nhanh chóng kiểm tra, bảo dưỡng các loại máy móc, thiết bị và thực hiện những nhiệm vụ khác.

Ai nấy đều làm việc một cách chuyên nghiệp, nhịp nhàng, hiệu quả. Nhìn hình ảnh quen thuộc và nghe những thanh âm tươi vui, ít ai nghĩ, họ đang chuẩn bị cho “cuộc chiến” với thiên tai. Để giúp dân, nhiều năm nay, thành viên trong đội luôn nhận phần hiểm nguy, vất vả về mình.

Chuyện trò với phóng viên, anh Trần Ngọc Sơn, trú tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh, một trong những người có công đầu thành lập đội ca nô ứng cứu 24/24 cho biết, hiện tại, thành viên của đội đã ở tư thế sẵn sàng giúp dân vượt qua mùa mưa bão.

Ở Quảng Trị, nhiều năm nay, tên anh Sơn được nhắc đến gắn với những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Sinh ra trong cảnh khó, anh hiểu sâu sắc những thử thách mà người dân nghèo đối diện. Đặc biệt, mỗi mùa bão lũ là cả một mùa lo đối với bà con. Một số người đã mãi mãi đi xa vì con nước dữ, để lại vành khăn tang và nỗi đau khôn xiết cho người thân.

Cuối năm 2020, hơn một tuần liền, Quảng Trị dầm dề trong nước. Ở nhà, anh Trần Ngọc Sơn rất lo lắng khi thấy những lời kêu cứu liên tục xuất hiện trên mạng xã hội.

Vì trở tay không kịp, một số hộ dân ở huyện Gio Linh và các địa phương khác bị cô lập giữa con nước dữ. Sau một hồi liên lạc, anh Sơn biết, ngay lực lượng chức năng cũng đang xoay không kịp vì số lượng cuộc gọi cầu cứu quá lớn.

Lúc ấy, một suy nghĩ lóe lên trong đầu anh: “Tại sao không thành lập một đội ca nô để ứng cứu, hỗ trợ người dân?”. Chia sẻ suy nghĩ ấy, anh rất mừng khi nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè, người thân. “Để thành lập đội, trước tiên phải có ca nô.

Thế nhưng, một chiếc ca nô có giá hàng chục triệu đồng. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định viết bài lên trang Facebook cá nhân để vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm. Tối ấy, tôi gần như thức trắng để trả lời những cuộc gọi, tin nhắn... Đến sáng ra, chúng tôi đã đủ tiền để mua những chiếc ca nô đầu tiên”, anh Sơn kể.

Ca nô đã có, việc còn lại là tìm người đủ tâm huyết, trách nhiệm, có kinh nghiệm, kỹ năng để sử dụng, điều khiển phương tiện. Việc tưởng chừng rất khó ấy lại nhanh chóng được giải quyết với tinh thần tình nguyện của nhiều người dân huyện Gio Linh.

Nhờ thế, đội ca nô ứng cứu 24/24 sớm ra đời do thầy Nguyễn Đức Sáu, giáo viên Trường THPT Gio Linh làm đội trưởng và anh Trần Thao, Bí thư Đoàn thanh niên xã Phong Bình, huyện Gio Linh làm đội phó.

Cũng như thầy Sáu, anh Thao, tất cả thành viên đến với đội đều từ sự thúc giục của con tim. Để làm tròn nhiệm vụ, họ chấp nhận hiểm nguy, gian khó, sẵn sàng gác lại mọi công việc cá nhân. Ai cũng xác định sẽ không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Để người dân thêm yên tâm, tin tưởng, có thời điểm, các thành viên còn gắn thêm nội dung “0 đồng” vào tên riêng của đội.

Đến giúp người trong mưa bão

Ngay sau khi thành lập, đội ca nô ứng cứu 24/24 đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Các thành viên đảm nhận những công việc rất cụ thể như: theo dõi tình hình thời tiết; nhận cuộc gọi, tin nhắn của người dân; di chuyển ca nô đến nơi cần hỗ trợ; vận hành phương tiện... Hễ có lời cầu viện của người dân là họ tức tốc lên đường.

Trong tháng 10/2020, có những ngày, cả 5 chiếc ca nô của đội hoạt động hết công suất. Không chỉ đưa người dân vùng bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão đến nơi an toàn, thành viên trong đội còn giúp các đoàn tình nguyện đưa quà, cơm ăn, nước uống... đến với bà con.

Nói về những ngày xông pha trong đợt mưa bão cuối năm 2020, anh Trần Thao, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Bình, đội phó đội ca nô 24/24 khẳng định, nếu thời gian quay trở lại, mình vẫn sẽ lên đường giúp dân. Đến giờ, anh Thao vẫn nhớ ánh mắt sáng lên niềm hy vọng của bà con khi thấy thành viên đội ca nô 24/24 đến. Trước đó, họ đã chờ đợi trong bao nỗi lo lắng, thậm chí có lúc gần như tuyệt vọng.

Anh Thao cho biết: “Cũng như những anh em khác, mỗi lúc tôi lên đường, người thân lo lắng lắm. Tôi cũng nhận thức rõ những rủi ro mà mình có thể gặp phải. Thế nhưng, tôi và các anh em khác không thể vờ như chẳng nghe những lời cầu cứu. Mỗi lần bắt tay làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn nhắc nhủ nhau đảm bảo sự an toàn cho người dân và chính mình”.

Niềm vui từ việc giúp người trong bão lũ đã thôi thúc các thành viên đội ca nô ứng cứu 24/24 thêm chuyên tâm với công việc. Sau trận thiên tai năm 2020, các thành viên trong đội vẫn duy trì đều đặn lịch sinh hoạt, tập huấn và luôn ở trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ người dân.

Không chỉ những tháng cuối năm, bất cứ khi nào mưa bão lớn xảy ra, họ lại vào cuộc. Mới đây, sau trận mưa lớn kéo dài, thành viên trong đội nhận tin nhắn nhờ giúp đỡ và đã nhanh chóng ứng cứu cho 2 bà cháu ở huyện Hải Lăng.

“Lúc chúng tôi tiếp cận nhà của hai bà cháu, ai cũng lo vì trời tối đen, mưa xối xả, nước chảy xiết... Khi đưa được hai bà cháu đến nơi an toàn, đồng hồ cũng đã điểm sang ngày mới. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào”, anh Trần Ngọc Sơn kể.

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với thành viên đội ca nô ứng cứu 24/24 được nối dài bởi những câu chuyện vui, buồn. Nói về những ước muốn của bản thân, thành viên trong đội chia sẻ chỉ mong thời tiết thuận hòa để dân quê mình vơi bớt nỗi vất vả, âu lo.

Thế nhưng, họ biết rằng, mong muốn ấy khó trở thành hiện thức. Vì vậy, ai cũng luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của người dân.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tinh-nguyen-giup-dan-vuot-qua-mua-bao/181213.htm