Tin thế giới 28/7: Ông Putin nói về vấn đề chủ quyền, xe tăng hạng nặng Mỹ sắp 'cập bến' Ukraine?

Ukraine phản công mạnh ở Zaporizhzhia, Campuchia bác bỏ cáo buộc về bầu cử, duyệt binh lớn ở Triều Tiên, diễn biến ở Niger… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại St.Petersburg ngày 28/7. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Quân đội Ukraine phản công mạnh ở Zaporizhzhia: Ngày 27/7, quân đội Nga cho biết, Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã triển khai tấn công lớn nhất kể từ đầu tháng 7 ở Zaporizhzhia. Theo đó, hướng tấn công chính của VSU một lần nữa là làng Robotino, nhằm nỗ lực cắt đứt tuyến phòng thủ của Nga.

Trong ít nhất 4 đợt tấn công của VSU ở hướng Robotino, hơn 100 đơn vị thiết giáp khác nhau đã tham gia, với hơn 40% là xe tăng, kể cả xe tăng do NATO cung cấp. Tổng cộng, VSU đã tung hơn 1.200 quân vào mặt trận hướng này. Trong quá trình pháo kích mở màn, VSU đã sử dụng đạn chùm 155mm do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đẩy lùi VSU tại khu vực làng Klishchiivka gần Bakhmut và phía Bắc Robotino ở tỉnh Zaporizhzhia. (TASS)

* Ukraine giành lại một ngôi làng ở Donetsk, giữ vị trí ở Kupyansk: Ngày 28/7 trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng tải đoạn video, khẳng định Lữ đoàn 35 của VSU đã kiểm soát làng Staromayorske ở Bakhmut.

Cùng ngày, viết trên Telegram, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết: “Ở phía Nam Bakhmut, chúng tôi đang tiến lên. Đụng độ ác liệt tiếp tục diễn ra ở Klishchiivka, Kurdiumivka và Andriivka. Đối thủ có hỏa lực rất mạnh, song chúng tôi tiếp tục ngăn chặn các đợt tấn công của họ ở Bakhmut”.

Về tình hình ở Kupyansk, một trong những điểm nóng hiện nay, quan chức này nêu rõ: “Đối thủ đang tấn công theo hướng Kupyansk, cố gắng buộc chúng tôi rời khỏi vị trí cao điểm hiện nay, song chúng tôi đã đẩy lùi các đợt tấn công này”. Bà Hanna Maliar cũng cho biết theo hướng Lyman, VSU cũng đã đẩy lùi một số đợt tấn công của Nga ở rừng Serebrianskyi tại Zaporizhzhia. (Reuters/Ukrinform)

* Abrams có thể tới Ukraine vào tháng 9: Ngày 27/7, Politico (Mỹ) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ dự tính sẽ giao một số xe tăng hạng nặng Abrams đầu tiên vào khoảng tháng 9. Theo đó, “một vài” chiếc xe tăng đầu tiên sẽ tới Đức vào tháng 8 để được “tân trang lần cuối” trước khi chuyển tới Ukraine vào tháng 9. Theo một phụ tá trong Quốc hội Mỹ cùng quan chức ngành công nghiệp quốc phòng, 6-8 xe tăng sẽ góp mặt trong đợt đầu tiên.

Hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa cung cấp xe tăng Abrams, động thái được cho là nhằm thúc đẩy Đức cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Hiện Washington đang phối hợp với đồng minh NATO thiết lập “các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng hạng nặng, đặc biệt là đối với tổn thất trong chiến đấu” để xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley được chuyển giao cho Kiev có thể được bảo dưỡng. Tính tới nay, chính quyền Mỹ đã cam kết cung cấp tổng cộng 31 xe tăng, tương đương với một tiểu đoàn của phía Ukraine. (RT)

* Mỹ, Italy thống nhất lập trường ủng hộ Ukraine: Ngày 27/7, hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh giá cao lập trường của Rome trong nỗ lực hỗ trợ Kiev.

Về phần mình, bà Meloni bày tỏ “tự hào” về hành động Italy trong quá trình hỗ trợ Ukraine. Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Chúng tôi biết rõ những người bạn trong những thời điểm khó khăn và theo tôi, các quốc gia phương Tây đã chứng tỏ rằng họ có thể trông cậy lẫn nhau nhiều hơn là một số người nghĩ”.

Ngoài ra, bà nhấn mạnh “ủng hộ Ukraine đồng nghĩa với bảo vệ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình dành cho mọi người và tất cả các quốc gia trên khắp thế giới”. (AFP)

Đông Nam Á

* Campuchia bác bỏ những chỉ trích bầu cử của Cao ủy LHQ: Ngày 27/7, Phái đoàn thường trực của Vương quốc Campuchia bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã bác bỏ bình luận “sai lệch và bị chính trị hóa” của Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk về cuộc bầu cử tại nước này.

Thông cáo báo chí của Phái đoàn thường trực Campuchia cho biết, áp dụng bình đẳng các biện pháp hành chính và pháp lý để duy trì pháp quyền không đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do của một số nhóm nhất định. Tất cả các chính đảng, ứng cử viên chính trị, nhà hoạt động, công đoàn, tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông đều được đối xử như nhau theo luật pháp Campuchia.

Theo thông cáo báo chí, những bình luận cho rằng cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong một môi trường hạn chế là không chính xác. Số cử tri đi bỏ phiếu lên tới hơn 8,2 triệu người đã chứng thực điều ngược lại, phản ánh tính đa nguyên chính trị thực sự và nền dân chủ mạnh mẽ của Campuchia. Đồng thời, sự kiện này có sự theo dõi của 422 quan sát viên quốc tế tới từ nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau.

Trong đó, các nhóm quan sát viên đã ra tuyên bố công nhận cuộc tổng tuyển cử diễn ra tự do, công bằng, minh bạch, hòa bình và toàn diện. Campuchia khẳng định cam kết thực hiện đa nguyên chính trị, dân chủ hòa bình và thúc đẩy nhân quyền. Các chủ thể bên ngoài cần tôn trọng ý nguyện của cử tri Campuchia. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc có Bộ trưởng Thống nhất mới: Ngày 28/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Thống nhất mới Kim Yung Ho. Ông Kim, Giáo sư chính trị học và ngoại giao tại Đại học nữ Sungshin, được Tổng thống Yoon đề cử vào tháng trước để thay thế người tiền nhiệm Kwon Young Se, người dự kiến ra tranh cử tại Quốc hội vào năm tới.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc mới đã không được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn vì đảng Dân chủ đối lập chính không chấp nhận tờ trình về phiên điều trần phê chuẩn ông Kim. Họ cho rằng ông có quan điểm cực hữu đối với Triều Tiên.

Theo Hiến pháp, Tổng thống Hàn Quốc có thể bổ nhiệm một bộ trưởng mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội nếu Quốc hội từ chối phúc đáp tờ trình trước một thời hạn nhất định. Ông Kim là thành viên Nội các thứ 15 trong Chính phủ của ông Yoon được bổ nhiệm mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội nước này. (Yonhap)

* Quan chức dự duyệt binh tại Bình Nhưỡng, Mỹ nói gì? Ngày 28/7, KCNA (Triều Tiên) và KCTV cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung, đã cùng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un dự buổi duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Đáng chú ý, bên cạnh sự tham dự của hàng nghìn binh sĩ, sự kiện này chứng kiến sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiện đại của Triều Tiên (bao gồm cả Hwasong-18), cùng máy bay không người lái mới (UAV) Haeil, được cho là có thể di chuyển hàng trăm km dưới nước trước khi được kích nổ.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam tuyên bố Mỹ không có "cơ hội tồn tại nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân” với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ, câu hỏi không phải là liệu cuộc chiến tranh hạt nhân có xảy ra trên Triều Tiên hay không, mà là ai sẽ bắt đầu nó, khi nào và như thế nào”.

Về phần mình, phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 27/7, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel đã chỉ trích hai quan chức Nga và Trung Quốc thăm Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm 70 năm khép lại xung đột trên bán đảo này. Quan chức xứ cờ hoa nêu rõ: “Các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”. (AFP/Yonhap)

Châu Âu

* Tổng thống Nga khẳng định nỗ lực bảo vệ chủ quyền: Ngày 27/7, phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, ông Vladimir Putin khẳng định cần liên tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Theo nhà lãnh đạo này, chủ quyền không thể đạt được một lần mà phải thường xuyên đấu tranh vì nó.

Bên lề sự kiện, Tổng thống Nga đã hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo tham dự. Trao đổi với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, nhà lãnh đạo xứ bạch dương khẳng định mối quan hệ giữa nước này và Ai Cập mang tính chất chiến lược và hiện hai nước đang phát triển nhiều dự án chung.

Cùng ngày, ông Putin đề cập việc Triều Tiên ủng hộ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Trong bức điện gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Nga lưu ý quan điểm của Bình Nhưỡng về vấn đề này và sự đoàn kết của họ với Moscow trong một số vấn đề chính khác cho thấy rõ lợi ích chung và quyết tâm của các nước trong chống lại chính sách của phương Tây. (Sputnik)

* Nga: IOC thiên vị Ukraine. Ngày 28/7, người đứng đầu Ủy ban Olympic Nga Stanislav Pozdnyakov đã cáo buộc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chọn phe sau khi hối thúc liên đoàn thể thao các quốc gia thế giới xử lý các cuộc thi đấu giữa các vận động viên (VĐV) Ukraine và Nga một cách trung lập với “sự nhạy cảm”.

Viết trên kênh Telegram, ông lưu ý: “Tuyên bố cho thấy IOC đã tự quyết định và chọn bên trong xung đột chính trị này, bắt đầu hành động vì lợi ích của bên này”.

Ngày 27/7, IOC hối thúc liên đoàn thể thao các quốc gia trên thế giới xử lý tinh tế vấn đề liên quan đến các VĐV Nga và Ukraine. Trước đó, VĐV Olha Kharlan của Ukraine bị loại tại giải đấu kiếm quốc tế ở Madrid (Tây Ban Nha) sau khi từ chối bắt tay đối thủ người Nga Anna Smirnova.

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodyrmyr Zelensky đã mô tả kết quả này là “nỗi hổ thẹn”. Mới đây, Bộ Thể thao Ukraine sửa đổi chính sách, cho phép VĐV nước này được tranh tài cùng các VĐV Nga hay Belarus tham gia giải đấu với tư cách trung lập. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

* Mỹ, Saudi Arabia thảo luận về tình hình Trung Đông: Ngày 27/7, tại Jeddah (Saudi Arabia), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hội kiến Thủ tướng, Thái tử chủ nhà Mohammed bin Salman.

Theo Nhà Trắng, hai bên trao đổi về “các vấn đề song phương và khu vực, bao gồm sáng kiến thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Trung Đông hòa bình, an toàn, phồn thịnh , ổn định hơn cũng như kết nối với thế giới”. Về tình hình Yemen, ông Sullivan “đánh giá lại tiến triển đáng kể trong quá trình củng cố các lợi ích của lệnh ngừng bắn ở Yemen, vốn kéo dài hơn 16 tháng qua, hoan nghênh nỗ lực do Liên hợp quốc dẫn dắt nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến tại nước này”.

Điện đàm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Saudi Arabia trở nên căng thẳng những năm gần đây sau cái chết của nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi và nỗ lực của Saudi Arabia nhằm tăng giá dầu sau khi xung đột Nga-Ukraine bình phát.

Mới đây, hồi tháng Sáu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Saudi Arabia. Ông tận dụng chuyến đi này để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, song chưa đạt được nhiều tiến bộ cụ thể. (AFP/Reuters)

* Tình hình Niger, Tướng đảo chính xuất hiện, ECOWAS nhóm họp, cộng đồng quốc tế “giục giã”: Ngày 28/7, tướng Abdourahamane Tiani đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp, vốn đã nắm quyền trong cuộc đảo chính Tổng thống Mohamed Bazoum hai ngày trước đó. Kể từ khi giành độc lập năm 1960, tại Niger đã xảy ra 4 cuộc đảo chính và nhiều âm mưu giành quyền lực khác.

Trong ngày 28/7, các bên tiếp tục lên tiếng về tình hình ở Niger. Trả lời phỏng vấn bền lề Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại St. Petersburg, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết: “Tình hình của ông ấy (Tổng thống Bazoum) rất tốt. Tôi đã nói chuyện với ông ấy trong hôm nay (ngày 27/7). Ông ấy vẫn ổn”.

Cùng ngày, người phát ngôn Emos Lungu cho biết, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn về Niger tại thủ đô Abuja (Nigeria) vào ngày 30/7. Theo ông Lungu, tuyên bố chính thức về chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh nêu trên sẽ được công bố sau.

Về phần mình, tuyên bố chung của Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/7 nêu rõ: “Bất kỳ sự phá vỡ trật tự Hiến pháp nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả đối với sự hợp tác giữa EU và Niger, bao gồm việc đình chỉ ngay lập tức mọi hỗ trợ ngân sách”.

Nhiều nước đã bày tỏ quan điểm về tình hình ở Niger. Phát biểu ngày 27/7, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu đáng tin cậy nào cho thấy sự dính líu của Nga hoặc lực lượng Wagner, vốn có hiện diện rộng khắp ở châu Phi, trong vụ đảo chính vừa qua ở Niger.

Trong khi đó, điện đàm với Tổng thống Nigeria Bola Tinubu ngày 27/7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chỉ trích nỗ lực nắm quyền bằng vũ lực ở Niger. Thông cáo của Nhà Trắng có đoạn: “Phó Tổng thống (Harris) kịch liệt lên án mọi nỗ lực nắm quyền bằng vũ lực ở Niger và nhấn mạnh chính sách hợp tác thực chất của chúng tôi với chính phủ Niger phụ thuộc vào cam kết không ngừng của Niger về các tiêu chí dân chủ”. Theo Nhà Trắng, kể từ năm 2012, nước này đã chi 500 triệu USD để hỗ trợ Niger tăng cường an ninh.

Ngày 28/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với người đồng cấp Niger. Nhà lãnh đạo châu Âu cho biết ông Bazoum có sức khỏe tốt và nên được trả tự do. Phát biểu khi đang ở thăm Papua New Guinea, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum”. Đồng thời, ông nói thêm rằng, nước này ủng hộ các tổ chức khu vực nếu họ quyết định trừng phạt các thủ lĩnh của cuộc đảo chính.

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đánh giá việc thâu tóm quyền lực ở Niger không phải là “kết quả cuối cùng” và hiện những người chịu trách nhiệm cho vụ việc vẫn còn thời gian để đáp ứng các yêu cầu của quốc tế. Theo truyền thông Pháp, nhà ngoại giao này khẳng định: “Nếu bạn nghe thấy tôi nói tới ‘âm mưu đảo chính’, là vì chúng tôi không coi đó là kết quả cuối cùng”.

Trước đó, Anh, Đức, Trung Quốc cùng nhiều nước khác trên thế giới cũng đã chỉ trích vụ đảo chính ở Niger và kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum. (AFP/Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-287-ong-putin-noi-ve-van-de-chu-quyen-xe-tang-hang-nang-my-sap-cap-ben-ukraine-236359.html