Tìm về nguồn cội

Từ nhỏ Thơm sống với bà ngoại. Má hoạt động cách mạng, sanh Thơm được 2 tuổi là vội gởi nó cho ngoại để rút vào 'bí mật'. Rồi má bị giặc bắt, tù đày đến tận ngày giải phóng mới được về. Ngày má về Thơm 9 tuổi, ngoại đưa Thơm đi đón má.

Lần đầu tiên trong đời Thơm tin chắc mình cũng có má như bao đứa bạn khác. Vừa thấy má, ngoại mừng rỡ chỉ cho Thơm: “Kìa... má kìa con... Lại với má đi con !...”. Trước mắt Thơm, má hiện ra bằng xương bằng thịt với áo bà ba, khăn rằn và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xương xương. Thơm nhìn má, vừa thân thiết, vừa lạ lẫm. Thơm muốn ào tới ôm má nhưng không hiểu sao đôi chân nó lại ngập ngừng, e ngại. Nó chỉ khẽ thốt lên “Má... má...!” với vẻ ngại ngùng, mắc cỡ...

Hai ảnh minh họa do tác giả sưu tầm trên Internet..

Má bận rộn đủ thứ công việc sau ngày giải phóng. Thơm vẫn ở với ngoại, lâu lâu má mới về thăm nó một lần. Má về, thời gian không đủ để nó cảm nhận được tình cảm của má, để nó bớt đi những tủi hờn vì không có má bên cạnh như những đứa bạn. Má về vội vã, thường là xem cuộc sống của mấy bà cháu có ổn không, có cần gì, thiếu gì không. Má dặn dò nó ráng học, nghe lời ngoại, rồi lại đi. Đôi lúc nó muốn ôm má, thèm được má vuốt mái tóc dài mà ngoại vẫn chăm chút và khen rằng mái tóc của nó đen bóng, thiệt đẹp. Nó muốn được má thủ thỉ chuyện trò, lúc đó nó sẽ hỏi ba nó là ai? Nội nó ở đâu? Ba hy sinh rồi sao má không đưa nó về thăm nội?... Nhưng nó không dám mở miệng hỏi những điều mà nó vẫn thắc mắc. Má đó, như gần lại như xa, cứ như có một khoảng cách mơ hồ nào đó khiến nó không thể ôm lấy má mà nhõng nhẽo, mà mè nheo, mà hỏi này hỏi nọ như với ngoại.

Càng lớn Thơm càng tò mò muốn biết ba nó là ai? Quê nội nó ở đâu? Thơm chỉ nghe ngoại kể ba nó cũng đi kháng chiến, cũng hoạt động bí mật như má. Vài lần nhớ nó, ba tranh thủ tạt ngang nhà ngoại nựng nó chút rồi đi. Có lần ba về, nằm võng đu đưa, để nó bò trên mình rồi nựng nịu, thọc lét nó làm nó cười khanh khách... Lúc ba hy sinh Thơm còn nhỏ xíu. Những hình ảnh ít ỏi nghe kể về ba nó tưởng tượng ra rồi nhớ mãi trong ký ức. Nó cứ cố hình dung ra gương mặt của ba, nó nghĩ chắc mình cũng có nét giống ba, vì hình như nó không giống má nhiều lắm. Má chẳng bao giờ kể cho nó nghe về ba. Nó cũng chẳng dám hỏi...

***

Thơm đã 16 tuổi. Tụi bạn không nói ra, cũng chẳng chọc ghẹo cô, nhưng nhìn ánh mắt của chúng, cô hiểu chúng nghĩ gì. Từ nhỏ cô đã mặc cảm vì không biết ba mình là ai, cũng chẳng biết gì để kể, để khoe về ba. Cô gom góp những “thông tin”, những câu chuyện nghe ngóng được và hiểu vì sao má không kể về ba cho cô nghe. Cô thấy thương má, cô không muốn má phải khó xử vì những thắc mắc của mình, dù nó cứ cuộn lên trong lòng cô. Má và ba là đồng đội, cùng công tác chung. Trong một trận càn của giặc, ba má bên nhau trong hầm bí mật, chở che, nương tựa vào nhau... Giữa bom đạn, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, hai con người lẻ loi trong không gian chật hẹp của căn hầm trú ẩn cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ hết, và mọi “ranh giới” đã trở nên vô nghĩa... Cũng chính vì vậy mà có Thơm trên đời. Trước đây Thơm từng trách má, sao sanh ra cô để cô phải buồn tủi vì không được nhận cha. Nhưng giờ lớn hơn, Thơm thấy biết ơn ba má đã cho mình cuộc sống. Cô chợt nghĩ, nếu không có cô thì tuổi xuân của má đã qua đi trong bom đạn mà không có gì giữ lại cho riêng mình. Nghĩ thế nên cô thấy thương má nhiều hơn, cảm thông cho má nhiều hơn bởi những điều khó nói thành lời...

Trong đầu Thơm lúc nào cũng nghĩ về quê nội. Con người ta sống mà không biết nguồn cội của mình thì cảm thấy rất khổ tâm, Thơm cũng vậy. Trong cô lúc nào cũng đau đáu một ước muốn tìm về nội. Cô nghe ngóng, hỏi han nhưng cũng chỉ biết rằng quê nội mình cũng ở trong huyện này, không xa lắm. Cô còn nghe, nhà nội ở xã bên, đi qua cái cầu làng là tới. Một lần tan học, cô không về nhà ngay mà đi qua hướng người ta chỉ. Qua cái cầu làng, cô nhìn thấy mấy ngôi nhà ngói lớn lắm. Cô đi qua, đi lại chỉ nhìn chứ không dám vào. Những ngôi nhà có vẻ bề thế ấy khiến cô có cảm giác ngại ngùng, hổng lẽ nhà nội giàu dữ vậy? Mà có ai nói nhà nội giàu đâu? Vậy chắc là không phải...

Thơm về nhà đã trễ, mặt đỏ bừng vì nắng, mồ hôi nhễ nhại. Ngoại thấy cô về mừng rỡ: “Con đi đâu để ngoại trông? Mốt có đi đâu phải nói cho ngoại biết nghe không!”. Cô thương ngoại quá, cả đời ngoại vất vả, cực nhọc vì gánh nặng mưu sinh của cả nhà, lại phải “gánh” thêm nỗi lo về cô. Cô ôm ngoại thì thầm: “Con lớn rồi, ngoại đừng lo. Con đi đâu rồi cũng về với ngoại mà...”. Ngoại cười mà mắt thì rơm rớm: “ Cha bây!...”.

***

Hôm qua, nhỏ Sen bạn thân bảo có người bà con ở tuốt xã bên rành quê nội của Thơm. Trước giờ có chuyện gì Thơm cũng kể cho Sen nghe, hai đứa học chung từ hồi lớp một. Nhà khá giả nhưng Sen tốt bụng, Sen thương Thơm thiếu thốn tình cảm, nhà lại nghèo nên có gì cô cũng chia sẻ với bạn. Hiểu nỗi lòng của bạn nên Sen vẫn luôn để ý, hỏi thăm, tìm cách giúp Thơm tìm nội. Hôm nay hai đứa hẹn nhau học xong không về nhà ngay mà đến nhà người bà con của Sen. Thơm sợ ngoại lo nên dặn ngoại đừng chờ cơm, cô bảo học xong còn ở lại học thêm, ôn bài chiều mới về.

Hết giờ học, Sen chở Thơm bằng xe đạp, phải chạy mười mấy cây số mới đến nhà bà dì họ của Sen, kêu là dì năm. Thì ra dì năm của Sen có thời gian từng hoạt động bí mật chung với ba Thơm, cũng có nghe về má cô nhưng không nhiều. Dì năm dọn cơm cho hai đứa ăn xong rồi bảo: “Tụi con đi qua cái cầu làng, quẹo trái rồi cứ đi, đi hoài cỡ chừng ba bốn cây số, thấy có cái nhà tường lớn nằm một mình, hỏi nếu phải nhà ông bảy Thành thì đúng là nội con đó”.

Thơm nghe dì năm nói rõ ràng như vậy thì mừng lắm. Cô linh cảm chắc chắn lần này sẽ tìm được nội. Cô mừng quên hết cả mệt, cứ vậy hăm hở đạp xe chở Sen giữa nắng trưa gay gắt. Đúng là cái cầu làng Thơm đã từng qua, nhưng còn phải đi thêm một đỗi xa lắm mới tới được cái nhà tường đó. Hai đứa dừng trước cổng, qua bờ rào dâm bụt Thơm nhìn thấy căn nhà có vẻ im ắng, chắc là mọi người đang nghỉ trưa. Chỉ thấy hai con chó đang nằm lim dim, vừa thấy thấp thoáng bóng người, hai con chó vùng dậy, sủa inh ỏi. Một lát trong nhà có người ra, đó là một người đàn ông trung niên. Nhìn thấy hai cô bé học trò thập thò vẻ e ngại, ông hỏi:

- Các con kiếm ai? Vừa nghe vậy Thơm đã vội vã lên tiếng:

- Dạ, con là con của ba hai Thăng. Con tìm về nội...

Người đàn ông nghe vậy vội nhìn chằm chằm vào Thơm như để “xác định” một sự thật quan trọng, nhưng chỉ trong giây lát ông vội nói:

- Vô nhà... vô nhà, con! Rồi ông quay vô trong, giọng mừng rỡ:

- Ba má ơi, chị ba ơi... Con gái anh hai tìm về nè...

Một lát sau cả nhà đã đông đủ. Người đàn ông đó là chú năm của Thơm. Ông nói nhỏ như chỉ để mình nghe: “Nghe người ta nói mà không tin, ai dè... là thiệt!”. Ông bà nội của Thơm cũng đã trên bảy mươi nhưng còn cứng cáp, minh mẫn. Bà nội run run nắm tay Thơm, vuốt mái tóc lòa xòa ướt mồ hôi trên gương mặt cô, rồi nói:

- Đúng là con thằng hai đây mà, cái khuôn mặt, đôi mắt y chang cha nó... Ông nội cũng vỗ vỗ vào vai cô nói thêm:

- Phải rồi, cả vóc dáng nhỏ con, lanh lẹ cũng của cha nó nè. Nước da mặn mà, rắn rỏi cũng vậy...

Mọi người mừng rỡ ngắm Thơm rồi “phát biểu” cảm tưởng một cách thiệt tình, thân thiết. Thơm cảm nhận rất rõ tình cảm thương yêu của cả nhà. Lòng cô ngập tràn niềm vui. Chú năm dắt Thơm đến trước mặt người phụ nữ trạc tuổi má cô:

- Thơm thưa má lớn đi con! Cô nghe thoáng chút ngại ngùng, đây cũng chính là điều mà cô e ngại khi có ý định đi tìm nội. Nhưng rồi nhìn vào ánh mắt hiền từ, nụ cười phúc hậu, gần gũi của má lớn cô cảm thấy nhẹ bớt nỗi lo. Cô vòng tay cúi đầu thưa má. Bà lại gần nhẹ nhàng vuốt mái tóc Thơm rồi nói:

- Ừ. Con tìm được về nội là mừng rồi. Coi con nhỏ gống y như chị ba nó vậy đó...

- Con cũng thấy vậy đó má! Cậu con trai cũng cỡ tuổi Thơm vui vẻ lên tiếng. Sau này Thơm biêt đó là anh út con má lớn.

Cả nhà mừng vui, tiếng cười tiếng nói rộn rã cả một góc trời vốn rất yên ả. Má lớn đưa Thơm và Sen vô nhà, rồi bảo Thơm thắp nhang cho ba. Thơm nhìn lên tấm hình của ba trên bàn thờ, gương mặt ba nghiêm nghị nhưng có ánh nhìn ấm áp. Thơm xúc động thì thầm với ba, rằng sau bao năm mong đợi hôm nay cô đã được gặp ba, đã tìm được cội nguồn của mình. Nước mắt cô tràn ra, xúc động.

Thơm có cảm giác như mình vừa đi xa trở về, được mọi người dang rộng vòng tay đón mừng. Bao năm qua cô sống lặng lẽ, buồn tủi bên ngoại, cô không dám tưởng tượng ra một ngày mình có được gia đình lớn như thế này. Cô sẽ tự tin và hãnh diện kể cho bạn bè và mọi người nghe về ba cô, về ông bà nội, về các cô chú, anh chị và cả má lớn đầy lòng nhân hậu, yêu thương...

Trái tim người lính

Hoài Thu (Minh Anh)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tim-ve-nguon-coi-a20107.html