Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội - Bài 1: Những dấu ấn đổi mới

Đổi mới hoạt động Quốc hội là quá trình được thực hiện xuyên suốt, liên tục kể từ năm 1946 đến nay. Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới, Quốc hội liên tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm để thực hiện 3 chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đổi mới thường xuyên, liên tục

Công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đóng góp vào sự đổi thay đó, vai trò của Quốc hội là hết sức quan trọng, thể hiện ở 3 chức năng trụ cột: xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Người dân ở Củ Chi, TPHCM đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ngày 23-5-2021 Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, ngày 15-4-1992, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Nội dung thay đổi một cách cơ bản nhất, thể hiện rõ nhất quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (với 2 thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể) sang nền kinh tế hàng hóa thị trường (với nhiều thành phần: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước).

Trên cơ sở chuyển hướng phát triển kinh tế, Quốc hội khóa IX đã không ngừng mở rộng chính sách mở cửa, bắt tay với khu vực, thế giới. Nhiều vấn đề trọng đại đã được quyết định trong Quốc hội khóa IX, trong đó có nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm đổi mới, Quốc hội có nghị quyết về kế hoạch dài hạn trên đường phát triển.

Tại Quốc hội khóa X, tính dân chủ trong Quốc hội ngày càng được phát huy với việc xây dựng hành lang pháp luật, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế. Nổi bật trong số đó là Luật Doanh nghiệp 1999 được Quốc hội thông qua đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đối với nền kinh tế.

“15 giờ 10 phút ngày 29-5-1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã biểu quyết với 377 phiếu thuận, tương đương 84,5% số đại biểu có mặt, thông qua toàn bộ Luật Doanh nghiệp 1999. Tôi nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, người trực tiếp soạn thảo Luật Doanh nghiệp thời điểm đó, nhớ lại. Cũng theo ông Cung, nếu không có những đổi mới quan trọng trong công tác lập pháp, cùng với những vị lãnh đạo Quốc hội có tinh thần đổi mới thì rất có thể luật đã không ra đời vào thời điểm đó. Và như thế, rất nhiều cơ hội phát triển có thể bị bỏ lỡ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kỳ họp bất thường lần thứ tư Quốc hội khóa XV, sáng 2-3-2023

Đến Quốc hội khóa XI, đổi mới của Quốc hội được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thêm nhiều hình thức để lan tỏa hình ảnh hoạt động, đảm bảo tính dân chủ, công khai, được nhân dân ủng hộ; thể hiện rõ nét nhất qua việc báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi.

Trước đó, khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI, đồng chí Nguyễn Văn An đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phóng viên báo chí trực tiếp dự, đưa tin các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lý giải, ĐBQH là đại biểu của dân, chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào nhân dân phải được biết. Quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Quốc hội và được duy trì liên tục cho đến nay.

Ở nhiệm kỳ khóa XII, một điểm đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, trong đó có việc hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây vào TP Hà Nội. Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470ha, lớn hơn 3 lần trước đây.

Thành tựu lớn nhất của Quốc hội khóa XIII là thông qua bản dự thảo Hiến pháp vào ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ 6. Thời điểm đó, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp 2013 đã thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quốc hội khóa XIII cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành.

Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những hiệp định này mang đến cho Việt Nam cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh với đối tác một cách công bằng, bền vững, thể hiện sự đổi mới trong tư duy, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân và thông lệ quốc tế. Cũng ở nhiệm kỳ này, hoạt động chất vấn được đẩy mạnh theo hướng hỏi nhanh đáp gọn, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, tính đối thoại được đề cao, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên.

Từ cuộc bầu cử trong đại dịch đến những kỳ họp bất thường

Quốc hội khóa XV (2021-2026) bắt đầu khi thế giới đã trải qua gần 17 tháng đối mặt với đại dịch Covid-19, và đại dịch này cũng bắt đầu bùng phát ở Việt Nam. Đó là lần đầu tiên, chúng ta tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến; lần đầu tiên hoạt động bầu cử được tổ chức trong các khu cách ly, tại các bệnh viện điều trị người mắc Covid-19…

Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có tới 8 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ bất thường được tổ chức thành công. Những quyết sách được ban hành đều chưa từng có tiền lệ như: thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19, với nhiều vấn đề cấp bách được xử lý theo quy trình đặc biệt, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống; thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lên tới gần 350.000 tỷ đồng (nằm ngoài khung kế hoạch 5 năm 2021-2025).

Áp dụng kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật”, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự), tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đó là những sản phẩm ra đời từ quyết tâm “làm hết việc chứ không hết giờ; sẵn sàng “sáng đèn” để rút ngắn những ngày dài chờ đợi, lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội”, đúng như phương châm mà người đứng đầu Quốc hội nhiều lần khẳng định.

Một trong những điểm mới nổi bật trong hoạt động của Quốc hội khóa XV chính là công tác dân nguyện. Cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét báo cáo về công tác dân nguyện đều đặn tại các phiên họp hàng tháng chứ không chỉ “xuân thu nhị kỳ” tại các kỳ họp Quốc hội; kịp thời có ý kiến cả về các vấn đề “nóng”, có tác động xã hội sâu rộng, lẫn những bức xúc chính đáng của cá nhân cử tri, nhân dân. Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm năm mới 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, Quốc hội kiên định thực hiện phương châm vào cuộc từ sớm, từ xa, nghiêm túc nghiên cứu, dự báo sát tình hình, xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung hoạt động phù hợp, phát huy tốt nhất vai trò cơ quan đại biểu của dân.

Đặc biệt, trong hoạt động quan trọng nhất - kỳ họp Quốc hội - những cải tiến sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn theo hướng giảm thời gian họp phiên toàn thể; chia kỳ họp thành các đợt với hình thức họp phù hợp theo tính chất, nội dung và điều kiện thực tế; đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng quốc hội điện tử với chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao.

Quốc hội chỉ có thể đổi mới khi toàn bộ các cơ quan của Quốc hội và từng ĐBQH “chuyển động”. Trong các chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đổi mới, cải tiến cách thức làm việc; tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của ĐBQH, đặc biệt là ĐBQH hoạt động chuyên trách… Chỉ khi đó, Quốc hội mới làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

NGỌC QUANG - BẢO VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-quoc-hoi-bai-1-nhung-dau-an-doi-moi-post686927.html