Tiếp tục khẳng định giá trị cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972, sáng 29-4, tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề 'Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển'.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh đọc diễn văn khai mạc hội thảo. Ảnh: Trúc Hà

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; các nhân chứng lịch sử…

Theo đề dẫn hội thảo, từ năm 1969 đến năm 1971, với nhiều kế hoạch và biện pháp mạnh nhằm thực hiện bằng được Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã không đạt được mục tiêu đề ra mà còn phải chịu những thất bại nặng nề hơn trên chiến trường. Mỹ âm mưu tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và rút dần quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam, nhằm xoa dịu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang ngày càng lan rộng ở Mỹ và tạo lợi thế cho bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 1972.

Theo đó, Mỹ đẩy nhanh xây dựng lực lượng ngụy quân và hệ thống phòng ngự, hòng đẩy mạnh “bình định” vùng tạm chiếm và nông thôn đồng bằng, bảo đảm “an ninh lãnh thổ” trên phần lớn miền Nam Việt Nam. Đồng thời, chúng mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá cơ sở cách mạng, kho tàng, các vùng quan trọng trên tuyến vận tải chiến lược của ta; đưa không quân hoạt động trở lại đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam… với mục đích làm điều kiện để “mặc cả” với Chính phủ ta trong đàm phán tại Hội nghị Pari.

Trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam năm 1972 nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và Học thuyết Nichxơn, giành thế chủ động trên chiến trường, tạo chuyển biến và cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp, chính thức quyết định phương hướng cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với việc chuyển hướng mặt trận Trị - Thiên từ hướng phối hợp quan trọng thành hướng chiến lược chủ yếu. Ngày 23 -3- 1972, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972.

Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ Thành cổ diễn ra hết sức ác liệt và giành thắng lợi vẻ vang trong điều kiện mỗi bên đều tập trung nỗ lực cao nhất giành thắng lợi quân sự, phục vụ đấu tranh ngoại giao ở giai đoạn quyết định cho một giải pháp chính trị.

Hội thảo đã nhận được hơn 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương; các sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”. Ảnh: Trúc Hà

Với tinh thần khách quan, khoa học, đổi mới, sáng tạo, các đại biểu tham dự khẳng định và làm sâu sắc hơn một số nội dung yếu như: phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của Mỹ và quân đội Sài Gòn hòng củng cố tuyến phòng thủ vòng ngoài, bám trụ địa bàn chiến lược, tạo ưu thế về quân sự để giành lợi thế trên bàn đàm phán Pari; khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, giữa “đánh và đàm” trên bàn Hội nghị Paris và việc chuyển hướng tiến công chủ yếu ở Trị - Thiên, giành và giữ địa bàn chiến lược Quảng Trị năm 1972.

Đồng thời, phân tích và làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, tiến hành Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ năm 1972; nghệ thuật chiến dịch tiến công và nghệ thuật tổ chức thế trận phòng ngự của quân và dân ta trên địa bàn chiến lược Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm rõ những kết quả và tác động to lớn của thắng lợi Chiến thắng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ thị xã và Thành cổ đối với việc ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973) và tác động của nó đối với sự phát triển về thế và lực của lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Tiếp tục làm nổi bật những thành tựu trong lãnh đạo, chỉ đạo và những chuyển biến quan trọng của Quảng Trị trong 50 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy giá trị hòa bình, tinh thần quyết chiến, quyết thắng năm 1972 vào công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển quê hương Quảng Trị, cũng như xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiep-tuc-khang-dinh-gia-tri-cuoc-chien-dau-bao-ve-thanh-co-quang-tri-post450292.html