Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán: ''Cây hạnh phúc'' nở muộn

Tháng 4 vừa rồi tôi tình cờ gặp anh ra Hà Nội, dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI.

Hơn một thập kỷ quen anh, tôi vẫn thấy cái dáng xiêu vẹo ấy tất tả, miệt mài trên hành trình thiện nguyện giúp đời, giúp người, như chưa từng mệt mỏi. Anh là Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Quảng Bình.

Sự sống kỳ diệu của chú bé sinh non chưa tròn 7 tháng

Lê Quang Toán sinh tháng 8 năm 1979 trong một gia đình nghèo ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi ra đời cậu bé mới có 6 tháng 23 ngày nằm trong bụng mẹ. Bà Trần Thị Liên, mẹ Toán khi ấy đã vô cùng đau khổ vì đứa bé sinh non ra đời chỉ nặng vỏn vẹn 1,1kg. Những năm tháng đầu đời của cậu bé Lê Quang Toán rất “gian truân” vì sự sống yếu ớt phải khó khăn lắm để duy trì.

Lê Quang Toán sinh non yếu ớt trên tay mẹ

Lê Quang Toán sinh non yếu ớt trên tay mẹ

Suốt 2 năm Toán nằm một chỗ, đến nỗi đầu cậu to dần ra, chân tay nhỏ lại. Mãi 5 tuổi Toán mới đứng được và lẫm chẫm bước đi. Ba Toán làm cho cậu chiếc xe gỗ bốn bánh để vừa tập đi vừa làm cũi đỡ thân hình yếu ớt. Lên 10 tuổi, Toán mới đi học lớp 1, lên lớp 4 mới “chính thức” biết viết dù là nét chữ... vuông.

Ngày ấy, hành trình đi bộ hơn 2 cây số đến trường của Lê Quang Toán mỗi ngày không chỉ nhọc nhằn vì đường xá gập ghềnh, vì đôi chân anh xiêu vẹo mà còn vì cả những nụ cười trêu chọc ác ý của đám trẻ cùng lứa. Ở trên lớp, việc nói và viết không thuận lợi khiến Lê Quang Toán khó diễn đạt được ý nghĩ của mình, nhưng bù lại Toán có trí nhớ rất tốt. Toán có thể thuộc lòng hầu hết các bài giảng của giáo viên trên lớp, các bài trong sách giáo khoa. Thêm vào đó cậu bé lại rất chăm học, hình ảnh Lê Quang Toán thức khuya, dậy sớm học bài trở nên quen thuộc với mọi người trong gia đình. Cậu bé tật nguyền ấy đã vượt qua tất cả để hoàn thành mơ ước học con chữ.

Năm 2003, ở tuổi 24 (chậm hơn các bạn 6 năm), Lê Quang Toán bước chân vào học Khoa Tin học của Trường Trung cấp Công Nông nghiệp Quảng Bình. Từ đây anh bắt đầu ấp ủ ước mở “giúp đời giúp người” khi thấy nhà trường phát động phong trào tình nguyện mùa hè xanh. Dù không được nằm trong danh sách sinh viên tham gia nhưng chàng trai Lê Quang Toán cứ lặng lẽ dõi theo hoạt động phong trào của trường.

Những nghĩa cử cao đẹp xung quanh cứ ngầm dần vào anh, và chàng sinh viên tin học ấy đã tận dụng internet để từng bước “học” cách giúp đỡ mọi người. Anh lên mạng đi xin của người giàu chia cho người nghèo, xin của doanh nghiệp, tổ chức cho các trung tâm bảo trợ... cứ thế mải miết và âm thầm.

Những ngày đầu đi gieo mầm thiện, không ít người đã khuyên Lê Quang Toán là “ốc chưa mang nổi mình ốc còn đòi vác cọc cho rêu”, bản thân không khỏe mạnh mà cứ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nhưng người ta càng nói thì Toán càng ý thức được rằng, mình càng phải làm nhiều hơn nữa, vì bản thân quá thấu hiểu những thiệt thòi của gia đình khi sinh ra là người khuyết tật. Anh bước chân vào con đường đi làm tình nguyện để khắc khoải một mong muốn giúp đỡ thật nhiều phận đời người khuyết tật.

Mong muốn giúp đỡ nhiều phận đời người khuyết tật

Tháng 12 năm 2012, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình tình nguyện Liên hợp quốc tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2012 (lần thứ 2) cho 5 tập thể và 5 cá nhân. Cái tên Lê Quang Toán được xướng lên đầy tự hào, khi đó chàng trai khuyết tật 33 tuổi và vừa được tuyển dụng vào công tác tại Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Bình.

Nụ cười rạng rỡ của Lê Quang Toán xuất hiện ở nhiều nơi giúp đỡ nhiều phận người yếu thế

Nụ cười rạng rỡ của Lê Quang Toán xuất hiện ở nhiều nơi giúp đỡ nhiều phận người yếu thế

Cũng trong năm 2012, Lê Quang Toán được trao giải xuất sắc giải thưởng tình nguyện Chim Én do Tập đoàn FPT tổ chức nhằm tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Năm 2013, Toán dự hội nghị biểu dương người tàn tật và trẻ mồ côi toàn quốc tại Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; nhận danh hiệu Công dân tiêu biểu thành phố Đồng Hới...

Năm 2023, anh Lê Quang Toán với trách nhiệm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Quảng Bình đã kết nối hỗ trợ 20 xe lắc tay cho thanh niên các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Đồng Hới, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn; hỗ trợ 2 bạn khuyết tật làm hồ sơ gương sáng nghị lực Việt và được biểu dương; giúp đỡ kết nối 3 cặp thanh niên khuyết tật đến với nhau, sinh con đẻ cái, có công việc ổn định, đảm bảo cuộc sống mưu sinh; kết nối các trung tâm hỗ trợ tập huấn về chăn nuôi cho người khuyết tật nhẹ, tặng gà giống cho các lớp học khi bế giảng… Đầu năm 2024, ở tuổi 45 anh lại tiếp tục được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác hội và phong trào thanh niên.

Sau chặng đường hơn 20 năm mê mải tham gia tình nguyện, những bằng khen, giấy khen, vinh danh mà Lê Quang Toán nhận được đã nhiều đến không nhớ nổi. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà anh nhận được chính là những ân tình, sự ghi nhớ, biết ơn của bao thân phận người nghèo, người khuyết tật, em nhỏ mồ côi... nơi bước chân nghiêng ngả của anh đã đi qua.

Từ những bản làng gieo neo của đồng bào Rục-Chứt ở Tuyên Hóa, Bố Trạch nằm nép mình bên dãy Trường Sơn đến những xóm ven biển ngập lụt, mưa lũ ở Quảng Ninh, Đồng Hới, Lệ Thủy hay tới tận Hà Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Tĩnh..., đều thấy bóng dáng nhỏ thó, tập tễnh của Lê Quang Toán xuất hiện, trao từng cuốn sách, mỗi suất quà cho người khó khăn. Chương trình nào Lê Quang Toán cũng nhiệt tình, hết lòng, hết sức khiến nhiều người bạn đồng hành như tôi cảm thấy khâm phục ý chí, sự bền bỉ đến kỳ lạ của anh.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Lê Quang Toán

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Lê Quang Toán

Có phúc sẽ có phần, sau nhiều năm lặng thầm giúp đỡ mọi người, rồi cũng đến lúc hạnh phúc cá nhân của Lê Quang Toán đơm hoa kết trái. Đầu năm 2015, trong một lần bị ốm, anh Toán tìm ra hiệu thuốc để mua thuốc thì gặp cô dược sĩ Lê Thị Minh Thư kém anh tới 13 tuổi. Câu chuyện từ chỗ thăm hỏi bệnh nhân rồi đến chia sẻ hoàn cảnh, cô dược sĩ thầm cảm mến chàng thanh niên khuyết tật có tấm lòng nhân hậu lúc nào không hay.

Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán được kết nạp Đảng năm 2015

Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán được kết nạp Đảng năm 2015

Nửa năm sau, đám cưới viên mãn của họ diễn ra để rồi bây giờ đã có bé gái Lê Hồng Nguyên 8 tuổi, bé trai Lê Nguyên Phương 5 tuổi. Chị Lê Thị Minh Thư, vợ anh Lê Quang Toán trải lòng rằng: "Khi em mới đến với anh ấy, ba mẹ hiểu thì rất thương nhưng không ít người bàn tán, nói em không khôn ngoan khi yêu một người không lành lặn như vậy. Em vẫn quyết tâm vì đã dành tình cảm cho anh ấy. Em khâm phục ý chí, nghị lực phi thường cùng tấm lòng lương thiện của anh nên đến với anh. Từ khi cưới nhau, mặc dù do công việc nên hơn 7 năm trời vợ chồng xa cách hơn 30 km nhưng chúng em luôn sống trong hạnh phúc. Cuộc sống còn bộn bề khó khăn, vất vả nhưng em tin rằng, tấm lòng nhân ái, bao dung nơi chồng mình sẽ góp phần truyền cảm hứng đến nhiều người trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật”. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi tháng 10-2015, Lê Quang Toán vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5 đã đến, một mùa mưa bão nữa đang về, chắc chắn người dân Quảng Bình sẽ lại thấy bóng dáng xiêu đổ của người đàn ông nhỏ bé ấy bạt đi trong gió, đến từng xóm làng, gõ cửa từng nhà để giúp đỡ mọi người. Khi được hỏi rằng, bây giờ đã không còn trẻ, sức khỏe kém đi nhiều, anh còn làm công việc thiện nguyện này đến bao giờ, Lê Quang Toán chỉ cười mà nói, tôi vẫn đi đến khi nào chân còn có thể bước tiếp. Có lẽ thiện nguyện với Lê Quang Toán chỉ đơn giản như một lẽ sống hiến dâng, nó xuất phát từ trái tim và sẽ còn thôi thúc đến khi nào trái tim ngừng đập.

Hoàng Lê Anh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-si-tinh-nguyen-le-quang-toan-cay-hanh-phuc-no-muon-321328.html