Tiếp thêm động lực giảm nghèo cho các hộ dân ở Gio Linh

Thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ dân khó khăn tại huyện Gio Linh đã được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tư vấn, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình khác nhau như: giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ)... Nhờ đó mà người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chị Trần Thúy Hiền đã đầu tư nuôi lợn để có thêm thu nhập - Ảnh: T.P

Diện mạo của Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh những năm trở lại đây có sự thay đổi đáng kể. Những ngôi nhà 2, 3 tầng khang trang được xây dựng ngày càng nhiều; các tuyến đường được trải nhựa thẳng tắp. Tất cả điều này có được một phần nhờ vào đời sống của người dân đã cải thiện đáng kể sau khi địa phương đẩy mạnh công tác XKLĐ. Cùng cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thủ (sinh năm 1957).

Được biết, gia đình ông có tổng cộng 5 người con, trong đó có 3 người con đã sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan làm việc.

“Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ thông qua tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Ngân hàng CSXH huyện, tôi hoàn thành thủ tục vay vốn giải quyết việc làm, XKLĐ cho các con với số tiền lần lượt là 50 triệu đồng, 80 triệu đồng và 100 triệu đồng. Cũng may mắn là các con tôi đều ngoan ngoãn, chăm chỉ, sau khi ra nước ngoài các cháu đi làm biết dành dụm gửi tiền về để ba mẹ sắm sửa đồ đạc trong nhà, nuôi em ăn học. Nhờ đó mà gia đình tôi dần thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như bây giờ”, ông Thủ cho hay.

Vốn là một cán bộ mặt trận khu phố, ông Thủ đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của công tác XKLĐ. Vì thế, không chỉ trong gia đình mà ông còn vận động các hộ dân trong khu phố mạnh dạn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài và đã thành công. Hiện trung bình mỗi hộ gia đình tại Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt có ít nhất 2 người đang tham gia lao động tại nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, địa phương hiện đang dẫn đầu trong tỉnh về công tác XKLĐ, trong đó, thị trấn Cửa Việt chiếm tỉ lệ người đi XKLĐ cao nhất. Tham gia làm việc tại những thị trường có nền kinh tế phát triển, người lao động trên địa bàn huyện không chỉ có mức thu nhập cao hơn mà họ còn gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2023, thông qua nguồn ngân sách của địa phương ủy thác tại Ngân hàng CSXH huyện, đã có 164 lao động được làm thủ tục đi XKLĐ tại Hàn Quốc, trong đó có 10 lao động hoàn cảnh khó khăn vay vốn với tổng số vốn vay 1 tỉ đồng.

Bên cạnh công tác cho vay vốn XKLĐ, Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh còn lồng ghép triển khai hiệu quả nhiều chương trình vay vốn khác nhau nhằm giúp người dân thoát nghèo như: cho vay hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Như hộ gia đình của chị Trần Thúy Hiền (sinh năm 1987), hiện sống tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu là một ví dụ.

Vợ chồng chị không có công việc ổn định, thế nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, vợ chồng chị bàn bạc, quyết định vay 70 triệu đồng trong vòng 5 năm từ Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình giải quyết việc làm để mở trang trại. Từ số tiền tích góp được, cộng với vốn vay của ngân hàng, vợ chồng chị Hiền đã đầu tư trồng 4 ha cao su; mua 30 con lợn thịt, 100 con gà và 10 con bò về nuôi.

Nhờ chăm chỉ làm lụng, đến nay kinh tế gia đình chị đã được cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi năm, trang trại mang lại cho vợ chồng chị nguồn thu khoảng 300 triệu đồng. “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH huyện, vợ chồng tôi có thể yên tâm làm ăn mà không phải lo trả khoản lãi lớn hằng tháng. Nguồn vốn này không chỉ giúp tôi mà còn giúp cho nhiều gia đình khó khăn vươn lên phát triển kinh tế”, chị Hiền chia sẻ.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh Hoàng Đình Mẫn cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2023 doanh số cho vay của đơn vị đạt 130 tỉ đồng, bằng 102,5% so với cùng kỳ năm 2022, với 2.717 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/10/2023 đạt 550 tỉ đồng, tăng 52 tỉ đồng so với năm 2022.

Đến nay, đã có 240 mô hình kinh tế được vay vốn giải quyết việc làm, qua đó, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời có 1.100 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; hơn 400 học sinh, sinh viên được vay vốn; 66 hộ gia đình được vay vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội miền núi; 42 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn xây dựng nhà ở...

“Thời gian tới, ngân hàng sẽ tăng cường giải ngân các nguồn vốn cho vay để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2023. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách, chương trình hỗ trợ lãi suất đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khâu bình xét, giải ngân, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng”, anh Mẫn khẳng định.

Nam Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tiep-them-dong-luc-giam-ngheo-cho-cac-ho-dan-o-gio-linh/181538.htm