Tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế

Theo các chuyên gia, tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế. Hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu của người lao động di cư.

Ảnh minh họa/internet.

Sáng 17/6, Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam”.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh – Viện Xã hội học cho hay, việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, tại các khu công nghiệp còn thiếu hụt trường mầm non, mẫu giáo. Hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu của người lao động di cư.

Trong khi đó trẻ em trong các gia đình di cư theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn với đối tượng này. Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu/tình trạng đăng ký cư trú là rào cản lớn đến khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với lao động di cư.

GS.TS Đặng Nguyên Anh tham luận tại hội thảo.

TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường đào tạo Nghề công tác xã hội - cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng con em lao động di cư đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục mầm non, cũng như quyền thụ hưởng chăm sóc và vui chơi.

Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ cho con em công nhân và người dân địa phương, đã có không ít cơ sở mầm non tư thục, dân lập “mọc” ra để lao động nhập cư gửi con. Tuy nhiên, với mức phí khoảng 1 - 1,5 triệu đồng mỗi tháng, không phải gia đình nào cũng có đủ tiền. Vì thế, trẻ lại được gửi về quê cho ông, bà chăm sóc.

TS Nguyễn Hải Hữu trao đổi tại hội thảo.

TS Nguyễn Hải Hữu viện dẫn, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, với tổng số 2,8 triệu lao động, trong khi mới chỉ có 112 trường mầm non ở các khu này.

Điều đó dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng cơ sở mầm non công lập cho trẻ em. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động, nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non không đủ.

Nhấn mạnh, an sinh xã hội là vấn đề quan trọng và thiết yếu của mọi quốc gia trên thế giới; PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) khẳng định, chính sách an sinh xã hội đúng đắn là động lực to lớn để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn những “khoảng trống”, mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội chưa cao, đối tượng còn hẹp.

Vẫn tồn tại một nhóm lao động đang bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và chưa được hưởng đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp từ hệ thống an sinh xã hội, đó là nhóm lao động di cư, bao gồm cả lao động di cư nội địa và lao động di cư quốc tế.

Theo số liệu của Tổ chức di cư quốc tế (IOM - International Organization for Migration) và Tổng cục Thống kê Việt Nam, hiện vẫn còn hàng trăm nghìn lao động Việt Nam di cư nội địa và di cư quốc tế gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định nơi ở, khó khăn trong thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục …

Toàn cảnh hội thảo.

Chính vì vậy, TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, bài toán cấp bách đặt ra là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư.

Hội thảo cũng nhằm kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học xây dựng hệ thống giải pháp nhằm hoàn thiện và thúc đẩy chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và nhận được hơn 100 bài viết khoa học. Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn lọc 82 bài viết đạt chất lượng để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo có chỉ số ISBN.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tiep-can-dich-vu-giao-duc-cua-con-em-lao-dong-di-cu-con-han-che-post643395.html