Tiêm vaccine phòng dại kịp thời

Cách đây hơn 6 tháng, ông T.V.P., 36 tuổi, ngụ xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) bị chó nhà nuôi cào xước tay nhưng do chủ quan nên ông P. không đi tiêm vaccine phòng dại.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (phải) điều tra dịch tễ nơi nhân viên phòng khám thú y ở H.Trảng Bom bị chó dại cắn. Ảnh: LH

Mới đây, ông P. đã tử vong nghi do chó dại cắn, là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người còn đang chủ quan, không đi tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn.

* Mầm bệnh dại lây lan trên diện rộng

Cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh dại sau khoảng 9 năm không xuất hiện bệnh dại trên người và động vật. Trường hợp tử vong ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, bị chó cắn trên vùng mặt nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. 4 tháng sau khi bị chó cắn, người phụ nữ có các biểu hiện đặc trưng của bệnh dại và tử vong sau đó.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp nghi bị chó dại cắn trên địa bàn các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Những trường hợp bị chó cắn có thể là chủ nuôi, nhân viên thú y chăm sóc chó hoặc là người sinh sống trong khu vực có nuôi chó, mèo thả rông.

Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trường hợp ông P. - mới tử vong nghi do chó dại cắn có nuôi 1 con chó cỏ, nặng khoảng 4kg, thường ngày thả rông và chưa được tiêm vaccine phòng dại.

Ngày 27-12-2022, con chó này có biểu hiện hung hăng, cắn người, nên gia đình ông P. xích lại. 2 ngày sau, con chó xổng xích nên lao ra tấn công ông P. Ông P. bị chó cào ở vị trí cổ tay trái gây xước da, không chảy máu. Do chủ quan nên ông P. không xử lý vết thương và cũng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Ngày 30-12-2022, con chó cỏ này tiếp tục tấn công vợ, con ông P. Những người này sau đó đã đi tiêm vaccine phòng dại. Con chó sau đó bị tiêu hủy.

Đến ngày 12-7-2023, ông P. có các biểu hiện như: chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tức ngực khó thở. Rạng sáng ngày 13-7-2023, gia đình đưa ông P. nhập viện. Ông P. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại thể viêm não GERD/viêm da cơ địa và chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để tiến hành theo dõi và điều trị. Do tình trạng bệnh quá nặng nên gia đình ông P. đã xin về và ông P. tử vong 1 ngày sau đó.

Kết quả điều tra dịch tễ ca bệnh của cơ quan chức năng cho thấy, đối diện nhà ông P. đã từng ghi nhận ổ dịch chó dại cách thời điểm ông P. bị chó cào khoảng 11 ngày. Hàng ngày, chó nhà ông P. vẫn được thả rông không rọ mõm, có tiếp xúc với các con chó khác trong khu vực.

Trong khu vực ấp 1, xã Sông Trầu đã xuất hiện chó lạ, có biểu hiện bất thường, thả rông, hay tấn công những con chó khác trong khu vực.

Vào ngày 20-6-2023, tại khu vực gần nhà ông P. đã ghi nhận 1 trường hợp bị chó lạ, nghi dại, có biểu hiện điên cuồng, cắn người và những con chó khác. Theo điều tra sơ bộ, tại khu vực này có khoảng 73 con chó, mèo, nhưng mới chỉ có 11 con đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại, 62 con còn lại chưa được tiêm phòng.

* Cách xử trí khi bị chó, mèo cắn

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai ghi nhận 5 ổ dịch chó dại truyền bệnh cho người ở H.Trảng Bom (3 ổ), H.Vĩnh Cửu (1 ổ) và 1 ổ ở H.Nhơn Trạch. Riêng ổ dịch tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá ổ dịch này có yếu tố nguy cơ cao, ổ dịch chó dại chưa được kiểm soát, tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo còn rất thấp; ý thức của người dân còn chủ quan với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dại lây từ động vật sang người.

Bệnh dại do virus gây ra, hầu như gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Hiện tại chưa có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh dại khi phát bệnh sẽ có 2 thể chính, gồm thể viêm não và thể liệt. Với thể viêm não, triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu, kiệt sức, chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng.

Ở thể liệt, xuất hiện các triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Các bác sĩ cho biết, trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh dại gây ra, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại cũng cần xử trí vết thương và tiêm phòng vaccine phòng dại.

Theo đó, sau khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút rồi rửa sạch vết thương với cồn 70%, tuyệt đối không cố gắng nặn máu chỗ vết thương, không chà xát vết thương.

Sau khi vệ sinh vết thương, người dân nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương nhằm cầm máu, tránh vi khuẩn xâm nhập, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông. Các bác sĩ lưu ý, người dân không nên đắp, xát bất cứ loại lá nào lên vết thương. Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá. Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

Điều quan trọng nhất sau khi bị chó, mèo cắn là phải đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiêm vaccine phòng bệnh dại. Liều lượng và thời gian tiêm vaccine sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/tiem-vaccine-phong-dai-kip-thoi-3172431/