Thuế tối thiểu toàn cầu và nỗ lực thu hút vốn FDI

Việt Nam đang tìm cách thức để duy trì sự cạnh tranh, hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.

Một mặt, Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu mà theo các quan chức, Việt Nam đương nhiên ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ KH-ĐT đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nội dung dự thảo Nghị quyết áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với 4 nhóm doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ, DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao đều phải có dự án quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.

Riêng với DN đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, cần có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.

Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Hiện có hai chính sách hỗ trợ đầu tư đang xem xét khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là dùng phương thức cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Tiếp theo, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

Nếu không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đạt kết quả tốt vào Việt Nam. Gần đây, Quảng Ninh ghi nhận cấp 02 dự án đầu tư mới có vốn đầu tư lớn: Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.

Vốn đầu tư của Hải Phòng tăng mạnh trong 10 tháng năm 2023 do có dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance có vốn đầu tư 500 triệu USD.

Trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính tới 10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 278,6 tỷ USD (chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,4 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,4 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 57,15 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,2 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,5 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).

Hoàng Lan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-va-no-luc-thu-hut-von-fdi-2208566.html