Thực trạng mạng lưới y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam

– Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) 2001-2010, công tác CSSKSS đạt được nhiều thành tựu. Có được những kết quả đó là do chúng ta có mạng lưới y tế rộng khắp và không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mạng lưới này vẫn còn cần được hoàn thiện.

(ĐCSVN)Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) 2001-2010, công tác CSSKSS đạt được nhiều thành tựu. Có được những kết quả đó là do chúng ta có mạng lưới y tế rộng khắp và không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mạng lưới này vẫn còn cần được hoàn thiện.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em nói riêng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là nghĩa vụ và mục tiêu cao quý của các ngành y tế và thể dục thể thao dưới chế độ ta, chính vì thế mà Đảng và Chính phủ ta rất coi trọng công tác y tế và công tác thể dục thể thao”. Năm 1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã mở đầu cho việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế bằng việc khẳng định: “Sức khỏe của nhân dân, tương lai của giống nòi là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của tất cả các ngành, các đoàn thể, là trách nhiệm và lợi ích thiết thân của mỗi công dân”.

Thực hiện đường lối đúng đắn của Đảng, với sự nỗ lực phấn đấu của ngành Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan, sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam tốt hơn so với nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người: Tỷ số chết mẹ từ 100 (năm 2000) giảm xuống còn 68,3/100.000 trẻ đẻ ra sống (năm 2010); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 36,7‰ (năm 1999) xuống còn 16‰ (2009) và giảm mạnh ở tất cả các vùng; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 33,8% (năm 2000) giảm xuống còn 17,5% (năm 2010); tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 73,9% (năm 2000) lên 79,5% (năm 2008), trong đó tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng tương ứng từ 61% lên 68,8%; một số biện pháp tránh thai mới được thử nghiệm và đã được triển khai rộng trên toàn quốc; nhiều tiến bộ y học được áp dụng và triển khai thành công trên nhiều vùng của cả nước, như điều trị hiếm muộn, chữa vô sinh, điều trị ung thư đường sinh sản, thụ tinh nhân tạo…

Đạt được những thành tựu trên, trước hết là do mạng lưới y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) ở nước ta được xây dựng rộng khắp và không ngừng được củng cố, hoàn thiện từ trung ương đến tận xã, phường và các thôn, bản.

Hiện nay, toàn quốc có 7 bệnh viện đa khoa trung ương, 14 bệnh viện chuyên khoa sản, 11 bệnh viện chuyên khoa nhi; 125 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh, 64 trung tâm CSSKSS tỉnh; 615 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa sản, khoa nhi , 697 trung tâm y tế huyện; 10.926 trạm y tế xã, đạt 98,6% số xã, phường toàn quốc có trạm Y tế; 55,5% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 65,9% số trạm Y tế xã, phường có bác sỹ, 93,0% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Ở tuyến thôn, bản, 84,4% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế CSSKSS còn có hàng chục ngàn cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 01 bệnh viện phụ sản tư nhân và 01 bệnh viện phụ sản bán công.

Hầu hết nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi, cán bộ y tế xã, phường và thôn, bản đều được đào tạo và có kỹ năng cơ bản về CSSKSS. Trong 10 năm lại đây, Việt Nam đào tạo được 1.000 cô đỡ thôn, bản là người dân tộc thiểu số cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Tuy nhiên, mạng lưới y tế về CSSKSS nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhiều người dân, đặc biệt ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nhiều dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trạm y tế xã, phường có bác sĩ trên toàn quốc mới đạt 65,9%, đặc biệt thấp ở các vùng khó khăn: Tây Bắc (37,4%), Tây Nguyên (46,3%), tại 61 huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ mới đạt 34,5%. Ở tuyến huyện, thị, tỷ lệ bệnh viện đa khoa có bác sĩ chuyên khoa sản hoặc tương đương mới đạt 54,8%, trung bình mỗi bệnh viện mới có 0,81 bác sĩ sản. Bên cạnh đó, tình hình nhân lực về nhi khoa còn thiếu hơn, tỷ lệ bệnh viện đa khoa huyện có bác sĩ chuyên khoa Nhi mới đạt 31,9%. Toàn quốc còn 46,2% đội trưởng/trưởng khoa CSSKSS có trình độ mới là y sĩ hoặc nữ hộ sinh, đặc biệt tại các huyện nghèo nhất, tỷ lệ này là 66%.

Ở tuyến tỉnh, thành phố, nhân lực về chuyên khoa sản khá đầy đủ, tỷ lệ trung tâm CSSKSS tỉnh và bệnh viện đa khoa tỉnh có bác sĩ chuyên khoa cấp I sản đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tình hình nhân lực về nhi khoa vẫn thiếu, chỉ có 75,5% bệnh viện đa khoa tỉnh và 37,5% trung tâm CSSKSS tỉnh có bác sĩ chuyên khoa cấp I nhi.

Toàn quốc, chỉ có 61% trung tâm CSSKSS tỉnh có cán bộ được đào tạo về nội dung siêu âm sàng lọc dị tật thai nhi, 55% trung tâm có cán bộ được đào tạo về soi cổ tử cung, 50% trung tâm có cán bộ được đào tạo về khám sàng lọc và điều trị ung thư sinh sản, 34% trung tâm có cán bộ được đào tạo về hỗ trợ sinh sản và 26,6% trung tâm có cán bộ được đào tạo về sàng lọc sơ sinh.

Về cơ sở làm việc, theo tiêu chuẩn, trung bình mỗi trạm y tế xã, phường ở nước ta cần có 9 phòng chức năng, trong đó có khoảng 3 phòng dành cho CSSKSS. Tuy nhiên, theo thông kê báo cáo của ngành Y tế: Tỷ lệ trạm y tế có 6 phòng chức năng mới đạt 7,4%; 39,3% trạm y tế có phòng đẻ riêng; 3,1% trạm y tế hoàn toàn không có phòng nào dành cho CSSKSS, chủ yếu tập trung ở những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… phòng làm việc không những đã thiếu mà một số nhà của trạm y tế hiện bị xuống cấp không được đầu tư xây dựng mới hoặc tu sửa, nâng cấp.

Về trang thiết bị, thuốc thiết yếu: nhiều trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng Tây Nguyên… còn thiếu trang thiết bị cơ bản, như bàn đẻ, bàn khám phụ khoa, hoặc trang thiết bị đã hết thời gian sử dụng, hư hỏng song chưa được thay thế bổ sung, có trạm y tế phải dùng bàn đẻ để khám phụ khoa.

Nhận thức được thực trạng bức xúc này, Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011) đã nhận định: “Chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe còn thấp, hệ thống y tế và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số” và đưa ra định hướng: “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực của bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, hiện đại hóa một số bệnh viện đầu ngành” và “Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn”.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=489415&co_id=30087