Thực hiện khâu đột phá ở Đảng bộ xã Chiềng On

Tập trung lãnh đạo tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế nâng cao đời sống là khâu đột phá được Đảng bộ xã Chiềng On, huyện Yên Châu lựa chọn để lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Mô hình trồng chanh leo của nhân dân bản Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu.

Chiềng On là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm tới 64,3%. Đảng bộ xã có 19 chi bộ trực thuộc, trong đó 12 chi bộ bản, 7 chi bộ cơ quan, trường học, với 350 đảng viên.

Thực hiện các khâu đột phá, Đảng ủy đã lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, góp phần giảm số hộ nghèo. Ông Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã đã xây dựng kế hoạch toàn khóa và từng năm, đề ra chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ các đồng chí trong cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp đến liên kết đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Thông qua các đợt tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng cây mắc ca, chanh leo tại xã Mường É, huyện Thuận Châu; nuôi bò nhốt chuồng ở xã Cò Nòi, tham quan Nhà máy mía đường Sơn La, nghe những chính sách trong phát triển vùng mía nguyên liệu... Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: trồng 17,8 ha mía tại bản Ta Liễu, Đin Chí, sản lượng đạt 623 tấn/năm; trồng 1 ha cây cà gai leo tại bản Nà Đít, sản lượng hơn 1,5 tấn/năm, thu nhập hơn 41 triệu đồng; mô hình nuôi 1.000 con gà đen tại bản Nà Dạ và Suối Cút, sinh trưởng và phát triển tốt, một số hộ đã bán ra thị trường với giá bình quân 120.000 đồng/kg.

Từ các mô hình thí điểm, đến nay xã Chiềng On đã phát triển gần 300 ha mận hậu, sản lượng 135 tấn/năm, giá trị 945 triệu đồng; mở rộng diện tích mía lên 90 ha cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Sơn La. Hiện nay, nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 35 triệu đồng/1ha đất trồng trọt.

Đến bản Đin Chí giờ đây những nương lúa, ngô được thay thế bằng màu xanh của cây mận, cây mía. Hơn 3 năm trước, gia đình anh Vàng A Hồ chỉ trồng ngô, lúa nương, thu nhập không ổn định, gia đình thuộc diện hộ nghèo của bản. Năm 2020, được cán bộ xã, bản tuyên truyền trồng mía, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 2 ha mía. Anh Hồ cho biết: Hiện nay, mỗi năm gia đình thu 120-140 tấn mía cây, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thu mua tại nương với giá 980 đồng/kg, thu nhập hơn 130 triệu đồng/vụ. Giờ đây, gia đình có của ăn, của để, nuôi con ăn học và gia đình thoát nghèo.

Anh Vàng Lao Chĩa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đin Chí, chia sẻ: Bản có 129 hộ, 630 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Chi bộ có 16 đảng viên. Cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển kinh tế, Chi bộ bản đã chỉ đạo Ban quản lý bản vận động nhân trồng mận hậu; năm 2020, bản liên kết với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đưa cây mía vào trồng. Hiện nay, bản có 20 ha mận hậu, sản lượng 300 tấn quả/năm; 25 ha mía, sản lượng 1.700 tấn/năm, đời sống nhân dân ổn định và phát triển.

Còn ở bản Nà Cài, cùng với vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây mận hậu, chanh leo, bản khuyến khích nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Anh Vì Văn Xồm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Hiện nay, bà con trong bản trồng 10 ha mận hậu, sản lượng hơn 100 tấn quả/năm; trồng 6 ha chanh leo, năng suất 10-15 tấn quả/ha. Từ đầu năm đến nay, có 6 hộ của bản thoát nghèo.

Sau hơn 2 năm, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của xã có bước chuyển dịch tích cực; từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất, đời sống của nhân dân dần được nâng lên. Đảng bộ xã Chiềng On tiếp tục chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời, vận động các hộ liên kết thành lập HTX; phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 35 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt trên 3.800 tấn; phát triển diện tích cây ăn quả 495 ha, diện tích cây công nghiệp 30,8 ha; mỗi năm phấn đấu giảm 5,8% số hộ nghèo.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/thuc-hien-khau-dot-pha-o-dang-bo-xa-chieng-on-w05SMlnSR.html