Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

Nông nghiệp tại Tây Ninh đang từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh và bền vững - vốn đã được chứng thực về lợi ích kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề môi trường

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho rằng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có nông nghiệp tuần hoàn, đã và đang trở thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng; từng bước giúp ngành nông nghiệp địa phương nâng cao giá trị gia tăng, phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững.

Mô hình ấn tượng

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường và thâm dụng tài nguyên nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết. Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Tây Ninh là Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), với mô hình sử dụng nguyên liệu được bón bằng phân trùn quế đã qua xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Thắng, quản lý sản xuất Công ty Tâm Lan, cho biết 70 ha nguyên liệu của doanh nghiệp được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Công ty nuôi hơn 300 con bò để lấy phân làm thức ăn cho trùn quế, rồi lấy phân trùn quế xử lý bón cho vườn nguyên liệu. Công ty tự tin với sản phẩm của mình khi vườn nguyên liệu hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ xử lý phế phẩm nông nghiệp, các phụ phẩm được tận dụng đã góp phần giảm 50% chi phí thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ chú trọng kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, từ nguồn nguyên liệu tự trồng theo quy trình VietGAP đến nhà xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn GMP và ISO 22000:2018, sản phẩm trà Tâm Lan nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm) 4 sao của Tây Ninh... Sau hơn 12 năm thành lập, các sản phẩm trà Tâm Lan đã có mặt tại các tỉnh, thành cả nước và đang mở rộng xuất khẩu.

Ngoài mô hình nông nghiệp sạch của Công ty Tâm Lan, mô hình tận dụng chất thải của trang trại bò ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cũng rất ấn tượng. Chất thải từ bò được xử lý thành khí biogas phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đồng thời làm phân bón và nước tưới cho đồng cỏ là thức ăn của trang trại bò sữa Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).

Trang trại này nuôi khoảng 8.000 con bò, trung bình mỗi tháng có hơn 500 con bê ra đời; cung cấp khoảng 200 tấn thức ăn. Lượng phân bò thải ra mỗi ngày trên 50 tấn, cùng với lượng nước thải của trang trại được xử lý qua hệ thống khép kín được đầu tư tới hơn 1.200 tỉ đồng. Phân và nước thải được cung cấp cho các hầm biogas. Phân từ hầm biogas được ủ với các loại men vi sinh rồi bón cho đồng cỏ... Với hệ thống này, môi trường của trang trại được cải thiện rất nhiều.

Trang trại tuần hoàn của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan

Đóng gói trà túi lọc tại Công ty Tâm Lan

"Đi trước một bước"

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục thực hiện định hướng "khoa học - công nghệ phải đi trước một bước", nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tại Tây Ninh, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang từng bước được đầu tư. Trong đó, khoảng 35 ha rau được sản xuất trong nhà màng, nhà kính; giúp tránh các yếu tố bất lợi của thời tiết nên mẫu mã, chất lượng cao hơn so với trồng ngoài đồng ruộng. Hầu hết các nhà màng, nhà kính đã sử dụng công nghệ tự động hóa trong các khâu tưới nước, bón phân. Một số trang trại còn áp dụng công nghệ để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm.

"Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, lợi nhuận thu được khoảng 500 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn quả và 300 triệu đồng với rau ăn lá, mang lại thu nhập gấp 2-5 lần so với hình thức sản xuất truyền thống" - ông Xuân khẳng định.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, nông nghiệp sạch, thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy trình ngày càng được địa phương chú trọng. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2017-2022, Tây Ninh đã hỗ trợ trên 120 cơ sở có chứng nhận GAP với tổng diện tích trên 9.000 ha. Sản xuất hữu cơ cũng từng bước hình thành với 54 ha mì, 4 ha bí đậu được chứng nhận. Lĩnh vực chăn nuôi hiện có 73 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP...

Tây Ninh đang đẩy mạnh thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó khuyến khích áp dụng quy trình GAP trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Tây Ninh có 29 hồ sơ đăng ký áp dụng VietGAP. Tỉnh đã hỗ trợ đáp ứng yêu cầu với 23 hồ sơ về lĩnh vực trồng trọt và 6 hồ sơ về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Trong đó, 5 hồ sơ đã được hỗ trợ kinh phí 137 triệu đồng với tổng diện tích gần 15 ha.

Đầu tư mạnh cho chương trình OCOP

Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 130-140 sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 25 sản phẩm 5 sao; 70 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 85% chủ thể xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản phẩm xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP của Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 ước tính trên 140 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ huy động thêm gần 100 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động hướng đến xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-xanh-20231109211327677.htm