Thừa Thiên Huế tìm hướng phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao

Sáng 25/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về xây dựng Đề án 'Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030'.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 10 năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của Thừa Thiên Huế từng bước được cải thiện. Thừa Thiên Huế có nguồn nhân lực khá lớn; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật ngày càng được nâng lên, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành, lĩnh vực trọng tâm có bước phát triển. Nguồn nhân lực về cơ bản được sử dụng hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp dưới 5%.

Tuy nhiên mức độ cải thiện vẫn còn rất chậm. Công tác phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 chưa thực sự được chú trọng. Lao động qua đào tạo chưa chuyên nghiệp, có chất lượng còn thiếu hụt; tình trạng thất nghiệp của lao động qua đào tạo còn cao, đặc biệt là ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng. Việc gắn kết giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn UBND tỉnhThừa Thiên Huế đã giao Sở LĐ-TB&XH xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về quy mô và đáp ứng về chất lượng trên các yếu tố cơ bản là: trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực chất lượng cao trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cần một Đề án khung

Tổ tư vấn xây dựng Đề án đến từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội đề xuất hàng loạt nhóm giải pháp giúp Thừa Thiên Huế phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, quan tâm của toàn xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục đại học. Các chính sách điều chỉnh mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Tập trung cải thiện: môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng. Huy động nguồn lực, tăng cường liên kết và hợp tác để phát triển nguồn nhân lực. Phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu lao động, đẩy mạnh công tác dự báo nhân lực, giải quyết việc làm. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực.

GS.TS Lê Vinh Danh đóng góp nhiều ý kiến hay và tâm huyết giúp Thừa Thiên Huế phát triển nguồn nhân lực

GS.TS Lê Vinh Danh - Cố vấn cấp cao Trường Đại học Văn Lang cho rằng, Đề án khi được ban hành ra cần phải đi vào thực tiễn cuộc sống chứ không nên đưa ra những con số, mục tiêu và nêu lên các nội dung một cách chung chung; dự báo nhu cầu và đặt ra mục tiêu nguồn nhân lực cụ thể cho từng khu vực ngành. Mặt khác, Thừa Thiên Huế cần quan tâm đến tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc tế để hội nhập, thu hút đầu tư FDI.

Để phát triển nhân lực, GS.TS Lê Vinh Danh cho rằng, Huế nên có cơ chế hình thành, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu sáng tạo cấp tỉnh, kể cả viện tư nhân, nước ngoài để người lao động có nơi nghiên cứu, có việc làm. Huế cần có cơ chế tự chủ cho cơ sở đào tạo; cần mạnh dạn sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng lại thành 1 hệ thống, nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục đào tạo.

Phải thu hút nhân lực nước ngoài, đưa nhân lực y tế đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Phải quan tâm đến nguồn lao động ngoài khu vực công vì đây là lực lượng quan trọng, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo phải mang tính hai chiều, nhà trường phải sản xuất ra được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Với các ngành kinh tế mới, kinh tế xanh mà Thừa Thiên Huế dự kiến phát triển, GS Danh cho rằng cần phát triển song song với đào tạo nhân lực, nếu không người học chẳng biết thực hành và làm việc ở đâu sau khi ra trường.

PGS.TS Mạc Văn Tiến tham gia góp ý kiến cho Thừa Thiên Huế

PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và quản lý kinh tế thì cho rằng, Đề án cần nêu lên được vấn đề có việc làm cho người lao động trong thời đại 4.0; phải dự đoán được các ngành nghề truyền thống sẽ mất đi trong tương lai và nghề mới phát sinh, qua đó phát triển nguồn nhân lực phù hợp.

Về nhân lực chất lượng cao PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng, Thừa Thiên Huế cần làm rõ khái niệm như thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao? Tiêu chí như thế nào để xác định nguồn nhân lực chất lượng cao? Nhân lực chất lượng cao không đồng nghĩa với người có văn bằng cao.

PGS.TS Võ Kim Sơn

Trong khi đó, PGS.TS Võ Kim Sơn - Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia lại cho rằng, phát triển nguồn nhân lực không quan trọng là cao hay thấp mà chất lượng lao động phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội với tầm nhìn rõ ràng. Phát triển nguồn nhân lực cần đi đôi với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông đưa ra 3 hướng tiếp cận phát triển nguồn nhân lực mà Huế cần tập trung là: phát triển nguồn nhân lực hiện đang có (đào tạo lại); phát triển nguồn nhân lực chính bản thân tổ chức, doanh nghiệp cần bổ sung, tìm kiếm; phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đến tại các trường đại học, các cơ quan chuyên môn đều đề xuất, nên xây dựng một “Đề án khung” để từ đó từng ngành, lĩnh vực sẽ có các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp. Đề án cũng cần tập trung cho 4 lĩnh vực trụ cột của Thừa Thiên Huế, gồm: giáo dục, y tế, văn hóa - du lịch và khoa học công nghệ, đồng thời phải dự báo được đầu ra cho nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt mục tiêu đó thì phát triển nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng. Do đó, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” phải rộng, mang tầm bao quát, tổng hòa chung và được đánh giá một cách toàn diện nhất trên mọi góc cạnh.

Ông Bình yêu cầu Ngành LĐ-TB&XH ghi nhận các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, phối hợp chặt chẽ với tổ tư vấn để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án. Đề án phải dự báo một cách khoa học và đánh giá được bức tranh tổng thể thực trạng của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay và trong tương lai. Đề án cũng cần làm rõ 2 nội hàm: nguồn lao động phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần xây dựng một danh mục các công việc triển khai để làm cơ sở tính toán nguồn lực thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các sở ngành liên quan, các địa phương cần tham gia tích cực vào quá trình xây dựng để có 1 đề án khung hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/thua-thien-hue-tim-huong-phat-trien-nguon-nhan-luc-nhan-luc-chat-luong-cao-20220425155702.htm