Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khánh Hòa nơi của những tinh hoa hội tụ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét giai đoạn phát triển mới mở ra cho Khánh Hòa vận hội lớn để bứt phá và là nơi của những tinh hoa hội tụ.

Tối 1-4, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023), 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 – 2-4-2023) với chủ đề “Xứ Trầm tỏa hương”.

Khánh Hòa đang có vận hội lớn để bứt phá

Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng đến các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các lãnh đạo qua các thời kỳ cùng toàn thể Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: PHÚC HIẾU

Theo Thủ tướng, trong tiến trình cha ông ta khai sơn, phá thạch, mở đất, mở nước, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính ở vùng đất này vào năm 1653 được coi là mốc thời gian mở đầu cho sự xây dựng phát triển của Khánh Hòa ngày nay.

Khánh Hòa - vùng đất của “xứ Trầm, biển Yến”, nơi các thế hệ cư dân bằng lao động cần cù, tài hoa, khéo léo, sáng tạo, đã tạo ra các công trình đền, chùa, tháp, miếu... với kiến trúc và nghệ thuật độc đáo. Con người đây hiền hòa, thân thiện, thuần hậu, phóng khoáng, trọng nghĩa, trọng tình, luôn thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, giai đoạn phát triển mới mở ra tương lai xán lạn với vận hội lớn để Khánh Hòa bứt phá với tầm nhìn trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống ấm hạnh phúc.

Tỉnh cũng sẽ là một hình mẫu về kinh tế phát triển xanh, sinh thái và đa lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế biển, dịch vụ, logistics chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là các loại hình du lịch đẳng cấp cao.

Theo Thủ tướng, những thành tựu Khánh Hòa đạt được không chỉ là ý chí, quyết tâm mà còn là tầm nhìn được kết tinh từ truyền thống lịch sử 370 năm. Và từ nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội vững chắc cùng từ lợi thế có bao la biển rộng, vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh nổi tiếng, những bãi biển cát trắng với nắng chan hòa và sóng gió đại dương, rừng xanh với nhiều sắc hoa và hương Trầm.

Đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tiềm năng và lợi thế về biển

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có nhưng để hiện thực hóa được khát vọng phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Khánh Hòa thực hiện năm vấn đề.

Khánh Hòa tổ chức Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: H.H

Trước hết, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Khánh Hòa cần tiếp tục gìn giữ, vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Thứ hai, tỉnh cần tinh gọn bộ máy chính quyền hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của người đứng đầu. Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh

Thứ ba, tỉnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, sinh thái và sáng tạo. Tập trung xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng với tầm nhìn chiến lược.

Chương trình nghệ thuật 370 xây dựng và phát triển Khánh Hòa. Ảnh: H.H

Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội và quyết liệt hơn nữa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả. Nhất là các dự án hạ tầng chiến lược để Khánh Hòa trở thành một động lực phát triển quan trọng của vùng, của đất nước, một điểm kết nối với khu vực và thế giới.

Tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với giữ gìn, phát triển và phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, con người tỉnh Khánh Hòa.

“Cách đây hơn 100 năm, Nhà bác học, bác sĩ Alexandre Yersin đã viết thư cho người bạn về vùng đất này, rằng: “Hãy đến đây với tôi, bạn sẽ thấy nơi này thú vị thế nào!”. Câu nói ngắn gọn, chân thành ấy gợi mở cho chúng ta phát triển Khánh Hòa trở thành nơi của tinh hoa hội tụ”- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.

Thứ tư, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh phát triển kinh tế - xã hội lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là mục tiêu, động lực vừa là người được hưởng lợi từ thành quả phát triển. Thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng phát triển, cùng tiến bộ, nhất là hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Hơn 10.000 người dân, du khách xem chương trình nghệ thuật lễ kỷ niệm tại Quảng trường 2-4. Ảnh: H.H

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa với vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh do đó phát triển kinh tế - xã hội cần đặt trong sự bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện để tạo bứt phá mới.

Năm Quý Tỵ 1653, Cai cơ Hùng Lộc hầu vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành công cuộc mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang và lập nên dinh Thái Khang với hai phủ trực thuộc là Thái Khang và Diên Ninh.

Khánh Hòa sau 370 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: H.H

Sau đó, vùng đất này được đổi tên thành dinh Bình Khang, dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa. Vào năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa và địa danh này tồn tại đến ngày nay.

Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị di sản độc đáo như đàn đá Khánh Sơn, Tháp bà Ponagar, Bia Võ Cạnh, Thành cổ Diên Khánh… Vùng đất này là nơi nuôi dưỡng những người con thuần hậu, hiền hòa, thân thiện, bao dung. Đây cũng là nơi nhà bác học vĩ đại Alexandre Yersin chọn làm quê hương thứ hai để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu khoa học cho thế giới.

Sau năm 1975, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Phú Khánh (giai đoạn 1975 - 1989) và tỉnh Khánh Hòa sau này luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều thành tích quan trọng.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế. Văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Công tác dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt.

Năm 2022, kinh tế của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, GRDP tăng 20,7%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khanh-hoa-noi-cua-nhung-tinh-hoa-hoi-tu-post726778.html