Thời khắc chuyển giao lịch sử ở Singapore

Lần đầu tiên trong 20 năm qua, Singapore chứng kiến sự kiện chuyển giao vị trí lãnh đạo sang Thủ tướng thế hệ thứ tư (4G).

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (ngoài cùng bên trái) và người tiền nhiệm Lý Hiển Long tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 15/5. (Nguồn: AFP)

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (ngoài cùng bên trái) và người tiền nhiệm Lý Hiển Long tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 15/5. (Nguồn: AFP)

Kế thừa di sản lớn của một nhà lãnh đạo vang danh như Lý Hiển Long, người kế nhiệm Lawrence Wong nhiều khả năng sẽ duy trì các chính sách hiện nay của người tiền nhiệm.

Kế hoạch đã định

Ngày 15/5, Thủ tướng thứ ba (3G) của Singapore Lý Hiển Long chuyển giao chức vụ của mình cho người kế nhiệm Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài), chính trị gia 51 tuổi, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm của Singapore. Trước đó, vào tháng Tư năm nay, ông Wong tiết lộ sẽ không có thay đổi lớn trong nội các khi ông lên nắm quyền. Về phần ông Lý Hiển Long, ông sẽ tiếp tục làm việc trong nội các Singapore với tư cách là Bộ trưởng cấp cao.

Thực chất, việc chuyển giao lãnh đạo này đã được đẩy nhanh hơn sáu tháng do với dự kiến ban đầu. Ông Lý Hiển Long vốn có kế hoạch bàn giao lại vị trí Thủ tướng cho người kế nhiệm trước ngày 21/11 năm nay nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Hành động nhân dân (PAP) – đảng cầm quyền lâu năm của Singapore. Đây được xem là điều chỉnh nhỏ trong kế hoạch tổng thể lớn hơn của ông Lý Hiển Long nhằm tìm kiếm nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư của PAP.

Trên thực tế, kế hoạch đó được định hình từ năm 2016, nhưng do một số trục trặc nên đã bị trì hoãn đến năm 2024. Dự định của ông Lý Hiển Long là rút khỏi cương vị lãnh đạo Singapore vào năm 2022 trước khi ông bước sang tuổi 70. Tuy nhiên, sự bùng phát nhanh chóng của đại dịch Covid-19 và kết quả được xem là tệ nhất từ trước đến nay của PAP trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 đã khiến tiến trình chuyển giao này gặp nhiều “sóng gió”.

Người được chọn kế nhiệm ban đầu vốn là Phó Thủ tướng thời điểm đó - ông Heng Swee Keat. Tuy nhiên, việc đảng PAP để mất một số ghế trong Quốc hội, thể hiện sự ủng hộ suy giảm đã khép lại hy vọng trở thành nhà lãnh đạo 4G của ông Heng - khi đó đã 60 tuổi. Mặc dù PAP vẫn giữ được đa số áp đảo trong Quốc hội với 83/93 ghế, kết quả này vẫn được xem là không quá tích cực và ông Lý Hiển Long buộc phải tìm người kế nhiệm khác thay thế.

Cuối cùng, vào tháng 4/2022, ông Lawrence Wong đã được “chọn mặt gửi vàng”, chính thức được công nhận là thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore và được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng của nước này chỉ một thời gian ngắn sau đó. Với bối cảnh như vậy, có thể nói lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 15/5 không chỉ là sự kiện chính thức hóa việc bổ nhiệm sau hai năm ông Wong được công nhận là người kế nhiệm mà còn đánh dấu việc kết thúc quá trình tìm kiếm lãnh đạo thay thế ông Lý Hiển Long đã kéo dài gần một thập kỷ qua.

Di sản hai thập kỷ

Nhậm chức từ năm 2004, ông Lý Hiển Long chịu sức ép lớn khi là con trai cả của Thủ tướng lập quốc của nước Singapore hiện đại - ông Lý Quang Diệu. Mặc dù vậy, ông đã không phụ sự kỳ vọng của nhân dân Singapore khi có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước. Trải qua 20 năm cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long (2004-2024), Singapore đang ngày càng thịnh vượng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 228 tỷ SGD lên 532 tỷ SGD.

Ông Lý cũng là người tích cực thúc đẩy chống tham nhũng và bảo đảm bình đẳng xã hội. Nội các Singapore dưới thời ông Lý Hiển Long tiến hành nhiều động thái mạnh mẽ chống tham nhũng, cung cấp mạng lưới an sinh xã hội toàn diện hơn, thu hẹp khoảng cách thu nhập và cố gắng bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo và giới tính ở Singapore. Thủ tướng thứ ba của Singapore ưu tiên các khoản đầu tư lớn của chính phủ dành cho các lĩnh vực cấp thiết như giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.

Một di sản đáng chú ý khác của ông là nỗ lực đẩy nhanh quá trình số hóa ở Singapore với chương trình nghị sự “Quốc gia thông minh” (smart nation). Nhờ những cố gắng đó, Singapore ngày nay đã trở thành một trong những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất trên thế giới, từ đó giúp nước này thu hút nhân tài và các dòng vốn đầu tư chảy vào từ nước ngoài. Ông Lý Hiển Long cũng thúc đẩy việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tiên tiến vì tương lai lâu dài của Singapore, tiêu biểu có dự án “siêu cảng” Tuas – được xem như “siêu công trình” tự động lớn nhất thế giới.

Về chính sách đối ngoại, ông Lý duy trì cách tiếp cận kết hợp giữa ngoại giao khéo léo và can dự có tính chất xây dựng. Hướng đi này giúp Singapore nâng tầm vị thế toàn cầu của mình trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ đối tác với đa dạng các nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, ông Lý Hiển Long chú trọng việc đạt được các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), nhờ đó đưa tổng số FTA của Singapore tăng lên nhanh chóng từ con số năm hiệp định năm 2004 lên tới 27 ở thời điểm hiện tại.

Nhà lãnh đạo 3G của Singapore cũng là người ủng hộ lâu năm đối với các chương trình phát triển bền vững và các hành động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông Lý Hiển Long nhiều lần bày tỏ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các nước trong khu vực; đồng thời coi trọng việc bảo đảm vai trò trung tâm, thống nhất và hội nhập kinh tế lớn hơn của ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2018, Singapore đã chứng minh năng lực của mình, giúp các bên đang có tranh chấp tìm ra mẫu số chung và đối thoại với nhau.

Nhờ vai trò của Singapore, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy đối thoại liên quan đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), ấn định một dự thảo đàm phán đơn nhất và đưa ra khung thời gian ba năm đàm phán cho các bên yêu sách. Cũng trong năm 2018, Singapore đã trở thành nước chủ nhà Đông Nam Á đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Sự kiện này để lại dấu ấn lớn, thể hiện đóng góp tích cực của Singapore cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và thể chế không phổ biến hạt nhân của thế giới.

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, quan hệ Việt Nam-Singapore gặt hái thành tựu phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Chuyến thăm mở ra giai đoạn mới cho hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước. Về hợp tác đa phương, hai nước phối hợp tốt trong ASEAN và các diễn đàn đa phương quan trọng khác như Liên hợp quốc, ASEM, WTO; đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy toàn diện và sâu sắc các nội dung của hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà cả hai nước đang là thành viên.

Kỳ vọng vào thế hệ mới

Trong thời gian tới, ông Wong được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Singapore hướng đến một tương lai tươi sáng hơn và kế thừa di sản 20 năm đồ sộ của người tiền nhiệm Lý Hiển Long, người đã đưa Singapore vượt qua các thời kỳ khó khăn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19. Các thành tựu xuất sắc này đã và đang là áp lực lớn cho ông Lawrence Wong và đội ngũ 4G. Tương tự như ba Thủ tướng trước của Singapore, ông Wong nhiều khả năng sẽ cầm quyền trong một thời gian tương đối dài, ít nhất một thập kỷ.

Với bối cảnh an ninh khu vực đang ở trong thời kỳ đầy biến động và phức tạp, giới quan sát dự đoán rằng, thời gian đầu hay ít nhất là nửa cuối năm còn lại của 2024, ưu tiên của ông Lawrence Wong sẽ là chứng minh năng lực lãnh đạo của mình và giành được niềm tin của người dân.

Với việc nội các Singapore sẽ không có các thay đổi lớn, ông Lý Hiển Long vẫn hỗ trợ cho bộ máy 4G với tư cách một bộ trưởng cấp cao, chính sách của Singapore dưới thời Thủ tướng Lawrence Wong nhiều khả năng tiếp tục các chiều hướng như hiện nay và không có những thay đổi căn bản trong tương lai gần.

ThS. Lê Như Mai

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoi-khac-chuyen-giao-lich-su-o-singapore-271489.html