Thu hồi đất GPMB dự án Vành đai 4: Không ai bị bỏ lại phía sau

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Hoài Đức) dài khoảng 17,1km đi qua 12 xã gồm Đức Thượng, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Với những người dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”. Để thực hiện lời hứa đó, đến nay huyện Hoài Đức đang triển khai 2 dự án tái định cư (một tại xã Đông La) diện tích 11.278m2 và 1 (tại xã Đức Thượng) diện tích 3.019m2.

Giám đốc Trung tâm PTQĐ huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng thông tin: Đến nay các bước triển khai thi công dự án đang tích cực được hoàn thành để tiến hành khởi công 2 dự án nói trên trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường tại hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong GPMB dự án Vành đai 4, chiều 1/8

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hoài Đức Bùi Thu Hương cho biết, qua điều tra, số lao động thuộc diện thu hồi đất GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 4)- Vùng Thủ đô có nhu cầu đào tạo nghề là 1034 người. Các nghề được lựa chọn nhiều là sửa chữa điện thoại di động (61 người), thiết kế tạo mẫu tóc (96 người), điện dân dụng (92 người), lái xe ô tô 184, chế biến rau quả 109… Số có nhu cầu tìm kiếm việc làm là 688, xuất khẩu lao động là 70. Hiện địa phương đã tập hợp danh sách và khi có hướng dẫn từ ngành LĐTB&XH TP sẽ tổ chức dạy nghề cho các đối tượng có nhu cầu.

Khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường Vành đai 4, tại xã Đông La

Khi được hỏi sẽ sử dụng số tiền bồi thường khi thu hồi đất vào mục đích gì; ông Nguyễn Quang Luyến (thôn Chiền, xã Đức Thượng) nói: “Chúng tôi sẽ dùng vào việc tái sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đều gửi luôn vào ngân hàng vì chưa xác định được hướng sản xuất kinh doanh…”.

Chủ tịch UBND xã Đức Thượng Nguyễn Văn Thuấn thông tin: Thực hiện dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, xã có 24,52ha đất phải thu hồi, trong đó có 12,45ha đất nông nghiệp của 527 hộ và 0,12ha đất có nhà ở của 21 hộ dân. Đa số các hộ dân sau khi nhận đền bù đều sử dụng tiền vào mục đích phát triển kinh tế hộ. Không có hiện tượng sử dụng tiền bồi thường vào mục đích mua sắm, ăn chơi…

Chi trả bồi thường GPMB dự án đường Vành đai 4 cho người dân xã Đức Thượng (ảnh tư liệu)

Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay việc GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn Hoài Đức đạt 87,3%. Đã có 7/12 xã cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Cụ thể, huyện đã kê khai, kiểm đếm 224 ha của 6.054 hộ và đất công. Niêm yết dự thảo phương án đền bù 216,1 ha của 5.897 hộ và đất công, số tiền 1.724,0 tỷ đồng. Phê duyệt và thu hồi đất được 209,9 ha của 5.868 hộ và đất công, số tiền 1.723,2 tỷ đồng…

Như vậy cho đến nay các cấp chính quyền ở huyện Hoài Đức đã và đang thực hiện lời hứa “không để ai bị bỏ lại phía sau” – khi từng bước lo chỗ ở và đào tạo nghề khi người dân có nhu cầu.

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-hoi-dat-gpmb-du-an-vanh-dai-4-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau.html