Thông điệp quốc gia Philippines: Đậm đối nội, nhạt đối ngoại

Thông điệp quốc gia của Philippines thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh vào các vấn đề đối nội, trong khi tỏ ra thận trọng hơn về đối ngoại.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trình bày Thông điệp quốc gia 2023. (Nguồn: Rappler)

Chiều ngày 24/7 tại Tòa nhà Hạ viện Philippines ở thủ đô Manila, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đọc Thông điệp quốc gia (SONA) thứ hai trong nhiệm kỳ. Nếu như phát biểu năm ngoái là cơ hội để ông truyền tải tầm nhìn của mình, Thông điệp quốc gia năm nay đề cập về tiến độ thực hiện các mục tiêu đó.

Một điểm nhấn khác đến từ sự hiện diện của các chính trị gia nhà Duterte. Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã không góp mặt tại buổi lễ ông từng sáu lần phát biểu do cần nghỉ ngơi sau chuyến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, con gái ông, Phó Tổng thống Sara Duterte, vẫn thu hút sự chú ý với chiếc váy truyền thống rực rỡ Maguindanaon, tri ân đối với bộ tộc Moro ở tỉnh Mindanao, vùng Trung Nam đất nước.

Đối nội là trọng tâm

Về thời lượng và cấu trúc, thời lượng trung bình dành cho SONA của ông Marcos Jr. chỉ là 65 phút, ngắn hơn hẳn người tiền nhiệm (104 phút). Bản SONA năm 2022 của ông Rodrigo Duterte có độ dài lên tới 14.000 chữ, trong khi bản SONA mới nhất của Tổng thống đương nhiệm chỉ là 8.000 chữ. Sự khác biệt này là có thể hiểu được: Trong khi ông Ferdinand Marcos Jr. thường bám sát kịch bản đã chuẩn bị sẵn, người tiền nhiệm Rodrigo Duterte lại có xu hướng phát biểu một cách tự do hơn.

Về nội dung, với khán giả chủ yếu là các nghị sĩ Quốc hội cùng người dân trong nước, không khó để hiểu tại sao các bản SONA lại dành phần lớn thời lượng để đề cập các vấn đề đối nội quan trọng với Philippines. Dưới thời ông Duterte, các vấn đề nổi cộm thường xuất hiện trong SONA là chiến dịch chống ma túy, phản bác các cáo buộc vi phạm quyền con người, quan điểm về án tử hình, luật sử dụng đất công, người Philippines lao động ở nước ngoài, cải cách thuế và cơ sở hạ tầng.

Đáng chú ý, trong hai bản SONA dưới thời ông Marcos Jr., mới đây nhất là phiên bản ngày 24/7, các vấn đề này vẫn xuất hiện, song với một cách tiếp cận mới. Đặc biệt, không khó để thấy kinh tế là trọng tâm trong bản SONA năm nay. Theo đó, ông Marcos Jr. nhận định trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang “xám màu”, Philippines vẫn tăng trưởng 7,6%, kỷ lục trong 46 năm qua. Đồng thời, chính quyền Manila chuẩn bị để đối phó tác động từ tình trạng El Nino tới nền nông nghiệp của quốc gia Đông Nam Á.

Trên lĩnh vực biến đổi khí hậu, nếu ông Duterte coi đây là “ưu tiên hàng đầu”, Tổng thống Marcos Jr. cũng dành không ít thời lượng cho vấn đề này. Ông khẳng định Manila đang thúc đẩy ngành năng lượng và nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, với mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 35% năm 2030 và 50% năm 2040.

Ngoài ra, khác với người tiền nhiệm, ông Marcos Jr. khẳng định bên cạnh các nỗ lực trấn áp tổ chức buôn ma túy, chính phủ tập trung hơn vào quá trình điều trị và cải tạo, giúp các tù nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Các vấn đề như cải cách thuế, nền kinh tế số, người Philippines xuất khẩu lao động cũng được Tổng thống đương nhiệm nhắc đến trong phát biểu của mình.

“Bất chấp khó khăn, chúng ta đang thay đổi toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta đã ổn định giá cả của các mặt hàng trọng yếu”. (Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.)

Khác biệt về đối ngoại

Tuy nhiên, khía cạnh đối ngoại là nơi cho thấy khác biệt đáng kể nhất giữa hai nhà lãnh đạo này. Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Marcos Jr. tỏ ra thận trọng hơn trong đề cập về đối ngoại tại SONA.

Cụ thể, dưới thời ông Duterte, từ khóa “Trung Quốc” và “Biển Đông” xuất hiện một cách đều đặn trong các bản SONA. Tuy nhiên, hai từ khóa này hầu như không xuất hiện trong hai bản SONA dưới thời Tổng thống Marcos Jr. Thay vào đó, ông tập trung vào hợp tác song phương và đa phương thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo đó, chính quyền Manila “sẵn sàng theo đuổi đối thoại liên tục và cách tiếp cận ngoại giao để tìm kiếm giải pháp với các vấn đề phát sinh”. Tuy nhiên, Philippines sẽ “bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Không khó để thấy đây là nỗ lực của chính quyền ông Marcos Jr. trong duy trì chính sách đối ngoại cân bằng hơn so với người tiền nhiệm: Một mặt, nước này duy trì và củng cố mối quan hệ với Mỹ, đồng minh an ninh quan trọng bậc nhất. Mặt khác, Manila tiếp tục duy trì quan hệ với Bắc Kinh, đối tác chính trị, thương mại và kinh tế hàng đầu tại khu vực. Chuyến thăm của ông Marcos Jr. tới Trung Quốc (tháng 1/2023) và Mỹ (tháng 4/2023) là một phần trong nỗ lực cân bằng đó.

Sau hơn một năm cầm quyền, chính quyền ông Ferdinand Marcos Jr. đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhất là về kinh tế. Tuy nhiên, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng đó, củng cố và duy trì vị thế đất nước trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản với Manila thời gian tới.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-quoc-gia-philippines-dam-doi-noi-nhat-doi-ngoai-235857.html