Thị trường chứng khoán kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng từ lợi nhuận kinh doanh quý III/2023

Theo các chuyên gia của SSI, tháng 10/2023 là mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết, được coi như một yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư nhận thấy tín hiệu phục hồi từ các cổ phiếu doanh nghiệp mình quan tâm hoặc nắm giữ.

Khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư trong nước “gom hàng”

Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 9/2023 trải qua một tháng điều chỉnh mạnh, chỉ sau mức giảm ở tháng 2 đầu năm.

Ở nửa đầu tháng, thị trường vẫn tích cực khi dòng tiền luân chuyển đến các nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và đà tăng của tỷ giá ở các ngành như: xuất khẩu, công nghệ thông tin, hóa chất.

Sự thay đổi về giá của các nhóm ngành qua từng giai đoạn. Ảnh: SSI Research.

Trong 2 tuần cuối tháng, áp lực bán gia tăng mạnh hơn do tác động từ VIC (-24,5%), cùng với việc phát hành tín phiếu hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước tác động mạnh nhất lên các nhóm bất động sản (-15,3%), hàng tiêu dùng thiết yếu (-5,7%), công nghiệp (-5,2%), tài chính (-4,6%).

Điểm sáng trong tháng thuộc về nhóm năng lượng (+5%) nhờ cộng hưởng từ đà tăng mạnh của giá dầu thế giới và các thông tin tích cực liên quan đến tiến độ khởi công đại dự án lô B - Ô Môn.

Sau nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9, trừ nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng, nhiều nhóm ngành vẫn đang ghi nhận tăng trưởng vượt trội trong 9 tháng đầu năm như vật liệu (+42,8%), công nghệ thông tin (+39,3%), năng lượng (+32,5%), công nghiệp (+25,7%) và tài chính (+24,9%).

Ngoài ra, năng lượng là nhóm được đẩy mạnh giao dịch sôi động nhất, với giá trị giao dịch trung bình tăng vượt trội 36% so với tháng trước. Các nhóm tài chính, công nghiệp, vật liệu và công nghệ thông tin cũng là các nhóm có thanh khoản tăng trưởng cao hơn thị trường chung trong tháng vừa qua.

Động lực chính cho sự cải thiện thanh khoản vẫn đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy dòng tiền tham gia từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Với nhịp điều chỉnh của thị trường, số tài khoản mở mới tháng 9 do VSD công bố cho thấy sự chững lại khi giảm 8% so với tháng trước, đạt 173 nghìn tài khoản. Tuy nhiên, xu hướng chính trong quý II và quý III là số lượng tài khoản mở mới tháng sau cao hơn tháng trước.

Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng 4,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 9 với quy mô lớn nhất kể từ năm 2022. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE vẫn khá thấp, ở mức 7,2% trong tháng 9 và 8,6% trong 9 tháng đầu năm. Dẫn đầu giá trị mua ròng trong tháng là VPB (+693 tỷ đồng), VNM (+636 tỷ đồng), PDR (+445 tỷ đồng).

Tính chung 9 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 7,9 nghìn tỷ đồng trên HOSE, trong đó 5,6 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Các mã có giá trị bán ròng cao nhất chủ yếu vốn hóa tầm trung như hóa chất (DCM - 150 tỷ đồng, DPM -243 tỷ đồng, DGC -396 tỷ đồng), bất động sản (DXG -449 tỷ đồng, NLG - 160 tỷ đồng), KDC (-326 tỷ đồng), DGW (-181 tỷ đồng).

Ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất ở HPG (-1,6 nghìn tỷ đồng), STB (-841 tỷ đồng), VIC (-819 tỷ đồng).

Trong khi đó, chiều mua ròng ghi nhận giá trị cao nhất ở các nhóm vật liệu (HPG 2,2 nghìn tỷ đồng, HSG 893 tỷ đồng), nhóm chứng khoán (SSI 756 tỷ đồng, VCI 593 tỷ đồng, HCM 415 tỷ đồng).

Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đang đóng vai trò nòng cốt nâng đỡ thị trường trước áp lực bán của khối ngoại với tổng quy mô mua ròng lên đến 7,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 9, cao nhất kể từ đầu năm. Trong đó, nhóm bất động sản (+3,2 nghìn tỷ đồng), vật liệu (+1,5 nghìn tỷ đồng), tài chính (+1,4 nghìn tỷ đồng) được khối cá nhân trong nước mua vào nhiều nhất.

Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục ủng hộ kênh chứng khoán. Ảnh : SSI Research.

Niềm tin phục hồi vào mùa cao điểm

Các chuyên gia từ SSI cho rằng, trong khoảng thời gian tháng 10, biến động của tỷ giá, áp lực của lạm phát và đà phục hồi chậm lại của nền kinh tế là những rủi ro với thị trường chứng khoán chưa thể loại trừ, nhưng tiềm năng tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong trung và dài hạn.

Cụ thể, P/E ước tính cho năm 2023 đang ở mức 11,3 lần, đã giảm 10% so với mức 12,3 lần thiết lập tại đỉnh ngắn hạn của VNIndex. Mức định giá này thấp hơn đáng kể mức 14 lần của trung bình 5 năm và chỉ bị xuyên phá khi thị trường diễn ra các sự kiện “thiên nga đen” như Covid-19 (đầu năm 2020) và đợt bùng nổ rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (quý II và quý III năm 2022).

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán. Trong đó, chênh lệch giữa lợi suất đầu tư qua kênh chứng khoán và kênh lãi suất tiền gửi được mở rộng sẽ giúp duy trì dòng tiền và ủng hộ cho sự đi lên của thị trường chứng khoán.

Dù có độ trễ so với lãi suất tiền gửi, xu hướng giảm của lãi suất cho vay cũng sẽ dần được xác lập, đi kèm với Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sẽ tiếp tục tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế và tạo bệ đỡ tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Hơn nữa, khi dư địa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều, sự quan tâm của thị trường có thể chuyển sang chính sách tài khóa với động lực tăng trưởng đến từ đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng từ Chính phủ tiếp tục được kỳ vọng.

Một yếu tố khách quan khác, theo chu kỳ khi bước sang tháng 10 là mùa cao điểm công bố kết quả quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là một mùa báo cáo thu hút nhiều sự quan tâm bởi đây là quý bản lề, thị trường có thể đánh giá tốc độ hồi phục của lợi nhuận trong bối cảnh GDP quý III phục hồi yếu.

“Mặc dù sẽ có sự phân hóa nhưng vẫn có sự kỳ vọng tốc độ suy giảm của lợi nhuận sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý III/2023 và lấy lại tăng trưởng từ quý IV/2023 khi áp lực nền so sánh cao giảm rõ rệt nếu nhìn vào mức tăng trưởng âm 33,5% ở quý IV/2022” - các chuyên gia từ SSI đặt niềm tin.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-ky-vong-lay-lai-da-tang-truong-tu-loi-nhuan-kinh-doanh-quy-iii2023-137450.html