Mùa nào thức nấy: Cổ phiếu ngành nào 'sáng cửa' giai đoạn này?

Ngay cả khi tin rằng sự phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết là động lực chính thúc đẩy đà tăng của TTCK ở thời điểm hiện tại, thì việc lựa chọn nhóm ngành để đầu tư cũng rất quan trọng, bởi sự phục hồi là khác nhau giữa các nhóm ngành.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quãng thời gian hồi phục khá nhanh chóng sau khi những lo ngại về tỷ giá, lãi suất, lạm phát, chính trị… dần hạ nhiệt, nhường chỗ cho kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế (xem thêm: Chứng khoán vào ‘mùa hoa bằng lăng’?) cũng như các thông tin hỗ trợ khác như bộ ba luật mới về bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai) được đề nghị có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vận hành hệ thống KRX, thêm các bước tiến nâng hạng…

Mặc dù những áp lực cũ chưa mất đi nhưng nhà đầu tư có thể đặt kỳ vọng vào đà tăng của thị trường trong một vài tháng tới. Nhìn xa hơn, nếu bỏ qua các nhịp điều chỉnh mạnh có thể xảy ra, xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi câu chuyện phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, sự phục hồi là khác nhau giữa các nhóm ngành, các nhóm ngành chứng kiến sự phục hồi càng rõ nét thì càng thuận lợi hơn cho diễn biến giá cổ phiếu thuộc nhóm ngành đó.

Mùa nào thức nấy, việc lựa chọn nhóm ngành để đầu tư cần phù hợp với từng giai đoạn của thị trường

Mùa nào thức nấy, việc lựa chọn nhóm ngành để đầu tư cần phù hợp với từng giai đoạn của thị trường

Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, nhóm nghiên cứu StockLine nhận định rằng đã có nhiều ngành hồi phục khá sớm từ đầu năm 2023, có thể kể tới Chứng khoán, Công nghệ thông tin, Tài nguyên cơ bản. Theo sau, một số ngành có sự cải thiện rõ nét gồm Thực phẩm - Đồ uống, Công nghiệp, Xây dựng Vật liệu. Đặc biệt, nếu xét trên các chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ để thấy sự đột biến, Bán lẻ và Du lịch, Hàng Không là các nhóm nổi bật nhất.

Tựu trung, các nhóm ngành được StockLine “đặt cược” vào câu chuyện phục hồi có thể kể đến: Thép, Bán lẻ, Hàng không, Chăn nuôi, Dệt may và Thực phẩm - Đồ uống.

Đầu tiên là ngành thép. Theo nhóm nghiên cứu này, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thép hầu như đều đã tạo đáy và hồi phục sớm, một phần lý do đến từ giai đoạn tích cực giải quyết hàng tồn kho giá cao trước đó, tạo ra nền lợi nhuận thấp trong cuối năm 2022. Tuy vậy, vùng định giá của hầu hết các cổ phiếu thép đang phản ánh sớm tiến trình hồi phục trong tương lai, nói cách khác, nhóm ngành này đang không quá hấp dẫn về định giá.

Dù vậy, theo StockLine, ngành thép đang trên con đường hồi phục với nhiều kỳ vọng mới. Cụ thể, đây là ngành hồi phục sớm so với mặt bằng chung, 2024 sẽ là năm bản lề cho bước chuyển sang pha tăng trưởng trở lại. HPG và NKG có các kế hoạch mới về mở rộng quy mô (Hòa Phát Dung Quất, Nam Kim Phú Mỹ) và cả kế hoạch nâng vốn (NKG), đón đầu cho chu kỳ thuận lợi mới của ngành.

Bên cạnh đó, những thông tin chống bán phá giá cũng tiềm ẩn khả năng tạo sức bật cho ngành. Từ cuối năm 2023, các doanh nghiệp tôn mạ đã đề xuất gia hạn thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ của Trung Quốc và Hàn Quốc (đã có hiệu lực 5 năm từ 2019 và hết hạn vào tháng 9/2024). Đầu năm 2024, đến lượt HPG và Formosa đề xuất phòng vệ thương mại đối với thép cuộn cán nóng HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thép hầu như đều đã tạo đáy và hồi phục sớm. Nguồn đồ thị: StockLine

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thép hầu như đều đã tạo đáy và hồi phục sớm. Nguồn đồ thị: StockLine

Đối với ngành bán lẻ, đây là ngành hồi phục chậm hơn so với kỳ vọng khi quý I/2024 mới chứng kiến sự cải thiện rõ rệt đầu tiên của các doanh nghiệp trong ngành. Theo StockLine, có 3 nền tảng chính cho sự hồi phục chung của các doanh nghiệp niêm yết trong quý vừa qua, đó là: Sự hồi phục của các ngành hàng nhạy cảm với tính chu kỳ của thu nhập toàn xã hội, như điện máy, điện thoại; sự cải thiện, tăng trưởng tốt của các ngành hàng “tương lai” như Dược phẩm (Long Châu – FRT), Bách hóa (Bách hóa Xanh – MWG); các chiến lược ngắn hạn như cắt giảm chi phí các cửa hàng thiếu hiệu quả, hoặc thay đổi chiến lược bán hàng, marketing phù hợp điều kiện khó khăn chung của thị trường (MWG, PNJ).

Nhìn vào từng cổ phiếu, nhóm nghiên cứu cho rằng hiện chưa có điểm mua với giá phải chăng đối với cổ phiếu FRT. Trong khi đó, với MWG, nhà đầu tư cần chờ đợi điểm mua trung và dài hạn trong thời gian tới, có thể là từ thời điểm giảm lại của giá cổ phiếu, hoặc từ động thái bắt đầu gia tăng cửa hàng trở lại. Đối với PNJ, cổ phiếu này thích hợp cho việc mua và nắm giữ nhưng với kỳ vọng sức bật thấp hơn hai cổ phiếu ở trên.

Hàng không cũng là ngành cần lưu tâm khi đón sóng phục hồi. Nhóm ACV, HVN, VJC và AST ghi nhận lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng mạnh mẽ, một phần đóng góp từ khoản thu nhập đột biến từ HVN (do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines), và lượng khách quốc tế tăng mạnh mẽ từ ACV. Nhìn chung nhóm ngành này có sự cải thiện rõ rệt ở hoạt động kinh doanh cốt lõi với mức tăng trưởng doanh thu thuần 25% và tăng trưởng lợi nhuận gộp 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi kinh tế chung sau đại dịch thúc đẩy nhu cầu đi lại tăng cao đang là động lực tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp hàng không trong năm 2024. StockLine đánh giá cao cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu như ACV, AST, HVN.

Ở ngành chăn nuôi, DBC và BAF chứng kiến sự hồi phục tốt về lợi nhuận trong quý I/2024 nhờ giá lợn hơi tạo đáy trong quý IV/2023 và tiếp tục đi lên trong quý vừa qua. StockLine dự báo xu hướng tích cực sẽ duy trì ít nhất trong quý II do nguồn cung bị hạn chế bởi người dân e ngại tái đàn sau một thời gian dài giá lợn liên tục duy trì ở mức thấp. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ nên đầu cơ tỷ trọng thấp với các cổ phiếu ngành này.

Dệt may cũng là nhóm đang nhen nhóm tín hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp thuộc phân khúc trung nguồn bao gồm MSH, TNG, TCM ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý I/2024 so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu tăng trưởng lần lượt 21%, 1,4% và 7%, lợi nhuận gộp tăng lần lượt 27%, 6%, và 16%. Ngược lại, doanh nghiệp thượng nguồn như STK ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi với doanh thu giảm 8% nhưng lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ với mức tăng trưởng 81% nhờ giá hạt nhựa POY và PET (nguyên liệu đầu vào sản xuất) giảm đáng kể và doanh nghiệp duy trì chiến lược tập trung tối đa hóa lợi nhuận thay vì giảm giá thành để lấy đơn hàng. Tính chung toàn ngành, doanh thu thuần ghi nhận tăng trưởng 14% và biên lợi nhuận gộp tăng 8%. Các cổ phiếu như MSH, TNG, STK có thể vào danh mục chờ mua, theo quan điểm của StockLine.

Đối với ngành Thực phẩm - Đồ uống, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới chưa có xu hướng đồng thuận rõ ràng nên lợi nhuận vẫn đang có sự đan xen trái chiều. Mặc dù là ngành phục hồi muộn theo đà phục hồi chung của nhu cầu tiêu dùng toàn xã hội, tuy nhiên StockLine cho rằng ngành này đang ở trong giai đoạn phục hồi từ đáy, do đó không nên bỏ qua khi xem xét cơ hội đầu tư, nhất là các đại diện lớn như MSN, MCH, VNM.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mua-nao-thuc-nay-co-phieu-nganh-nao-sang-cua-giai-doan-nay-d110746.html