Thi đua- động lực hoàn thành nhiệm vụ ở Ban CHQS huyện Gia Lâm

Những năm qua, Ban CHQS huyện Gia Lâm luôn là lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Để giữ vững danh hiệu đó, cơ quan quân sự huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa phong trào thi đua đi vào chiều sâu thực chất, thúc đẩy cán bộ, nhân viên chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.

Đã cuối hè mà trời vẫn nắng gắt, thời tiết oi nồng, nhưng khuôn viên doanh trại Ban CHQS xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) vẫn dịu mát, thoáng đãng vì có nhiều tán cây xanh. Mặc dù mới thành lập chưa được hai tuần nhưng doanh trại của Tiểu đội Dân quân thường trực xã đã được sắp xếp đồng bộ, thống nhất, chính quy. Ấn tượng hơn là tác phong chào hỏi, nền nếp "đi xin phép, về báo cáo" của các chiến sĩ dân quân được thực hiện nghiêm túc.

Chiến sĩ dân quân thường trực xã Ninh Hiệp sắp đặt nội vụ tại đơn vị.

Theo đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Ninh Hiệp, địa phương phát triển mạnh hoạt động kinh doanh sản phẩm may mặc và dịch vụ, nên thu hút rất đông lao động, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do đó, nhiệm vụ khó khăn nhất của địa phương là công tác tuyển quân và xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ... Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Phong trào TĐQT do Ban CHQS huyện phát động, Ban CHQS xã thực hiện đột phá vào những việc khó, nhiệm vụ mới, như: Công tác tuyển quân, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; nhiệm vụ đột xuất như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. “Thành lập được Tiểu đội Dân quân thường trực của xã là minh chứng hoàn thành việc mới, nhiệm vụ khó của chúng tôi”, đồng chí Nguyễn Hùng Cường nhấn mạnh.

Những năm qua, xã Ninh Hiệp là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Gia Lâm về công tác tuyển quân, huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân. Chia sẻ kinh nghiệm để Phong trào TĐQT lan tỏa, nối dài từ Ban CHQS huyện đến từng cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ ở cơ sở, bảo đảm hoạt động nền nếp, hiệu quả, Thượng tá Đặng Trường Sơn, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện Gia Lâm, cho biết: “Nội dung cốt lõi, quan trọng nhất là phải phát huy được vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là cơ quan quân sự các xã, thị trấn trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động này. Đồng thời, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Ban CHQS huyện phải sâu sát chỉ đạo cơ quan chính trị trong xây dựng kế hoạch, đăng ký giao ước thi đua đến từng tập thể, cá nhân, với nội dung, chỉ tiêu cụ thể, sát với nhiệm vụ của đơn vị; chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến và nhân rộng gương người tốt, việc tốt; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời”.

Nhờ đó, thời gian qua, phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng, thấm, ngấm đến từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong LLVT huyện Gia Lâm, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong từng cơ quan, đơn vị. Để tạo động lực thúc đẩy cơ quan, đơn vị và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Gia Lâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, phát huy dân chủ, nhất là khâu bình xét, khen thưởng. Tổ thi đua của cơ quan quân sự huyện theo dõi, duy trì chấm điểm quá trình công tác, rèn luyện của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ qua từng đợt, từng phong trào thi đua, từng giai đoạn; tổng hợp, lựa chọn các tập thể, cá nhân xuất sắc đưa vào danh sách đề nghị khen thưởng, bảo đảm khách quan, công bằng.

Nhờ các biện pháp tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, Phong trào TĐQT đã tạo động lực mạnh mẽ giúp Ban CHQS huyện Gia Lâm hoàn thành toàn diện các mặt công tác, nhiệm vụ. Nhiều nội dung, chỉ tiêu tưởng chừng khó thực hiện được thì nay đã cơ bản hoàn thành. Điển hình là đơn vị đã tham mưu, đề xuất và được Huyện ủy, UBND huyện nhất trí phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm đất xây dựng trụ sở làm việc Ban CHQS huyện, đất xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp và cụm căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ). Các nhiệm vụ khác như công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, đăng ký quản lý lực lượng dự bị động viên, sắp xếp tổ chức biên chế và huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự hằng năm của huyện đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc. Gia Lâm là huyện đầu tiên và cũng là duy nhất trong số 17 huyện và thị xã của TP Hà Nội đến nay đã thành lập được Tiểu đội Dân quân thường trực.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TUÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thi-dua-dong-luc-hoan-thanh-nhiem-vu-o-ban-chqs-huyen-gia-lam-737588