Thêm nhiều quốc gia chấp nhận thanh toán bằng NDT, vị thế của đồng USD đang bị 'lung lay' dữ dội

Với việc ngày càng có nhiều quốc gia bán phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ, tăng dự trữ vàng và giải quyết thương mại song phương bằng đồng NDT, tháng Ba năm nay, đồng NDT đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong các giao dịch xuyên biên giới ở Trung Quốc, lần đầu tiên 'vượt mặt' đồng USD.

Với việc tăng cường những nỗ lực nhằm nâng cao sức hấp dẫn của đồng NDT như một phương tiện thay thế trong thương mại quốc tế và một loại tiền tệ dự trữ, Trung Quốc đang dần “gặt quả ngọt”’ khi đồng nội tệ của nước này đang được sử dụng nhiều hơn trong tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối hay tài sản dự trữ đáng tin cậy của các ngân hàng trung ương.

Vậy những quốc gia nào trên thế giới đang sử dụng đồng NDT như một phương tiện thanh toán phổ biến trong những giao dịch dầu, khí đốt và thậm chí là đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân?

Đồng USD đang dần khẳng định vị thế khi dần trở thành phương tiện thanh toán phổ biến thay cho đồng USD. (Nguồn: Reuters)

Nga

Nền kinh tế Nga đã bị thiệt hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây do chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, buộc Moscow phải sử dụng đồng NDT rộng rãi hơn khi các biện pháp kiềm chế do Washington dẫn đầu đã hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với đồng USD.

Trong năm qua, Nga đã gia tăng đáng kể việc sử dụng đồng NDT sau làn sóng trừng phạt tài chính khiến gần một nửa dự trữ ngoại tệ của nước này bị đóng băng và bị chặn khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu).

Rory Green, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London (Anh), ước tính việc Nga sử dụng đồng NDT ở nước ngoài đã tăng từ dưới 0,26% vào năm 2020 lên 2,57% vào tháng 1/2023, đưa Moscow trở thành sàn giao dịch ngoại hối lớn thứ năm toàn cầu, sau Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Singapore và Mỹ.

Tháng 9/2022, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cho biết đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để thanh toán việc cung cấp khí đốt bằng đồng Ruble và đồng NDT.

Các công ty khác của Nga như nhà sản xuất vàng hàng đầu Polyus, cũng đã bắt đầu vay bằng đồng NDT trên thị trường trái phiếu.

Tháng 10/2022, đồng NDT đã lần đầu tiên vượt qua USD để trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow.

Trong tháng 4/2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga cũng tăng 153,09%, trong khi nhập khẩu tăng 8,06%.

Nga khả năng cũng bắt đầu mua ngoại tệ, bao gồm cả đồng NDT, để bổ sung dự trữ ngoại hối trong tháng này và đây sẽ là lần đầu tiên Moscow có động thái này kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Saudi Arabia

Các báo cáo gần đây cho thấy, Saudi Arabia đang xem xét chấp nhận đồng NDT thay thế cho đồng USD để bán dầu ra bên ngoài.

Động thái được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 12/2022 rằng cần có một mô hình hợp tác năng lượng mới, đồng thời kêu gọi thúc đẩy vai trò của đồng NDT như một loại tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ và khí đốt.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải sẽ được sử dụng như một nền tảng đầy đủ để thanh toán bằng đồng NDT trong giao dịch dầu khí.

Argentina

Cuối tháng 4/2023, Argentina cho biết sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng NDT thay vì USD.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã sử dụng đồng NDT để thanh toán tương đương với 1,04 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4/2023.

Các nhà kinh tế nhận định: “Quyết định nghiêng về đồng NDT của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh chắc chắn sẽ tạo ra một cú huých mạnh mẽ cho quá trình quốc tế hóa đồng tiền này. Nhưng động thái trên nhiều khả năng được thúc đẩy bởi sự linh hoạt trong bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Argentina, nơi mà đồng USD đang thiếu hụt trong khi đồng NDT lại dễ tiếp cận hơn.”

Vào tháng 1/2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mở rộng thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Argentina thêm 35 tỷ NDT (5 tỷ USD) lên 165 tỷ NDT.

Brazil

Brazil đã bắt đầu chấp nhận các khoản thanh toán thương mại và đầu tư bằng đồng NDT, với một thỏa thuận đã đạt được giữa các ngân hàng trung ương vào tháng Hai năm nay.

Tài sản ngoại hối bằng đồng NDT của Brazil đang đạt mức cao 5,37% trên tổng số vào cuối năm 2022, vượt qua tài sản bằng đồng Euro để trở thành tài sản lớn thứ hai.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi khối BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - giải quyết thương mại và đầu tư song phương bằng đồng NDT.

“Tại sao tất cả các quốc gia lại sử dụng USD để thanh toán mà không phải đồng NDT hay các loại tiền tệ quốc tế khác”, ông nói.

Brazil cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ mười của Trung Quốc, với giá trị thương mại song phương tăng 4,9% lên 171,5 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc.

Ông Walter Schalka, Giám đốc điều hành của Công ty Suzano, nhà sản xuất bột gỗ cứng lớn nhất Brazil cho hay, đồng tiền của Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng và các khách hàng của công ty đang yêu cầu các giao dịch liên quan đến đồng NDT.

Bangladesh

Tháng trước, ông Uttam Kumar Karmaker, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Bangladesh tiết lộ, quốc gia Nam Á này và Nga đã thống nhất sử dụng đồng NDT để thanh toán cho chi phí xây dựng nhà máy hạt nhân mà Moscow đang triển khai ở Dhaka. “Nước Nga muốn chúng tôi thanh toán bằng đồng Ruble nhưng điều đó là không thể”, ông giải thích.

Việc Moscow bị chặn khỏi SWIFT đã khiến Dhaka đã không thể thanh toán bằng USD. Theo đó, toàn bộ giao dịch sẽ được thanh toán bằng đồng NDT thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới do Trung Quốc phát triển vào năm 2015.

Pakistan

Pakistan có thể sẽ bắt đầu sử dụng đồng NDT để mua dầu thô của Nga, với lô hàng đầu tiên gồm 750.000 thùng được chuyển đến vào tuần đầu tháng 6/2023.

Nhật báo News International của Pakistan ngày 5/5 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Năng lượng nước này cho biết: “Pakistan sẽ trả tiền dầu thô bằng đồng NDT và thông qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc”.

Iraq

Tháng 2/2023, Ngân hàng Trung ương Iraq đã cho phép thanh toán hàng nhập khẩu của khu vực tư nhân bằng đồng NDT và ngân hàng sẽ cung cấp NDT cho các chủ doanh nghiệp ở Iraq để thanh toán cho các đối tác Trung Quốc.

Ông Mudhir Salih, một cố vấn kinh tế của chính phủ nước này cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc thanh toán hàng nhập khẩu bằng đồng NDT, trong khi trước đó phần lớn là sử dụng đồng USD.

Tuy nhiên, ông Salih cũng thông tin, các giao dịch thanh toán bằng đồng NDT sẽ không bao gồm các giao dịch liên quan đến dầu mỏ.

Thái Lan

Vừa qua, tờ Bangkok Post đưa tin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về hợp tác bổ sung nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng NDT và đồng Baht trong trao đổi thương mại.

Trước đó, Trung Quốc và Thái Lan đã gia hạn Thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương NDT-Bath vào tháng 1/2021, tờ báo đưa tin. Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng đồng nội tệ và tăng cường hợp tác tài chính giữa hai nước.

(theo SCMP)

Hồ Nghinh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-nhieu-quoc-gia-chap-nhan-thanh-toan-bang-ndt-vi-the-cua-dong-usd-dang-bi-lung-lay-du-doi-227103.html