Thêm hai voi nhà được cởi trói, tiến tới chấm dứt du lịch cưỡi voi

Hai cá thể voi nhà ở Đắk Lắk vừa được cứu hộ để đưa về rừng nuôi dưỡng. Trước đó, hai cá thể voi này phục vụ trong các khu du lịch cho khách cưỡi lên lưng, làm trò theo ý thích của con người.

Ngày 19/3, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận thêm 2 cá thể voi tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi. Đó là voi cái Ta Nuon (40 tuổi, Buôn Đôn) và voi đực Y Khun (55 tuổi, huyện Lắk).

Voi Y Khun được chở từ huyện Lắk về VQG Yok Đôn. Ảnh: VQG

Hai cá thể voi này được Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, đưa về VQG… để tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang thân thiện với voi.

Voi được trả tự do sau thời gian dài phục vụ khách du lịch. Ảnh: VQG

Trước đó, voi Ta Nuon và Y Khun từng có thời gian dài phục vụ trong các khu du lịch để cho khách cưỡi lên lưng, làm trò theo ý thích của con người, mua vui cho du khách.

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Yok Đôn cho biết, với việc tiếp nhận Ta Nuon và Y Khun, nâng tổng số cá thể voi tại VQG lên 10 con.

Voi được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: VQG

Trước khi được đưa về VQG, những cá thể voi này cũng bị xiềng xích, phục vụ chở khách du lịch. Từ ngày tham gia mô hình du lịch voi thân thiện (du khách vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng…), cuộc sống của voi được cải thiện cả về sức khỏe và tinh thần.

Trước đó, tháng 7/2018, VQG Yok Đôn là đơn vị đầu tiên tại Đắk Lắk được hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình thân thiện cùng voi từ Tổ chức Động vật Châu Á. Sau 5 năm triển khai, lượng khách tham gia trải nghiệm mô hình voi thân thiện ngày càng tăng.

Du khách tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi. Ảnh: VQG

Theo số liệu của VQG Yok Đôn, trong 5 năm qua, hơn 1.100 lượt khách đến đăng ký để trải nghiệm khám phá các hoạt động cùng voi. Số lượng khách tham gia trải nghiệm mô hình này ngày càng tăng, đơn cử, 3 tháng cuối năm 2018 có 49 khách tham gia với 100% khách nước ngoài, thì đến năm 2022, con số lên đến hơn 530 và khách trong nước đã chiếm 30%.

“Tôi cười cùng voi. Tôi ngưng cưỡi voi”

Hiện, mô hình du lịch voi thân thiện đang được trung tâm du lịch hưởng ứng. Mới đây, Trung tâm du lịch (TTDL) Cầu Treo Buôn Đôn – Làng Đảo (huyện Buôn Đôn) quyết định ngưng hoạt động du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình “Tôi cười cùng voi. Tôi ngưng cưỡi voi”, giúp voi Đắk Lắk duy trì sức khỏe.

TTDL Cầu Treo Buôn Đôn triển khai mô hình “Tôi cười cùng voi. Tôi ngưng cưỡi voi”. Ảnh TTDL

Theo đại diện TTDL Cầu Treo Buôn Đôn, voi Đắk Lắk được thuần hóa và nuôi dưỡng bởi người dân địa phương. Nếu chỉ dừng lại ở việc vận động chủ voi ngưng tham gia cung cấp dịch vụ cưỡi voi, mà không giúp các chủ voi có nguồn thu nhập khác ngoài cưỡi voi đủ để chăm sóc sức khỏe cho voi và kế sinh nhai cho gia đình họ thì tính khả thi của việc ngừng cưỡi voi sẽ không được lâu bền.

TTDL Cầu treo Buôn Đôn mong du khách hưởng ứng mô hình du lịch voi thân thiện. Ảnh TTDL

Do đó, từ ngày 10/2, TTDL Cầu treo Buôn Đôn đồng thời triển khai các dịch vụ du lịch voi thân thiện như: chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi,… với mong muốn sớm mang lại nguồn thu nhập đủ tốt cho chủ voi, nài voi nhằm giúp họ an tâm và tin tưởng vào chủ trương đúng đắn trên.

Hiện nay, quần thể voi nhà tại Đắk Lắk chỉ còn 36 cá thể, giảm 90% số lượng voi so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi, gây khó khăn cho công tác bảo tồn.

Năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí hơn 55,4 tỷ đồng do Tổ chức động vật châu Á tài trợ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/them-hai-voi-nha-duoc-coi-troi-tien-toi-cham-dut-du-lich-cuoi-voi-post1518861.tpo