Thầy Ian Wilson và hành trình mang chữ lên non

Một ngày đầu tuần, giáo viên, học sinh Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein (Bình Chánh, TPHCM) bất ngờ khi giám đốc điều hành Ian Wilson (người Australia, ảnh) bỏ tiền túi mua về một đàn vịt con.

Ông thiết kế một bể nước ngay trong trường, đưa đàn vịt con vào nuôi. Khi đàn vịt lớn lên, ông lại đem đi đổi một đàn vịt con khác mang về. Vì ông hiểu học trò nhỏ thích những con vật bé xinh.

Trong 5 năm đương vị, giờ đón trò, cổng trường chưa bao giờ vắng bóng thầy. Nửa tiếng trước giờ học, ông nhất quyết đứng trước cổng để đập tay từng học sinh như những người bạn và chào từng phụ huynh đưa con đến lớp. Và cũng trong một buổi sáng mưa to sấm chớp, hình ảnh ông giám đốc điều hành tự mình trải thảm để học sinh không té đã in đậm trong ký ức nhiều đứa trẻ cho đến khi lớn lên. Nhiều phụ huynh hiện vẫn luôn nhắc đến ông như một người đồng hành với quá trình trưởng thành của con mình.

Rồi đến một ngày, ông bệnh nặng, phải quay về nước chữa trị trong sự tiếc nuối cho tất cả. Nhưng, ông không thể rời xa đất nước và học trò Việt Nam. Vào một buổi chiều muộn tại quê nhà, thầy Ian Wilson đang nhớ quay quắt những đứa nhỏ, bỗng nhận được một email từ Việt Nam, bên trong là lời mời quay trở lại Việt Nam làm việc, nhưng lần này ở tận vùng cao Tây Bắc. Ông “say yes” ngay vì chỉ cần là học trò Việt Nam, nơi nào cũng được. Hai ngày sau, ông có mặt ở đất nước hình chữ S.

Trường quốc tế Canada Lào Cai (CIS Lào Cai) mà thầy Ian Wilson phục vụ tọa lạc vùng núi biên giới giáp Trung Quốc. Tất cả do bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ trường cũ của ông, muốn xây dựng một trường phổ thông quốc tế đầu tiên cho học sinh khu vực Tây Bắc. Và thầy Ian Wilson chính là người bà đặt lòng tin hoàn toàn cho cái ghế hiệu trưởng.

Ngôi trường cheo leo trên đồi cao, xung quanh là núi rừng, chỉ có cây cối và chim hót. Trường cách nơi thầy Ian ở khoảng 5km và dù được cấp ô tô, tài xế nhưng ông từ chối vì muốn đạp xe đến trường như học trò của mình - vào 5 giờ mỗi sáng. Chỉ để chờ những học trò đầu tiên đi học, đập tay như một thỏa thuận: chúng ta cùng trải nghiệm và cố gắng. Ngôi trường mới toanh, học sinh chưa nhiều nhưng ông thầy người Australia làm việc rất nghiêm, yêu cầu mọi người phải làm tốt nhất công việc để phục vụ học trò. Chính ông cùng nhân viên tự tay lau sàn, dọn vệ sinh, dẹp viên đá chắn giữa đường…

Ông không hay nói về mình và cũng không chia sẻ những việc đã làm, chỉ có những người xung quanh dùng hết giác quan để cảm nhận về ông. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh chia sẻ: Qua những việc đã làm, ai cũng hiểu được thầy Ian yêu quý đất nước và học trò Việt Nam ra sao.

AN THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-ian-wilson-va-hanh-trinh-mang-chu-len-non-post725489.html