Thành ủy Hà Nội tổng kết 40 năm đổi mới

Sáng nay (28/3), Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua. Qua gần 40 năm đổi mới đã chứng minh, việc bổ sung, phát triển mô hình nhiều lần trong quá trình hiện thực hóa trên địa bàn, công cuộc đổi mới ở Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng.

Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu thành phố Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 503 điểm cầu, hơn 11.000 đại biểu tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Kể từ năm 1986 bắt đầu đổi mới đến nay, ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn bám sát quan điểm chỉ đạo, vận dụng sáng tạo tư tưởng đổi mới của Trung ương vào thực tiễn Hà Nội.

Qua gần 40 năm đổi mới, Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thủ đô đã vượt qua các thời kỳ khó khăn, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh của Hà Nội đứng đầu cả nước. Quan hệ sản xuất mới XHCN ngày càng được hoàn thiện, củng cố và phát triển. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được tăng cường.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tham gia chủ trì hội nghị

Hà Nội đặt ra 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, gồm 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Sau 40 năm đổi mới, công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Phát triển văn hóa, xã hội, con người được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tại Hội nghị, Bí thư thành ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên đánh giá kết quả, làm sâu sắc hơn những đóng góp của Thủ đô qua 40 năm đổi mới, nhất là trong việc phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của Thành phố và đất nước; dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là những nội dung quan trọng để Thành ủy tổng kết, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về 40 năm đổi mới.

Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô vượt qua các thời kỳ khủng hoảng, suy thoái trầm trọng, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 4,48% (1986 - 1990); 12,52% (1991 - 1995);10,72% (1996 - 2000); 11,30% (2001 - 2005); 11,55% (2006 - 2007); 10,58% năm 2008 (thời điểm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính); 9,23% (2011 – 2015); 7,39% (2016-2020), năm 2021 tăng 2,92% (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), năm 2022 tăng 8,89% và năm 2023 tăng 6,27%.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thanh-uy-ha-noi-tong-ket-40-nam-doi-moi-228895.htm